Chàng trai Thụy Điển say mê tuồng Việt

Huyền Trang Thứ ba, ngày 19/08/2014 06:40 AM (GMT+7)
7 năm tìm hiểu và nghiên cứu về nhạc cụ tuồng, anh Esbjorn Wettermark, người Thụy Điển, đã đi khắp Việt Nam với mong muốn được tiếp xúc, học hỏi về nhạc cụ tuồng và đưa tuồng Việt ra thế giới.
Bình luận 0

Bén duyên với tuồng Việt

Tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Esbjörn cho biết: “Ba mẹ tôi đều không theo âm nhạc, nhưng luôn khuyến khích tôi theo đuổi những gì tôi mong muốn”.

Chị gái và anh trai của Esbjörn đều học âm nhạc, chính họ đã gieo cho anh những nốt nhạc đầu tiên. “Tôi thích nghe chị gái và anh tôi đàn, hát. Họ dạy tôi sử dụng những loại nhạc cụ đơn giản. Nhưng họ không học bất cứ gì liên quan đến tuồng Việt Nam” – anh chia sẻ.

img

 

Như một cái duyên, năm 2003, anh bước chân vào Nhạc viện Malmo (Thụy Điển), cũng chính lúc đó anh được gặp Nghệ sĩ ca trù Phạm Thị Huệ từ Việt Nam sang trong chuyến đi giới thiệu về âm nhạc Việt Nam. “Tôi được nghe khái quát về nhạc truyền thống Việt Nam. Nhờ cuộc gặp gỡ này, tôi bắt đầu chú ý đến tuồng và về đất nước Việt Nam tươi đẹp với nhiều loại hình nghệ thuật” – anh nói.

Mãi cho đến năm 2005, anh Esbjörn mới đến Việt Nam trong một chuyến du lịch. Để thỏa trí tò mò về tuồng, anh đặt vé xem tuồng tại Nhà hát Tuồng Việt Nam (Hà Nội). Cũng là một cái duyên nữa, khi anh được biết và gặp gỡ lần đầu với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Ngọc Khánh. Esbjörn kể: “Tôi đến xem vài vở tuồng, và tôi thật sự ấn tượng từ nghệ thuật hóa trang cho đến kỹ thuật biểu diễn, tuy nhiên tôi thích nhất vẫn là nhạc cụ tuồng. Nghệ sĩ Khánh đã giới thiệu cho tôi nghe về tuồng và tôi quyết định dành dụm tiền để quay lại Việt Nam lần nữa”.

Cũng trong năm đó, anh cùng với những người bạn trong nhóm nhạc “Người yêu nhạc truyền thống Việt” biểu diễn âm nhạc vài lần tại Việt Nam và Thụy Điển. Đó cũng là lần đầu tiên anh biểu diễn tại Nhạc viện Hà Nội.

Tự học tiếng Việt

Năm 2009, anh Esbjörn chuyển đến Đại học London (Anh) để tiếp tục học âm nhạc và cũng khoảng thời gian này, anh bắt đầu học tiếng Việt. Anh nói: “Tiếng Việt khó lắm, tôi đến giờ cũng chẳng nói được nhiều tiếng Việt. Khi tôi nói chuyện với người Việt, tôi nói tiếng Việt chỉ được vài từ, còn lại vẫn nói tiếng Anh”. Với vốn ngôn ngữ có được, anh xách ba lô trở lại Việt Nam và gặp lại NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, bắt đầu được học sử dụng kèn sona. Từ đó, cứ mỗi năm anh dành vài tháng trở lại theo thầy Khánh học cách sử dụng nhạc cụ.



NSƯT Trần Ngọc Tuấn 
  Esbjorn rất chịu khó học tập, say mê với nhạc cụ tuồng, là người yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Thật khó để có một người nước ngoài am hiểu về tuồng Việt, ngay cả giới trẻ bây giờ cũng không mấy người đi xem tuồng”.
  
Chia sẻ về những khó khăn khi học, anh Esbjörn cho biết: “Nhạc cụ cho biểu diễn tuồng rất đa dạng, như trống, kèn, đờn cò, ống sáo. Biểu diễn nhạc cụ tuồng cần phải biểu lộ được cái tâm của nhân vật, điều đó với tôi là rất khó. Tôi từng được xem nhiều vở tuồng như “Ngoại tổ dâng đầu”, “Lý Thiên Luông”… Có quá nhiều nhân vật với nhiều tính cách khác nhau, như thế nhạc cụ cũng biến hóa theo nhân vật”.

 

Anh cũng nhận định: “Nhạc cụ tuồng có cái hay và độc đáo, ngay cả dàn dựng chỗ ngồi dàn nhạc cũng không như người phương Tây. Dàn nhạc tuồng được đặt bên tay phải sân khấu. Tay phải ứng với sinh môn, tay trái là tử môn. Mỗi nhân vật thiện, ác đều có loại tiết tấu âm nhạc riêng theo nhân vật cho đến hết”.

Đến đầu năm 2014, Esbjörn tiếp tục đến Đà Nẵng, tìm Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để nghiên cứu sâu thêm về tuồng. Tại đây, anh gặp NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát. Esbjörn nói: “Ở đây, tôi thật sự được học nhiều về nhạc cụ tuồng. Tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ như NSƯT Hà Hữu Hùng, và đặc biệt là NSƯT Trần Ngọc Tuấn”.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết: “Esbjörn rất chịu khó học tập, say mê với nhạc cụ tuồng, là người yêu nghệ thuật truyền thống Việt Nam, thật khó để có một người nước ngoài am hiểu về tuồng Việt, ngay cả giới trẻ bây giờ cũng không mấy người đi xem tuồng”.

Anh Esbjörn cho biết: “Tôi đang chuẩn bị để đi Quy Nhơn, tiếp tục tìm hiểu về tuồng Bình Định và hoàn thành luận án về tuồng của mình bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt. Tôi hy vọng trong tương lai gần nhất, tôi sẽ hoàn thành tiếp một cuốn sách về tuồng bằng tiếng Anh để giới thiệu đến độc giả nước ngoài”.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem