"Ông lớn" lỗ hàng trăm tỷ đồng, lượng xăng dầu nhập giảm kỷ lục

An Linh Thứ sáu, ngày 21/10/2022 10:30 AM (GMT+7)
15 ngày đầu tháng 10/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục giảm mạnh so với cuối tháng 9. Trong khi đó, ông lớn xăng dầu Petrolimex đang lỗ hàng trăm tỷ đồng. Dữ liệu này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình cung ứng xăng dầu trong nước.
Bình luận 0

Doanh nghiệp lỗ, lượng xăng dầu nhập suy giảm kỷ lục so với 2 quý trước

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 10, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước nhập hơn 290.460 tấn, kim ngạch gần 260 triệu USD, giảm hơn 116.000 tấn so với 15 ngày cuối của tháng 9/2022.

"Ông lớn" xăng dầu lỗ trăm tỷ đồng, lượng xăng dầu nhập sụt giảm kỷ lục - Ảnh 1.

Tình trạng đại lý bán lẻ xăng đóng cửa, hết xăng, người dân chờ hàng dài mua xăng được dự đoán sẽ tái diễn trong các tháng tiếp theo. (Ảnh Ngọc Quỳnh)

Đáng chú ý, xu hướng giảm lượng xăng dầu nhập phổ biến trong quý III và sang đầu quý IV, lượng xăng dầu nhập khẩu tiếp tục suy giảm mạnh, các tháng 7, 8 và 9/2022, doanh nghiệp xăng dầu cả nước chỉ nhập 1,74 triệu tấn xăng dầu các loại; giảm hơn 360.000 tấn so với quý II và gần 900.000 tấn so với quý I/2022.

Như vậy, tính từ ngày 01/7 đến hết ngày 15/10, lượng xăng dầu nhập về Việt Nam chỉ đạt 2 triệu tấn, giảm hơn 180.000 tấn so với quý II và hơn 600.000 tấn so với quý I/2022.

Theo thông báo mới nhất, trong 9 tháng năm 2022, Petrolimex đã lỗ 780 tỷ đồng, điều này kéo theo cổ phiếu của Petrolimex (PLX) giảm giá liên tục từ 64.000đ xuống còn 30.950đ/CP.

Hiện Bộ Công Thương sở hữu lên tới 981 triệu cổ phiếu của PLX, tương đương 75% vốn cổ phần, vì vậy, việc giảm giá này gây thiệt hại tiền của nhà nước 32.422 tỷ đồng.

Việc doanh nghiệp xăng dầu lớn cỡ như Petrolimex chiếm hơn 39% thị phần xăng dầu và 30% đại lý bán lẻ xăng dầu đang lỗ hàng trăm tỷ đồng cho thấy các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cũng đang rất khốn khó. Tình trạng chung khiến các doanh nghiệp khác cũng suy giảm lượng nhập xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam do lo sợ thời gian vận chuyển dài, giá đàm phán bất lợi, giá xăng dầu điều chỉnh bán lẻ thấp hơn so với giá kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc, chuyên kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh: Doanh nghiệp xăng dầu hiện nay nhập lô hàng là rất lâu, phải đàm phán ký hợp đồng mua hàng trước cả tháng, làm các thủ tục theo giá CIF (đàm phán về giá hàng hoá, chi phí về thủ tục hải quan, chi phí thuê tàu, bảo hiểm hàng hóa của nước bạn). Sau đó liên hệ với ngân hàng mở L/C chuyển tiền...Xuất cảng từ nước bạn về Việt Nam cũng có thời gian rất lâu.

Ông Tây cho rằng, đầu mối mua xăng dầu về nhập kho thì giá vốn phải tính trên cơ sở giá xăng dầu thế giới là từ 20 ngày trước đó, thậm chí là lâu hơn trong quá trình hoạt động kinh doanh như nêu trên.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, "không cách nào khác là giá bán lẻ xăng dầu trong nước phải tính theo giá bình quân trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp chứ không thể khác được", ông Tây nói.

Theo ông này: Nếu giá cơ sở tính theo giá bình quân của doah nghiệp thì người dân cũng có lợi bởi bởi giá thế giới biến động liên lục và khó lường với biên độ lớn, nên nếu tính theo giá bình quân thì thị trường xăng dầu trong nước sẽ ít bị tác động bởi giá thế giới.

Chủ Công ty Bội Ngọc lấy ví dụ: doanh nghiệp nhập xăng dầu ở thời điểm tháng 7/2022, giá trên hợp đồng là 80 USD/tấn, hàng nhập đang trên đường về cảng. Nhưng ngay hôm sau, giá quốc tế giảm xuống 78 USD/tấn, giá tham chiếu và giá cơ sở trong nước nhà điều hành căn cứ vào mức giá 78 USD/tấn để điều chỉnh giá bán lẻ. "Như vậy, nhà nhập khẩu lỗ 2 USD/tấn, vậy ai muốn nhập thêm?", ông Giang Chấn Tây hỏi.

Theo ông Tây, công thức tính giá cơ sở đang sai bởi vì đến chu kỳ điều hành (10 ngày sau đó), khi giá thế giới giảm kéo theo giá bán lẻ trong nước bị điều chỉnh giảm, doanh nghiệp đầu mối lỗ từ khi nhập về, giai đoạn đầu.

Trong khi ngoài việc kinh doanh ra, nhiệm vụ của họ được giao là phải nhập hàng về liên tục để phục vụ tiêu dùng thiết yếu trong nước đảm bảo dự trữ năng lượng quốc gia không nhỏ hơn 20 ngày. 

"Doanh nghiệp đâu thể đợi giá giảm mới nhập hàng!?. Cách tính giá cơ sở hiện nay doanh nghiệp đầu mối lỗ liên tục nên họ hạn chế nhập hàng để giảm lỗ, dẫn đến thị trường xăng dầu thiếu hụt là tất yếu. Hệ luỵ là chiết khấu liên tục giảm xuống 0 đồng, kéo theo doanh nghiệp bán lẻ phá sản, thị trường xăng dầu hỗn loạn", ông Tây nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem