Cắt điện như "đánh úp" doanh nghiệp trở tay không kịp: Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị

Vũ Khoa Thứ năm, ngày 08/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Việc cung ứng điện liên tục bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến chục nghìn doanh nghiệp và người lao động, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng chính phủ.
Bình luận 0

Chục nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì cắt điện

Ngày 5/6/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) vừa có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để giải quyết vấn đề mất điện, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Là cơ quan đại diện cho gần 10.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, với hơn 1 triệu người lao động, KOCHAM cho rằng cho rằng việc Nhiệt độ ngày hè tăng cao khiến nhu cầu sử dụng điện năng cho sinh hoạt và sản xuất cũng tăng lên.

Gần đây, KOCHAM đã tiếp nhận rất nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp về tình hình mất điện thường xuyên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thể sản xuất, người lao động không có việc làm. Đồng thời, đây là nguyên nhân khiến các đơn hàng của doanh nghiệp bị chậm trễ tiến độ, không đáp ứng được hợp đồng.

KOCHAM kiến nghị chấm dứt tình trạng cắt điện đột ngột - Ảnh 1.

Việc cung ứng điện của EVN đang là vấn đề rất nóng. Ảnh: evn.com.vn

Nghiêm trọng hơn, có nhiều doanh nghiệp tổn thất nặng nề do máy móc bị hỏng hóc, hàng hóa bị hư hỏng. Tại nhiều nơi, việc cắt điện không được thông báo trước cũng gây ra không ít sự bức xúc cho doanh nghiệp. Từ những nguyên nhân nêu trên, KOCHAM nêu kỳ vọng tình trạng cắt điện phải chấm dứt để đảm bảo nhu cầu ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

"Trong trường hợp bất khả kháng, chúng tôi đề nghị cần có thông báo trước một cách cụ thể, chính xác lịch cắt điện dể doanh nghiệp chủ động trong sản xuất", văn bản kiến nghị của KOCHAM nhấn mạnh.

Theo Điều 27 Luật Điện lực, trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức thông tin khác.

Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.

Cũng liên quan đến tình trạng thiếu điện gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tiên, Giám đốc thương hiệu gỗ nội thất cao cấp Mansion, địa chỉ tại KĐT Geleximco, Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho biết, các xưởng sản xuất của doanh nghiệp sử dụng rất loại máy móc cưa, cắt.. có yêu cầu về tính ổn định rất cao. Do đó khi nguồn cấp điện thiếu ổn định, những nguy cơ gây hỏng hóc đối với cả máy móc và nguyên liệu sẽ xuất hiện.

Đặc biệt trong những ngày cao điểm vừa qua, doanh nghiệp rất bị động vì không biết lúc nào điện sẽ bị cắt. Mặc dù đã chuẩn bị phương án trong một vài trường hợp cụ thể như thay đổi giờ làm việc, xoay tua, vận chuyển đơn hàng sản xuất ở nhà xưởng có điện.. nhưng nguy cơ về chậm trễ, bị phạt hợp đồng vẫn hiện hữu. "Đây là nguyên nhân khách quan, nhưng chúng tôi phải trực tiếp chịu ảnh hưởng. Điều này là rất bất công cho doanh nghiệp", Giám đốc thương hiệu của Mansion chia sẻ.

Cắt điện như "đánh úp", doanh nghiệp trở tay không kịp

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hong Sun, Chủ tịch KOCHAM, cho biết dù chưa nhận được văn bản chính thức nào từ phía các doanh nghiệp, cũng như chưa thể có thống kê cụ thể về mức độ thiệt hại. Tuy vậy, qua các kênh tiếp nhận, KOCHAM khẳng định việc cấp điện không ổn định trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động bên trong các nhà xưởng.

Chủ tịch KOCHAM cho biết, rất nhiều nhà máy liên tục bị gián đoạn hoạt động sản xuất vì không có điện, điện chập chờn. Đánh giá đây là vấn đề rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng tới một vài doanh nghiệp mà diễn ra hầu hết trên cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc. Thiếu điện, dẫn đến thời gian hoạt động của các nhà máy bị hạn chế. Thậm chí tại 1 số tỉnh, tình cảnh một tuần tuần mất điện tới 3 ngày, gây ra sản lượng của doanh nghiệp đạt dưới 50% vì không sản xuất được.

"Mất điện gây ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư Hàn Quốc chúng tôi. Bởi người lao động thì vẫn phải đi làm nhưng đến nhà xưởng lại không có điện. Có khi việc mất điện không được thông báo trước mà xảy ra đột ngột khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Khi đó doanh nghiệp vẫn phải trả lương vì công nhân đã tới làm việc, dù nhà xưởng không hoạt động. Thiệt hại đó là ai chịu đền bù?", Chủ tịch KOCHAM nói.

Bên cạnh kiến nghị về những giải pháp trước mắt, ông Hong Sun cũng cho rằng cần có thêm phương án lâu dài, đảm bảo cho việc hoạt động ổn định của doanh nghiệp.  Trong đó, KOCHAM đề nghị Chính phủ đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cần quan tâm bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện thường xuyên, giảm thiểu tối đa các sự cố về điện không đáng có.

Sớm có giải phát để vận hành hiệu quả các thiết bị có sẵn, cũng như có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mới, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác là một số giải pháp tầm vĩ mô như đẩy nhanh kế hoạch phát triển điện VIII; giải quyết các vấn đề liên quan đến thủy điện, nhiệt điện... do lo ngại việc thiếu điện sẽ kéo dài.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem