Chủ tịch HĐQT FPT Telecom: 'Làm việc với anh Trương Gia Bình mà bảo không áp lực thì đấy là nói dối'
Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Việt Anh: "Làm việc với anh Trương Gia Bình mà bảo không áp lực thì đấy là nói dối"
Quảng Hà - Anh Thư
Thứ hai, ngày 10/02/2025 07:30 AM (GMT+7)
Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Việt Anh - người đứng đầu một công ty với tầm nhìn tỷ đô cho sứ mệnh chuyển đổi số, được biết đến như một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và để lại nhiều dấu ấn cá nhân trong ngành công nghệ.
Anh Hoàng Việt Anh từng là Tổng giám đốc FPT Software - một công ty "xuất khẩu" phần mềm tại nhiều thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, với đội ngũ 14.000 nhân viên. Có năm cao điểm, anh bay 120 chuyến bay nước ngoài, hầu hết thời gian ngồi đàm phán bán hàng với các doanh nghiệp lớn, mang lại những hợp đồng hàng triệu đô. Một ngày tháng 3/2018, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình gọi anh lên và nói về việc chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo kế cận, FPT sẽ làm một việc trước nay chưa từng làm. "Em là một trong những người đầu tiên được nằm trong đợt luân chuyển đầu tiên này", ông nói.
Anh Hoàng Việt Anh bảo "ở FPT có văn hóa đầu tiên là tính kỷ luật. Giống như người lính ra trận, lãnh đạo ở trên đã quyết định thì cấp dưới phải tuân thủ và thực hiện". Từ một người hàng ngày mặc áo vest trang trọng, giờ anh mặc quần jean, áo phông đồng phục của FPT đi xuống từng thôn, từng bản từng xã để đi vào từng hộ gia đình bán internet...
Hiện, anh là Chủ tịch HĐQT FPT Telecom - người đứng đầu một công ty với tầm nhìn tỷ đô cho sứ mệnh chuyển đổi số, được biết đến như một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và để lại nhiều dấu ấn cá nhân trong ngành công nghệ.
Nội dung: Quảng Hà - Anh Thư
Ảnh: Khổng Chí
Thiết kế: Hữu Anh
Bức tranh công nghệ trên thế giới hiện nay như thế nào, theo góc nhìn của anh?
- Trong khoảng 10 năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự thay đổi như vũ bão của công nghệ trên thế giới. Với sự ra đời của các siêu máy tính với khả năng tính toán điều khiển mạnh hơn nhiều, như: điện toán đám mây, internet vạn vật, dữ liệu lớn. Nhưng đang trở thành xu thế và thống trị hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI). AI không phải công nghệ mới, đã có từ những năm 1950 - 1960 của thế kỷ trước.
Sự phát triển của AI tạo ra những thay đổi toàn diện, sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Tôi cho rằng AI còn tạo ra những dấu ấn sâu sắc đối với kinh tế và xã hội thế giới trong thời gian tiếp theo.
Anh Hoàng Việt Anh trò chuyện cùng phóng viên Báo điện tử Dân Việt.
Chúng ta đang nói nhiều đến AI, đánh dấu một kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng khắp toàn cầu. Có vẻ như FPT đã nhìn thấy được cơ hội này và đầu tư mạnh mẽ cho AI. Vậy AI ở Việt Nam đang phát triển như thế nào?
- FPT bước chân ra thế giới và hội nhập với công nghệ thông tin thế giới từ 25 năm trước bằng cuộc chiến xuất khẩu phần mềm. Chúng tôi có cơ hội tham gia các dự án ứng dụng công nghệ mới nhất trên thế giới cũng như chứng kiến sự thay đổi và phát triển mạnh của công nghệ thông tin, bao gồm AI. Cách đây hơn 10 năm, FPT nhận thấy AI là cơ hội và con đường sáng nên đã đầu tư mạnh mẽ và xây dựng năng lực đầu tiên về mảng này. Khoảng 4 năm trở lại đây, bước đi này có những kết quả đáng mừng, thể hiện FPT đi đúng hướng, bắt kịp với xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo của thế giới. Hiện, tập đoàn FPT có khoảng trên dưới 40.000 kỹ sư làm về công nghệ thông tin. Trong đó, số lượng kỹ sư làm việc liên quan đến các dự án về trí tuệ nhân tạo là rất đông, cho thấy mức độ đầu tư và kỳ vọng phát triển lớn.
Ở Việt Nam, mức độ mỗi người tiếp cận về trí tuệ nhân tạo rất nhanh nhạy thông qua ứng dụng như Chat GPT, Gemini.... Theo thống kê, tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam tiếp cận và sử dụng các ứng dụng AI như Chat GPT và Gemini đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm qua. Hơn 60% người dùng internet ở Việt Nam đã thử nghiệm hoặc sử dụng một trong các ứng dụng AI này ít nhất một lần.
Tuy nhiên việc hiểu và ứng dụng được trí tuệ nhân tạo trong tổ chức doanh nghiệp vẫn khá khiêm tốn, một số lĩnh vực đang triển khai mạnh như tài chính ngân hàng, chăm sóc khách hàng. Đây là 2 lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ và quyết liệt.
Làm việc với Chủ tịch kiêm CEO của NVIDIA, Jensen Huang, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết công nghệ AI, Chip, điện tử là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Ảnh: V.A
Việt Nam không phải là đất nước có nền công nghệ phát triển hàng đầu, nhưng gần đây có những bước tiến lớn. Theo anh yếu tố nào khiến Việt Nam từng bước thu hẹp khoảng cách so với các nước có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới?
- Khi nói về công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, đối với chúng tôi có 3 phần quan trọng nhất:
Thứ nhất là hạ tầng, vì nếu không có hạ tầng không thể nói đến câu chuyện phát triển thông tin. Việt Nam trong những năm gần đây có sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin.
Thứ hai là nguồn nhân lực của Việt Nam có lợi thế về tỷ lệ độ tuổi trẻ cao, nhiều bạn trẻ chọn học công nghệ thông tin - ngành tương lai của thế giới.
Thứ ba là chính sách của Chính phủ về chuyển đổi số rất mạnh mẽ, giúp tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy, thu hút sự đầu tư vào công nghệ thông tin.
Thực tế Việt Nam đã có những kết quả đáng khích lệ, không phải ngẫu nhiên mà tỷ phú Jensen Huang (CEO Nvidia- PV) đã đến và chọn Việt Nam là điểm đặt trung tâm phát triển AI. Đây là biểu hiện sinh động và thực tế chứng tỏ thế giới đánh giá cao về tiềm năng phát triển công nghệ ở Việt Nam
AI đến giờ vẫn là cuộc chơi của các "ông lớn" công nghệ. Những điều anh vừa chia sẻ cho thấy Việt Nam đang có những cơ hội lớn, con đường để phát triển? FPT làm thế nào để tạo ra sự khác biệt so với các công ty công nghệ khác ở Việt Nam?
- Chúng ta có vị thế địa chính trị thuận lợi, ở cửa ngõ đi vào khu vực Đông Nam Á. Với những chính sách tốt về quan hệ quốc tế, Việt Nam đang có vị thế và nhiều cường quốc trên thế giới muốn làm việc với nước ta. Việt Nam hội tụ đầy đủ cơ hội để trở thành trung tâm phát triển về công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Với FPT, chúng tôi đã có sự chuẩn bị nhiều năm, đặt chiến lược vào đầu tư về công nghệ thông tin và đã có bước đi trong việc chuẩn bị nguồn lực. FPT có đội ngũ kỹ sư về công nghệ phần mềm, có hệ thống đào tạo từ khối cao đẳng đến đại học và có chương trình đào tạo chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo không chỉ cho FPT mà còn cho cả nước.
Bên cạnh đó, với năng lực hơn 25 năm làm việc với đối tác nước ngoài, kênh làm việc với các đối tác tên tuổi lớn về công nghệ trí tuệ nhân tạo ở nước ngoài rất mạnh và sâu rộng, FPT là đơn vị đầu tiên hợp tác với Viện Mila của Canada - là viện hàng đầu thế giới về nghiên cứu và thúc đẩy trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra còn hợp tác với nhiều đơn vị hàng đầu về AI của thế giới.
Đặc biệt 2 năm gần đây Chủ tịch Trương Gia Bình truyền tải thông điệp "đặt cược" vào đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo. Đặt cược ở đây không phải sự may rủi mà thể hiện sự cam kết và quyết tâm, tin tưởng rất cao của cả FPT và tương lai của tập đoàn sẽ gắn với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Tôi nghĩ rằng không nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ dám đặt cược lớn như vậy. FPT tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực về công nghệ thông tin cũng như là trí tuệ nhân tạo.
Quan điểm về AI ở Việt Nam hiện có 2 hướng: Một là thần kỳ hoá quá mức, cái gì cũng AI. Hai là đơn giản hoá, cho rằng AI chỉ chatbot, tạo ảnh. Nhận thức này đúng hay sai, cần làm gì để điều chỉnh, định hướng, theo quan điểm của anh?
- Cả hai nhận thức ấy đều có điểm đúng. Tất nhiên việc thần thánh hóa cũng phải xem lại. Ngay cả cha đẻ của AI, đến thời điểm này vẫn còn phải nhận định rằng "thời điểm AI hoàn toàn thay thế con người vẫn còn rất xa". Hiện nay chúng ta hãy cứ tận dụng những gì mà AI có thể trợ giúp con người một cách hiệu quả, thay vì việc gì cũng phải là do con người làm.
Cái nhìn thứ hai về đơn giản hóa nó và sử dụng, về bản chất AI là sử dụng công cụ để giúp cho việc tạo slide, tạo văn bản, tạo ảnh…. Cái đấy cũng đúng chứ không có gì sai. Trước đây, nếu muốn tạo đoạn phim có khi mấy cả ngày, bây giờ chỉ cần đưa một đoạn prompt có khi chỉ khoảng ba phút là đã có được một đoạn phim giống như mình mong muốn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng xã hội có nhiều góc nhìn khác nhau, người sử dụng cũng có nhiều góc nhìn khác nhau. Quan trọng nhất là đánh giá đúng được vai trò, giá trị của AI trên từng góc nhìn.
Thực tế mà nói, AI tạo ra những giá trị tích cực to lớn đối với xã hội.
Nhưng nếu không sử dụng đúng cách, nó có thể tạo ra những tác động tiêu cực rất lớn cho xã hội. Việc này đòi hỏi chúng ta phải truyền thông, giáo dục đào tạo, hướng dẫn, quy định để công nghệ AI được sử dụng đúng cách.
Là lãnh đạo đơn vị Viễn thông thuộc Tập đoàn FPT khi thị trường viễn thông đã bắt đầu đi vào trạng thái bão hòa. Làm sao để tạo được sự đột phá cho mảng viễn thông trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay?
- Có một thực tế, thị trường viễn thông của thế giới khoảng 5 năm gần đây bắt đầu đi đến trạng thái bão hòa. Những công nghệ trước đây cực kỳ hot, đem lại rất nhiều tiền cho các nhà mạng viễn thông thì đến nay trở thành bão hòa.
Một trong những định hướng mới của chúng tôi là bước chân vào lĩnh vực thể thao điện tử. Đây là lĩnh vực nổi lên mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam có khoảng 20 triệu thanh thiếu niên đang chơi trực tiếp hoặc là fan của các môn thể thao điện tử. Các môn này đã được chuẩn hóa và đưa vào chương trình thi đấu của các quốc gia. Đây là cơ hội để Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới.
FPT nhìn thấy cơ hội lớn cầm cờ tiên phong trong việc triển khai giải pháp, chương trình hành động phối hợp với Liên đoàn thể thao điện tử (VIRESA) và các đối tác khác để đưa ra các giải đấu quốc gia của Việt Nam trở thành giải đấu chính thức và rất mạnh. Mục tiêu của FPT là đóng góp chung cho nền thể thao điện tử Việt Nam, góp phần đưa thể thao điện tử Việt Nam vươn tầm quốc tế trong 3-5 năm tới.
Thay đổi sang một lĩnh vực khác hẳn so với công việc 25 năm anh đã làm, điều gì là thách thức lớn nhất đối với bản thân anh?
- Thách thức lớn nhất đối với tôi đấy là kinh doanh của viễn thông và kinh doanh của phần mềm vô cùng khác nhau. Lĩnh vực phần mềm là mô hình B2B thuần túy, làm cho khách hàng là doanh nghiệp thuần túy, không phục vụ khách hàng đơn lẻ hộ gia đình, và có đến 90% khách hàng doanh nghiệp của lúc đó ở nước ngoài. Khi tôi chuyển sang lĩnh vực viễn thông FPT, có đến 80% mảng kinh doanh của công ty là phục vụ hộ gia đình, tức là mô hình B2C và khách hàng đấy lại 100% ở Việt Nam.
Rõ ràng là chuyển từ một thái cực này sang thái cực kia đòi hỏi mình phải học và đòi hỏi mình phải thích ứng. Ngày trước, một năm cao điểm nhất năm 2016 tôi bay 155 chuyến bay, trong đó có 120 chuyến bay nước ngoài. Tôi về mảng viễn thông của FPT, trong 2 năm rưỡi đầu tiên phải đi tất cả 63 tỉnh thành để xem đội ngũ làm việc thế nào, thực trạng công việc ra sao.
Từ việc đi bán hàng theo kiểu vào phòng họp, mặc vest trang trọng, lịch sự ngồi trình bày bán hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài thì giờ tôi mặc quần jean, áo phông đồng phục của FPT đi xuống từng thôn, từng xã, từng hộ gia đình để bán internet.
Lúc mới đầu tôi cũng phải tìm nhiều cách để học hỏi và thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Nhưng tôi nghĩ đây là một thách thức, cũng là một trải nghiệm, một cơ hội. Đó là câu chuyện ngày đầu rất khó khăn với cá nhân tôi.
FPT là một tập đoàn được dẫn dắt bởi một Chủ tịch có nhiều tham vọng với các chiến lược toàn cầu hóa, anh đã chuẩn bị "tinh thần" thế nào khi làm việc cùng lãnh đạo một công ty với tầm nhìn tỷ đô cho sứ mệnh chuyển đổi số?
- Một trong những dấu ấn quan trọng nhất gắn với cá nhân tôi, đấy là câu chuyện xuất khẩu phần mềm thành công. Từ thời điểm mà 13 người đầu tiên định đi xuất khẩu nước ngoài và rất nhiều người nói FPT gàn dở, nhờ kiên trì, nỗ lực, quyết tâm của anh Trương Gia Bình và tập đoàn, đến nay FPT đã có quy mô hơn 1 tỷ đô la xuất khẩu phần mềm.
Anh Bình là người luôn tạo cho tôi sự ngạc nhiên về khả năng hình dung và nhìn nhận sự việc rất xa. Bên cạnh đó là năng lượng làm việc vô cùng dồi dào. Đó là cái mà thế hệ lãnh đạo thứ hai như chúng tôi phải học hỏi anh rất nhiều.
Theo anh Hoàng Việt Anh, làm việc với Chủ tịch Trương Gia Bình vừa tạo áp lực nhưng đồng thời cũng truyền cảm hứng và dẫn dắt mình.
Như vậy cũng đồng nghĩa với rất nhiều áp lực?
- Làm việc với anh Bình mà bảo không áp lực thì tôi nói thật đấy là nói dối. Không chỉ áp lực mà áp lực cực kỳ lớn luôn. Bởi việc hôm qua làm tốt, hôm nay anh Bình sẽ đòi hỏi phải làm tốt hơn rất nhiều.
Từng đấy năm làm ở FPT và từng đấy năm làm lãnh đạo tôi luôn luôn thấy đấy là áp lực. Tất nhiên áp lực nó liên tục rồi thì giờ mình có cảm giác quen hơn. Nhưng mà bảo là quen đến mức cảm thấy không còn áp lực nữa thì không phải. Liên tục là áp lực lớn.
Nhưng anh Bình luôn là người truyền cảm hứng và gợi ý, gợi mở cho những gì đơn vị đang bí, đang loay hoay. Đến độ tuổi này, với công việc lớn như thế, hàng tuần anh Bình vẫn dành thời gian họp riêng với công ty thành viên để bàn về từng tình huống chiến lược cụ thể, anh luôn hỏi tại sao làm thế này mà không làm thế kia... Đấy là cách anh Bình vừa tạo áp lực nhưng đồng thời cũng truyền cảm hứng và như người dẫn dắt chúng tôi.
Những người làm công nghệ phải nỗ lực như thế nào để luôn là người đi trước, dẫn dắt công nghệ và đưa ra những sản phẩm kịp thời?
- Nhiều năm ở FPT tôi thấy công thức chung thế này, người lãnh đạo có thể không phải là những người giỏi nhất trong lĩnh vực mình đang dẫn dắt về mặt chuyên môn nhưng chắc chắn phải có năng lực trong việc tập hợp lực lượng, cổ vũ, động viên để anh em cùng làm.
Và chúng tôi đánh giá người lãnh đạo một đơn vị của FPT không chỉ bằng kiến thức, kỹ năng giỏi đến đâu mà nhiều khi đánh giá người đấy có thể mời được những người giỏi hơn về làm việc cho đơn vị của mình, đấy mới là lãnh đạo giỏi. Thế nên ở FPT, chúng tôi luôn luôn đặt cao tinh thần đồng đội - team work.
Có vẻ anh rất yêu thể thao, tôi nhìn thấy trong phòng làm việc của anh rất nhiều Cup, giải thưởng. Đấy có phải là cách để anh cân bằng áp lực khi làm việc ở FPT?
- Thể thao là một nét văn hóa của FPT, đá bóng là một bộ môn rất phổ biến. Tuy nhiên tôi đã 50 tuổi, đến tuổi này không đá được nữa, chỉ cổ vũ động viên cho các em đá thôi. Nhưng bản thân tôi vẫn tập thể thao hàng ngày, như chơi tennis. Và thể thao cũng là cách cân bằng cho những người làm công nghệ trong môi trường đôi khi hơi khô cứng. Bởi nếu không có văn nghệ, thể thao thì có lúc căng thẳng công việc cũng không chia sẻ được với người khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.