CEO 8X Trịnh Chí Cường ứng cử ĐBQH: Chỉ trích không phải phong cách của tôi trên nghị trường
Hồng Phúc
Thứ ba, ngày 16/03/2021 19:00 PM (GMT+7)
Ứng cử ĐBQH, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến - ông Trịnh Chí Cường (SN 1982) cho biết tuổi tác chỉ là con số, miễn đại biểu có đủ trình độ, hiểu biết. Ông cũng khẳng định phong cách của ông không phải là chỉ trích, kể cả trên nghị trường.
Ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến, là một trong hai doanh nhân được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Trịnh Chí Cường sinh năm 1982 và là người trẻ nhất trong danh sách giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND TP.HCM của HUBA.
Dành nhiều thời gian trò chuyện với Dân Việtvề việc tham gia ứng cử ĐBQH lẫn việc điều hành doanh nghiệp từ năm mới 25 tuổi, ông Trịnh Chí Cường nhiều lần nhắc về năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông cho rằng trên nghị trường, tuổi tác chỉ là con số, điều cần thiết hơn là đại biểu có đủ trình độ, hiểu biết về lĩnh vực, nội dung đóng góp nhằm giải quyết được vấn đề chung cho đất nước.
Được tín nhiệm, tôi phải có trách nhiệm hơn
Cộng đồng doanh nghiệp và cả các giới khác đang rất quan tâm việc ông được giới thiệu ứng cử ĐBQH, vài ngày qua của ông thế nào?
- Mọi người từ bạn bè, đồng nghiệp đều chúc mừng tôi khi biết tin tôi được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Được mọi người tín nhiệm và chúc mừng, tôi cảm thấy rất vui nhưng điều này đồng nghĩa bản thân phải có trách nhiệm hơn để xứng đáng với sự tin tưởng và tín nhiệm đó.
Nếu trúng cử, với vai trò một ĐBQH tôi không thể để tình trạng hết cả nhiệm kỳ, khi nhìn lại mình không đóng góp được gì, không làm được gì có trách nhiệm với sự tin tưởng, tín nhiệm của mọi người.
Đã nhận lời tham gia ứng cử, tôi phải đóng góp mang ý nghĩa tích cực hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, nếu cảm thấy không đủ tự tin và đủ thời gian cho phép, tôi sẽ không nhận lời ngay từ đầu.
Ông có thể nói thêm về việc được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội?
- Tôi là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã lâu. Nhựa Đại Đồng Tiến cũng nhận được nhiều Huân chương Lao động; đóng góp cho ngành nhựa nói riêng và kinh tế nói chung. Được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH, tôi bất ngờ nhưng là niềm vinh dự bởi được tổ chức và mọi người tín nhiệm.
Lúc đầu, tôi cũng phân vân, suy nghĩ nhiều về vai trò ĐBQH, bởi vai trò này đối với tôi còn khá xa lạ. Quốc hội là cơ quan lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cũng như hoàn thành vai trò này ở chiều rộng lẫn chiều sâu với kim chỉ nam là đặt lợi ích quốc gia trên hết, cùng mọi người hoạch định chính sách tốt nhất.
Ngay tại doanh nghiệp, tôi cũng không vì lợi ích cá nhân hay cổ đông lớn mà phải hướng đến mục tiêu lớn hơn vì sự phát triển, sự lớn mạnh của công ty. Tôi điều hành Đại Đồng Tiến năm 2007, tức khi mới 25 tuổi. Khi đó, cách làm việc của tôi là đặt lợi ích công ty lên hàng đầu, có nhiều điều chưa biết thì cứ học hỏi, nhờ tư vấn từ người đi trước, khách hàng, đối tác, cùng tìm ra giải pháp, không thiên vị lợi ích cho ai mà phải là vì tập thể.
Với vai trò ĐBQH, tôi cũng sẽ đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất, phối hợp với mọi người tìm đường hướng tốt nhất cho đất nước.
Đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu
Là người đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia ứng cử ĐBQH, ông quan tâm những gì?
- Tôi cho rằng chính sách, pháp luật cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, ở bất kể ngành nghề nào cũng vậy. Đạo đức trong kinh doanh phụ thuộc khá nhiều ở phía doanh nghiệp, đôi khi chờ đợi đạo đức thì rất lâu, thay vì vậy, luật cần "nặng tay" hơn trong việc quy định cơ chế xử phạt hoặc cần phải xây dựng tiêu chí cơ bản trong sản xuất sản phẩm.
Ở phía quản lý thị trường, hiện còn nhiều hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử, mạng xã hội. Một số nơi làm ăn chân chính lại bị bắt lỗi hình thức khiến doanh nghiệp gặp khó. Những người làm ăn bài bản có giấy phép, đóng thuế bị đối xử không công bằng, môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh.
Vì vậy, tôi cho rằng cần kiểm tra, giám sát chặt ở khâu giấy phép kinh doanh, thuế, quản lý thị trường đến nơi đến chốn, dù khó triệt để 100% nhưng dần dần cũng lành mạnh hóa hơn.
Những công ty làm ăn chân chính cần được tạo điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp có được môi trường tốt nhất sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp tốt sẽ tạo nên môi trường tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Môi trường kinh doanh càng lành mạnh thì người hưởng lợi là cả quốc gia, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng đẹp hơn, thu hút đầu tư dễ hơn.
- Doanh nhân chỉ là một bộ phận trong xã hội, ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì phải có chính sách cho các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Trước mắt, khá khó để cụ thể hóa, tôi sẽ từng bước tìm hiểu, tổng hợp, loại suy, phân tích... để hiểu được sâu vấn đề mới có thể nói được các giải pháp sao cho tốt nhất.
Chỉ trích không phải phong cách của tôi
Ông có áp lực khi là một doanh nhân 8X tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội?
- Chắc chắn là có nhưng tôi nghĩ tuổi tác chỉ là con số, điều cần thiết hơn là mình có đủ trình độ, hiểu biết về lĩnh vực, nội dung đóng góp, giải quyết được vấn đề xã hội đang gặp phải.
Tôi không ngại tiếp nhận, lắng nghe nhiều phía vì lợi ích chung. Tuổi tác, giới tính chỉ là bối cảnh còn nội dung, giải pháp đóng góp vẫn là quan trọng hơn hết. Những kiến nghị, đề xuất của một người trong vai trò ĐBQH phải dựa trên sự hiểu biết, đúng và trúng thì mới là đóng góp tích cực.
Ông sẽ thể hiện mình như thế nào trên nghị trường, nếu trúng cử?
- Chỉ trích không phải phong cách của tôi, kể cả trong việc điều hành công việc.
Tôi là người thường đi ra khỏi những chỉ trích, không vạch lá tìm sâu mà phải cùng mọi người đi tìm những giải pháp hết sức cụ thể. Tôi nghĩ vấn đề thì ai cũng thấy và nói được nhưng giải pháp như thế nào mới quan trọng hơn.
Khi một người chỉ ra được vấn đề buộc phải có giải pháp. Giải pháp không cần toàn vẹn nhưng ít nhất phải có hướng đi. Theo tôi, có những thứ gọi là lộ trình tự nhiên, có những vấn đề không thể chỉ ít tháng, ít năm là hoàn thành mà trong lộ trình đó, chỉ có thể làm được bao nhiêu % là đã thành công. Ở nghị trường, cần có giải pháp đóng góp tích cực cho đất nước.
Đang là "thuyền trưởng" khá trẻ của Đại Đồng Tiến, doanh nghiệp cũng trên đà phát triển, liệu ông có nhiều thời gian cho vai trò ĐBQH?
- Doanh nghiệp chúng tôi có đội ngũ cán bộ và nhân viên độc lập và rất chủ động. Tôi là người điều hành công ty, thuộc thế hệ 8X nên việc vận dụng kỹ thuật số, công nghệ số vào sản xuất, quản lý, điều hành được chú trọng áp dụng từ rất sớm. Đây là điều may mắn bởi các hoạt động của công ty không phải hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu.
Người lao động ở công ty cũng tín nhiệm, ủng hộ tôi cho vai trò mới. Tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho vai trò đại biểu Quốc hội khi trúng cử, để cống hiến cũng như thể hiện trách nhiệm của mình cho xã hội, đất nước nhiều hơn.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã giới thiệu, đề cử hai doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (2021-2026) và ba doanh nhân ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.
Danh sách hai doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội gồm: Ông Lê Viết Hải (sinh năm 1958) - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Trịnh Chí Cường (sinh năm 1982) - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến.
Danh sách ứng cử HĐND TP.HCM, gồm: Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh (Bidrico) và ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.