Cắt đứt nguồn tiếp nhận và vận chuyển hàng giả ra thị trường

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 10/05/2023 12:29 PM (GMT+7)
Ngăn chặn hàng giả khi đang lưu thông cũng là phương án cần đẩy mạnh để qua đó chặt đứt nguồn liên kết giữa cơ sở sản xuất hàng giả với các chủ buôn.
Bình luận 0

Thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các đơn vị quản lý thị trường tỉnh, thành phố cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn những vụ việc liên quan đến hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xe vận chuyển hàng giả, hàng nhái từ Nam ra Bắc

Công tác được triển khai thông qua các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh, đặc biệt là nguồn thông tin phản ánh từ người dân về các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hoá có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu sản phẩm được bảo hộ tại Việt Nam. Trong các giải pháp tăng cường phòng, chống hàng giả có cơ hội lưu thông vào thị trường, bên cạnh việc ngăn chặn sản xuất hàng giả, kiểm soát khi hàng lên kệ, thì công tác ngăn chặn hàng giả khi đang lưu thông cũng là phương án cần đẩy mạnh. Qua đó, chặt đứt nguồn liên kết giữa cơ sở sản xuất hàng giả với các chủ buôn.

Hàng giả Lai Châu

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái ngay từ khâu vận chuyển. Ảnh: Vũ Danh.

Qua đó, ngày 9/5/2023, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu phối hợp với PC03, công an tỉnh tiến hành khám xe ô tô tải biển kiểm soát 19C-210.36, do ông Trần Văn Thành là lái xe kiêm chủ hàng điều khiển đang dừng, đỗ bốc dỡ hàng hoá.

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện phương tiện đang vận chuyển: 1.500 gói dầu gội đầu SunSilk, loại 6g; 600 gói dầu gội đầu Clear, loại 6g; 50 gói bột giặt Omo, loại 770g; 40 gói bột giặt Omo, loại 380g; 120 hộp kem đánh răng P/S, loại 100g; 72 hộp kem đánh răng P/S, loại 180g. Ông Trần Văn Thành không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá. Trên bao bì, nhãn hàng hoá mang nhãn hiệu "Unilever và hình" có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu sản phẩm được bảo hộ tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 8/5, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình phát hiện và thu giữ lô hàng hóa gồm 2.350 cái mũ rộng vành, mũ lưỡi trai có gắn các nhãn hiệu nổi tiếng có dấu hiệu làm giả… Vụ việc diễn ra tại Km 684 trên tuyến đường tránh lũ quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Tại thời điểm này, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh đón dừng xe ô tô tải mang biển kiểm soát 17C-048.09 do ông Trần Văn Thìn, có địa chỉ tại phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình điều khiển, đang lưu thông theo hướng từ Nam ra Bắc để tiến hành kiểm tra theo thủ tục hành chính.

Lực lượng chức năng phát hiện trên xe có vận chuyển 2.350 cái mũ rộng vành, mũ lưỡi trai các loại. Trên sản phẩm có gắn các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như Christian Dior, DIOR, CHANEL, LOUIS VUITTON, GUCCI, adidas, NIKE, BALENCIAGA, NEW YORK YANKEES (NY), BOSS, puma.

Hàng giả Quảng Bình

Phương tiện vận chuyển hàng giả từ phía Nam ra Bắc bị phát hiện. Ảnh: Nguyệt Minh.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Toàn bộ 2.350 cái mũ rộng vành, mũ lưỡi trai các loại là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nói trên. Trị giá lô hàng ước tính khoảng 100 triệu đồng. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong chống hàng giả, hàng nhái

Thời gian qua, tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng tinh vi, phức tạp. Đây là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh chân chính bức xúc và đề nghị có sự hỗ trợ quyết liệt hơn của các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lực lượng chuyên trách về quản lý thị trường.

Hàng giả Quảng Bình

Hàng giả, hàng nhái thương hiệu là vấn đề nhức nhối tại thị trường Việt. Ảnh: Nguyệt Minh

Về vấn đền này, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhận định, từ năm 2018 đến nay, kể từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm. 

Cụ thể, năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước xử lý 4.392 vụ việc, phạt tiền vi phạm hành chính trên 41 tỷ đồng; năm 2019 xử lý 4.987 vụ vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 43 tỷ đồng; đến năm 2022 xử lý 3.069 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 38 tỷ đồng.

Riêng 3 tháng đầu năm 2023, trên cả nước, lực lượng xử lý 1.764 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 15,7 tỷ đồng. Dù vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường vẫn cho rằng những nỗ lực này vẫn chưa đủ khi các hành vi vi phạm vẫn còn nhiều.

Do vậy, để nâng cao các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý lực lượng quản lý thị trường sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý nhà nước cũng cần tăng cường kết nối, truyền tải nguồn tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem