Chỉ bóc thứ vỏ cay nồng của một loài cây bán đi Mỹ, Trung Quốc, Yên Bái thu 1.000 tỷ đồng

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 23/05/2022 19:10 PM (GMT+7)
Yên Bái là tỉnh có diện tích quế đứng đầu trong cả nước với trên 78.000ha. Nhờ trồng quế, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ quế, người dân Yên Bái thu 1.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Yên Bái thu 1.000 tỷ đồng/năm từ quế

Hiện nay, Yên Bái là tỉnh có diện tích quế đứng đầu trong cả nước với trên 78.000ha. Trong kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, mục tiêu giai đoạn 2021-2030 Yên Bái duy trì ổn định diện tích quế khoảng 80.000ha, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Văn Yên 44.730ha, Trấn Yên 18.770ha, Văn Chấn 8.950ha, Lục Yên 4.490ha và Yên Bình 1.320ha. 

Đến nay, diện tích quế được cấp chứng chỉ hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 4.297ha.

Hàng năm, tỉnh Yên Bái khai thác bình quân trên 2.500ha quế (khai thác trắng), sản lượng quế khai thác bình quân hàng năm trên 20.000 tấn vỏ; 75.000 tấn cành lá để chứng cất tinh dầu (bình quân khoảng 600 tấn); 100.000m3 gỗ. 

Giá trị thu nhập từ cây quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, chiếm gần 50% giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 40.000ha quế sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ; 8.000 – 10.000ha được cấp chứng nhận quế hữu cơ.

Cây quế cho “vị ngọt”  - Ảnh 1.

Chế biến quế tại một doanh nghiệp ở tỉnh Yên Bái. Ảnh: Chu Khôi

Giới tiêu dùng và các doanh nghiệp đối tác thương mại tại châu Âu nhanh chóng nhận ra rằng sản phẩm quế từ Việt Nam đạt chất lượng vượt trội hơn so với quế từ Trung Quốc và Indonesia nên trả giá mua quế Việt Nam cao hơn.

Châu Âu ngày càng ưa chuộng quế Việt Nam

Theo thống kê, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Srilanka là 4 quốc gia sản xuất quế lớn nhất thế giới, trong đó Indonesia đạt sản lượng 89.000 tấn, Trung Quốc 82.000 tấn, Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng quế với 41.000 tấn, Srilanka đạt 24.000 tấn.

Về thị trường tiêu thụ, 3 quốc gia nhập khẩu quế nhiều nhất thế giới là Ấn Độ với gần 32.000 tấn mỗi năm; Mỹ hơn 28.000 tấn và Đức nhập hơn 20.000 tấn…

Hiện nay, giá quế xuất khẩu của Việt Nam cao nhất so với các nước đối thủ trồng quế. Tuy nhiên, diện tích trồng quế tăng quá nhanh những năm qua đang khiến nhiều nông dân trồng quế và doanh nghiệp xuất khẩu quế lo ngại rằng trong tương lai có thể rủi ro nếu cung vượt cầu.

Nhận định về thị trường ngành quế, ông Võ Kim Cương - chuyên gia của Dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch" (GREAT), cho biết tổng sản lượng quế toàn cầu hàng năm vào khoảng 242.000 tấn, tổng thương mại xuất khẩu 154.000 tấn, tiêu dùng nội địa 87.000 tấn.

Về giá quế, ông Cương thông tin, năm 2021, giá quế xuất khẩu bình quân của Việt Nam khoảng 4USD/kg, đây là mức giá cao nhất trong các quốc gia trồng quế chủ lực, cao hơn khi so sánh với Trung Quốc, Indonesia, và Srilanka. Đức cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm quế, với giá bán bình quân lên tới 7 USD/kg, nhưng nước này chủ yếu nhập khẩu quế thô nguyên liệu đem chế biến rồi tái xuất khẩu, nên giá quế xuất khẩu của Đức cao hơn nước ta bởi đó là giá sản phẩm đã chế biến sâu. Trong khi quế xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu xuất thô.

Cùng với hỗ trợ về quảng bá thương mại quế, thị trường châu Âu đã biết đến quế Việt Nam, từ đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thẳng quế vào châu Âu thay vì xuất sang Ấn Độ và Trung Quốc.

Giới tiêu dùng và các doanh nghiệp đối tác thương mại tại châu Âu nhanh chóng nhận ra rằng sản phẩm quế từ Việt Nam đạt chất lượng vượt trội hơn so với quế từ Trung Quốc và Indonesia nên trả giá mua quế Việt Nam cao hơn.

Theo ông Cương, trong giai đoạn 2000-2010, giá quế xuống thấp, khiến nhiều nông dân ở Indonesia đã chặt bỏ cây quế, chuyển sang trồng cây khác, dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu khiến giá quế ngày càng tăng, nhất là từ năm 2016 đến nay.

Tuy nhiên, do giá bán liên tục tăng cao dẫn đến việc phát triển trồng quế ồ ạt tại Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua cho thấy ngành quế đang phát triển rất "nóng" tại nước ta. 

Trong ngắn hạn, nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu, hiện ước tính từ 8-12%. Dự báo giá quế sẽ tiếp tục cao trong vài năm tới. Nhưng về lâu dài, nếu nhiều người dân Indonesia quay trở lại trồng quế, thì nguy cơ giá sẽ giảm" - ông Cương cảnh báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem