Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết như vậy tại buổi gặp mặt báo chí tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
GPLX quốc tế có thể sẽ được cấp trong quý I này. Ảnh Dantri
Ông Huyện cho hay, mọi công dân Việt Nam có nhu cầu cấp GPLX quốc tế đều được đơn vị đáp ứng. GPLX quốc tế sẽ được phát hành theo quy chuẩn của quốc tế với hình dạng giống quyển giống như hộ chiếu hiện nay. GPLX này có giá trị sử dụng lưu hành hợp pháp tại 85 quốc gia tham gia Công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo - Tín hiệu đường bộ (gọi tắt là Công ước Vienna).
Trên GLPX quốc tế sẽ in 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX đó. Trong GPLX sẽ ghi rõ người có GPLX quốc tế được lái ô tô, mô tô loại nào. GPLX quốc tế có thời hạn theo quy định chung của công ước từ 1 đến 3 năm.
Theo ông Huyện, hiện tại đơn vị đã xây dựng xong thông tư hướng dẫn và trình Bộ GTVT tải phê duyệt để triển khai thực hiện ngay trong quý I.2015. Việc cấp GPLX quốc tế được thực hiện giống như việc cấp giấy phép lái xe bình thường. Hiện nay, việc cấp GPLX quốc tế được thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TPHCM, sau đó sẽ nhân rộng trên quy mô toàn quốc.
“Theo công ước quốc tế 1968 về giao thông đường bộ, nếu một người dân muốn đi xe mô tô, ô tô ra nước ngoài phải có hai giấy phép lái xe, một giấy phép lái xe thông thường và một giấy phép lái xe quốc tế. Việc làm này nhằm mục đích chống làm giả giấy phép lái xe”, ông Huyện nói.
Trước câu hỏi vì sao Tổng cục Đường bộ Việt Nam không nghiên cứu ghép hai giấy phép (loại GPLX thông thường và GPLX quốc tế) thành một chiếc và để song ngữ. Ông Huyện nói: “Đây là quy định chung của công ước quốc tế 1986 về giao thông. Họ không chấp nhận có một giấy phép lái xe nên Việt Nam bắt buộc thực hiện”.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Trong buổi gặp mặt với báo chí chiều ngày 4.2, ông Huyện thông tin thêm, năm 2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tập trung cao nhất cho nhiệm vụ “Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải”. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh và siết chặt kiểm soát tải trọng xe, chú trọng kiểm soát ngay tại các đầu mối xếp hàng hóa, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể trạm kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.