Thu nhập tiền tỷ từ trồng cây ăn quả, nhiều nông dân Bình Phước vẫn "khát" vốn để mở rộng quy mô

Quang Sung Thứ hai, ngày 26/06/2023 13:51 PM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, trái cây Bình Phước đã vươn lên khẳng định thương hiệu, với chất lượng đạt chuẩn và mẫu mã bắt mắt. Nhiều nông dân đã ứng dụng cách làm mới, đưa trái cây Bình Phước vươn xa.
Bình luận 0

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, hiện nay toàn tỉnh có 13.220ha cây ăn trái với hơn 20 loại trái cây. Vài năm trở lại đây, trái cây Bình Phước đã vươn lên khẳng định thương hiệu, với chất lượng đạt chuẩn và mẫu mã bắt mắt.

18 năm làm cơ khí, trở về trồng cây ăn trái

Trang trại của ông Đỗ Ngọc Hưng tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có hơn 3.000m2 trồng dưa lưới công nghệ cao. Xuất thân là dân làm nghề cơ khí, sau 18 gắn bó ông Hưng đã quyết định chuyển hướng sang làm nông nghiệp.

Cây ăn trái Bình Phước đang “chạy đà”, cần tiếp sức để “cất cánh” - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định (trái) và ông Đỗ Ngọc Hưng ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đang trao đổi về mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. Ảnh: Quang Sung

“Do cảm thấy nghề cơ khí không còn phù hợp với sức khỏe, nên tôi chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp và bén duyên với cây dưa lưới”, ông Hưng cho hay. 

Năm 2020, ông Hưng bắt tay vào xây dựng trang trại trồng dưa lưới. Với kiến thức vốn có trong lĩnh vực cơ khí, toàn bộ trang trại được ông Hưng tự nghiên cứu, mày mò thi công theo ý mình.

Ông Hưng chia sẻ: “Những khó khăn lớn nhất những ngày đầu làm nông nghiệp là mình chưa có kiến thức, vốn không nhiều và làm trong tâm thế hoang mang không biết có thành công hay không. Trong lúc làm, mình vừa làm vừa tìm hiểu, đến bây giờ đúc kết lại là mình đã đi đúng đường”.

Hiện tại mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà kính của ông Hưng được chia thành từng khu canh tác, mỗi khu có diện tích 1.200m2. Riêng trang trại tại xã Đồng Tiến của anh có 3 khu canh tác, trong đó chủ yếu trồng hai giống dưa lưới TL3 và Huỳnh Long.

Theo ông Hưng, chi phí đầu tư để một khu nhà lưới dao động từ 350 - 400 triệu đồng. Những khu canh tác này được trang bị những thiết bị công nghệ cao như: tưới và bón phân tự động, nhật ký điện tử,…

Cây ăn trái Bình Phước đang “chạy đà”, cần tiếp sức để “cất cánh” - Ảnh 3.

Vườn dưa lưới của trang trại ông Hưng Đỗ Ngọc Hưng tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước được kiểm soát bằng hệ thống tự động. Ảnh: Quang Sung

“Theo tính toán tại vườn của tôi, mỗi khu canh tác đạt sản lượng từ 4,7 đến 5 tấn. Đối với dưa giống Huỳnh Long có giá 45.000 đồng/kg và 30.000 đồng/kg đối với giống dưa TL3. Lý do tôi chọn trồng dưa là bởi vì tôi thấy nó hiệu quả so với các loại cây trồng khác”, ông Hưng cho biết.

"Đây là mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Mô hình này phù hợp với chủ trương của tỉnh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển loại hình cây ăn trái"

Ông Phạm Kim Trọng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bình Phước

Hiện sản phẩm dưa lưới của trang trại ông Hưng đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị lớn và đang trong quá trình nộp hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP. 

“Trước đến giờ dưa của tôi làm theo tiêu chuẩn VietGap và đang phấn đấu đạt sản phẩm OCOP. Trong tương lai tôi muốn đưa ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường như: Hàn Quốc, Malaysia,... hoặc ít nhất là vào các siêu thị hàng nhập khẩu”, ông Hưng nói.

Cây ăn trái Bình Phước đang “chạy đà”, cần tiếp sức để “cất cánh” - Ảnh 4.

Hiện, ông Hưng đang muốn mở rộng quy mô trồng dưa lưới. Ảnh: Quang Sung

Cây ăn trái Bình Phước cần vốn để đi xa

Hiện nay, những mô hình trồng cây ăn trái tại tỉnh Bình Phước đang phát triển nhiều lên nhờ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Không chỉ những mô hình công nghệ cao, ngay cả những mô hình truyền thống cũng đang cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội.

Cây ăn trái Bình Phước đang “chạy đà”, cần tiếp sức để “cất cánh” - Ảnh 5.

Ông Thái Văn Dương (trái) trao đổi cùng Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định về mô hình trồng quýt đường. Ảnh: Quang Sung

Trang trại trồng quýt đường của ông Thái Văn Dương (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), có hơn 5ha cây quýt đang cho trái. Hiện vườn quýt nhà ông Dương đã được 10 năm tuổi và đang cho trái năng suất cao.

Theo ông Dương, chi phí đầu tư cho cây quýt tương đối lớn và công chăm sóc cũng nhiều hơn loại cây khác. Tuy nhiên, lợi nhuận của loại cây trồng này khá cao, mỗi một vụ ông Dương thu lợi nhuận khoảng 70% so với tổng chi phí đầu tư. Với vườn quýt 5ha, mỗi năm ông Dương thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.

“Loại cây trồng này tuy phải bỏ công nhiều, nhưng lợi nhuận cao hơn cây cao su. Trái quýt đường dù rẻ cũng bán được chứ không có ế, do đây là loại trái cây người dân mua thường xuyên. Mình đầu tư xe vận chuyển để tiết kiệm thêm được một khoản chi phí”, ông Dương cho biết.

Cây ăn trái Bình Phước đang “chạy đà”, cần tiếp sức để “cất cánh” - Ảnh 6.

Vườn quýt của ông Dương đang vào thời điểm cho quả. Ảnh: Quang Sung

Cả hai mô hình trồng cây ăn trái trên đã được Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đánh giá cao. Tuy nhiên, cả hai hộ sản xuất cho biết đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ.

Mô hình trồng dưa lưới của ông Hưng đến nay vẫn đang sử dụng vốn nhà. Ông Hưng tiết lộ đang muốn mở rộng quy mô sản xuất vì nhu cầu thị trường tăng cao.

“Tôi mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Tôi đã có địa điểm ở xã Tân Phước tương đối hoàn chỉnh, chỉ cần mình tiếp nhận và đưa quy trình canh tác vào vận hành thôi”, ông Hưng bày tỏ.


Cây ăn trái tại Bình Phước đang "chạy đà", cần tiếp sức để "cất cánh". Video: Quang Sung

Đối với mô hình trồng quýt của ông Dương, đến nay nông dân này vẫn trả tiền lãi (vay ngân hàng) hằng tháng cho mảnh đất đang canh tác. Ông Dương mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô và yên tâm sản xuất.

Theo ông Nguyễn Xuân Định, các hộ nông dân đang rất muốn mở rộng sản xuất, áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất. Tuy nhiên, họ đều đang thiếu vốn và cần tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất phù hợp, thủ tục thuận lợi. Do đó, địa phương cần có chính sách hỗ trợ vốn, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Dự thảo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã đặt ra nhiệm vụ:

Cơ cấu lại sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm dần diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm, cụ thể: giảm 16,8%. Tập trung vào các loại cây như: cà phê giảm 43% diện tích, hồ tiêu giảm 28% diện tích, cao su giảm 19,4% diện tích, điều giảm 9,1%… diện tích cây ăn trái tăng 60,83%, rau màu các loại tăng 19,62%.

Cây ăn trái: mở rộng diện tích từ các loại cây trồng khác chuyển đổi qua lên 17.000ha vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 20.000ha. Tập trung vào thâm canh diện tích các cây ăn quả có triển vọng như: sầu riêng, chuối, bưởi, mít, xoài... Tích cực mở rộng liên kết vùng, rải vụ thu hoạch và liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem