Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh trong đợt điều hành lúc 15 giờ ngày hôm nay 21/10, theo đó liên Bộ Tài chính - Công Thương tăng giá xăng từ 200-340 đồng/ lít; giá dầu các loại tăng từ 600-840 đồng/ tuỳ loại.
15 giờ chiều 21/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, trong đó xăng E5 RON 92 tăng thêm 340 đồng/ lít; xăng RON 95 tăng 200 đồng/lít.
Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.490 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.340 đồng/lít. Giá dầu cũng được điều chỉnh tăng, trong đó, dầu diesel tăng 600 đồng/lít, ở mức 24.780 đồng/lít, dầu hoả tăng hơn 840 đồng/ lít, ghi nhận ở mức 23.660 đồng.
Trong khi đó dầu mazut được nhà điều hành điều chỉnh giảm 200 đồng, về còn 13.890 đồng một kg. Như vậy, giá dầu diesel tiến sát ngưỡng 25.000 đồng một lít và tiếp tục đắt hơn giá xăng.
Như vậy, sau 4 lần giảm, đây là lần thứ 2 giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp. Giá xăng dầu hiện đã trải qua 28 lần điều chỉnh giá, trong đó có 15 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên.
Lúc 8 giờ 15 phút sáng nay, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 12 tăng 0,50% lên mức 84,929 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,35% lên 92,703 USD/thùng.
Trước đó, trong đợt điều chỉnh ngày 11/10 quay đầu tăng mạnh trở lại, trong đó dầu diesel tăng mạnh nhất gần 2.000 đồng/ lít, trong khi đó các loại xăng tăng hơn 560 đồng/lít. Các loại xăng như Ron 95 IV, xăng Ron 95III và xăng E5 Rôn 92 đồng loạt tăng 560 đồng/lít, trong khi đó, dầu diesel tăng hơn 1.960 đồng/lít, dầu hoả tăng hơn 1.140 đồng/ lít.
15 giờ ngày 11/10, giá xăng Ron 95 IV ghi nhận ở mức22.680 đồng/ lít, xăng Ro 95 III là 22.000 đồng/ lít và xăng E5 Ron 92 có giá là 21.290 đồng/ lít. Các loại dầu đồng loạt tăng giá, trong đó dầu hoả tăng 1.140 đồng/ lít, dầu diesel tăng sốc hơn 1.960 đồng/lít, giá mới 24.160 đồng/ lít.
Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngày 12/10, nhiều doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối xăng dầu đã than khổ với cơ quan quản lý về việc họ chịu lỗ lớn trong thời gian dài, khiến thị trường xăng dầu bất an.
Bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà cho biết: Quý 1, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít; sang quý 4, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít, khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?.
Theo nhiều doanh nghiệp, nguồn cung xăng dầu của Việt Nam hiện không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được, họ đề nghị liên Bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra.
Mới đây, Bộ Công Thương vừa phát đi 2 Công văn đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng vào cuộc gỡ vướng mà bộ này cho rằng đã gây ra hàng loạt khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu trong thời gian gần đây.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh trong thời gian vừa qua.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
"Tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước", Văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Ngày 20/10, báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán.
Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt 13,9% GDP, trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.
So với dự toán thu dầu thô trong thu ngân sách nhà nước năm 2022 Quốc hội giao cho Bộ Tài chính, số thu cả năm chỉ 28.200 tỷ đồng. Như vậy, đến hết 9 tháng 2022, số thu đã đạt 60.100 tỷ đồng, bằng 113% dự toán, tăng hơn 31.900 tỷ đồng so với dự toán cả năm (tương đương 1,27 tỷ USD).
Ước tính số thu dầu thô cả năm khoảng 68.000 tỷ đồng, bằng 141% dự toán, tăng hơn 39.800 tỷ đồng so với dự toán, tương đương khoản lời cho ngân sách đạt khoảng 1,6 tỷ USD.
Thu từ dầu thô vượt dự toán là dữ liệu quan trọng nhằm giúp cơ quan điều hành có dư địa để điều chỉnh các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu trong nước, trong đó đặc biệt là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.