Cựu Chủ tịch xã lấy tiền chống dịch tả lợn để bù vào tiền… mừng tuổi, chúc Tết

Bách Thuận Thứ ba, ngày 19/07/2022 17:19 PM (GMT+7)
Một cựu Chủ tịch xã ở Thanh Trì (TP.Hà Nội) bị cáo buộc "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Người này được cho rằng đã dùng tiền chống dịch tả lợn để bù vào những khoản tiền đã chi sai nguyên tắc.
Bình luận 0

Cựu Chủ tịch lấy tiền chống dịch để "vá" vào tiền mừng tuổi, mua điều hòa…

Ngày 19/7, thông tin của Dân Việt, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì đã ban hành cáo trạng, truy tố Nguyễn Tràng Thắng (SN 1982, cựu Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai), Nguyễn Thúy Dương (SN 1987, cựu kế toán UBND xã Tả Thanh Oai) cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Cáo trạng thể hiện, năm 2019, tại xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, TP.Hà Nội), Nguyễn Tràng Thắng với chức vụ là Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai và Nguyễn Thúy Dương - công chức kế toán, tài chính UBND xã Tả Thanh Oai, vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác, đã làm trái công vụ là dùng 15 hóa đơn giá trị gia tăng khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo) để rút tiền từ dự toán ngân sách phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi nhưng thanh toán không đúng mức giá cho các cá nhân có phương tiện công nông, máy xúc tham gia tiêu hủy lợn nhiễm dịch.

Các đối tượng sau đó giữ lại số tiền chênh lệch từ việc thanh toán là 212 triệu đồng không nộp trả lại ngân sách. Số tiền này đã được Thắng, Dương hoàn trả vào các khoản tiền Thắng đã chỉ đạo tạm ứng để chi tiêu sai nguyên tắc trước đó. Hành vi của Thắng và Dương đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 212 triệu đồng.

Cựu Chủ tịch xã lấy tiền chống dịch tả lợn để bù vào tiền… mừng tuổi, chúc tết - Ảnh 1.

Nguyễn Tràng Thắng bị cáo buộc đã cùng với đồng phạm lấy tiền phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi để bù vào khoản tiền chi tiêu sai nguyên tắc trước đó. Ảnh: CTTHTT

Cụ thể, trong suối thời gian từ cuối tháng 11/2018 đến tháng 12/2019, Thắng đã nhiều lần chỉ đạo bà Lê Thị Như Hoa (SN 1965, lúc đó là cán bộ văn phòng, kiêm thủ quỹ UBND xã Tả Thanh Oai) sử dụng tiền ngân sách từ tồn quỹ tiền mặt của xã Tả Thanh Oai để tạm ứng cho Thắng, cùng Dương và một số cán bộ công tác tại xã Tả Thanh Oai để thực hiện việc chi trả các khoản tiền không có trong dự toán, không đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức như tiếp báo, đài truyền hình; chúc Tết, mua điều hòa; mừng tuổi; phúng viếng…

Theo quy định, các khoản chi không có trong dự toán được cấp có thẩm quyền giao và không đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định thì không được hạch toán kế toán, quyết toán nên Thắng đã chỉ đạo Dương cũng như các cán bộ khác sau khi nhận tiền tạm ứng phải làm các chứng từ khống để hoàn ứng lại số tiền đã chi sai nguyên tắc.

Tháng 4/2019, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã Tả Thanh Oai, UBND huyện Thanh Trì sau đó đã tạm cấp bổ sung cho xã này để phòng, chống dịch tả lợn là hơn 10,5 tỷ đồng.

Ngay từ khi bắt đầu xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, để thực hiện việc vận chuyển và đào hố, chôn lấp tiêu hủy lợn dịch, Thắng chỉ đạo ông Nguyễn Ngọc Sơn – lúc đó là Trưởng Công an xã Tả Thanh Oai triệu tập tất cả những hộ gia đình có công nông, máy xúc kinh doanh trên địa bàn xã đến ủy ban để họp.

Tại cuộc họp, Thắng đã yêu cầu các hộ dân có công nông, máy xúc phải hỗ trợ xã tiến hành tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời nói trả công cho người lái công nông 30 nghìn đồng/chuyến. Nếu các hộ dân này không hỗ trợ vận chuyển và đào hố chôn lấp lợn dịch, Thắng sẽ chỉ đạo Ban Công an xã thu giữ phương tiện công nông, máy xúc không cho tiếp tục làm việc.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì xác định, toàn bộ việc vận chuyển, đào hố chôn lấp tiêu hủy lợn nhiễm dịch bệnh đều sử dụng phương tiện là công nông, máy xúc của người dân trên địa bàn, không thuê phương tiện vận chuyển ô tô, máy xúc của các công ty cung cấp phương tiện vận chuyển.

Chiêu trò hợp thức hóa chứng từ của cựu Chủ tịch xã và đồng phạm

Do phương tiện công nông, máy xúc của người dân trong xã Tả Thanh Oai là phương tiện tự phát, không xuất được hóa đơn để làm thủ tục quyết toán nên Dương báo cáo, đề xuất với Thắng sẽ liên hệ các công ty để xuất hóa đơn thuê xe ô tô, thuê máy xúc khống cho UBND xã Tả Thanh Oai, hợp thức hóa chứng từ quyết toán kinh phí thuê phương tiện vận chuyển và máy xúc đào hố chôn lấp tiêu hủy lợn dịch.

Thắng đồng ý, Dương sau đó liên hệ, thỏa thuận và được 4 công ty xuất 15 hóa đơn giá trị gia tăng. Dương và 4 công ty thỏa thuận, khi Kho bạc Nhà nước Thanh Trì chuyển tiền trả các hóa đơn nói trên vào tài khoản của 4 công ty này thì các công ty được giữ lại 12% tổng cộng tiền thanh toán trên hóa đơn, số tiền còn lại 4 công ty này chuyển trả cho Dương.

Cựu Chủ tịch xã lấy tiền chống dịch tả lợn để bù vào tiền… mừng tuổi, chúc tết - Ảnh 2.

Được sự đồng ý của lãnh đạo, cựu kế toán UBND xã Tả Thanh Oai đã liên hệ, thỏa thuận lập hóa đơn khống liên quan đến việc phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi ở địa bàn xã này với tổng giá trị lên tới 658 triệu đồng. Ảnh minh họa

Đối với mỗi một hóa đơn giá trị gia tăng này, Dương sẽ lập quyết định chỉ định đơn vị cung cấp dịch vụ, hợp đồng thuê phương tiện, biên bản nghiệm thu khối lượng, biên bản thanh lý hợp đồng, giấy rút dự toán ngân sách tương ứng với số tiền ghi trên hóa đơn, trình Thắng ký duyệt, sau đó chuyển cho những người liên quan ký để hợp thức hóa.

Tổng số tiền ghi trên 15 hóa đơn do 4 công ty đã xuất ra là hơn 658 triệu đồng; các công ty giữ lại để nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 71 triệu đồng; số còn lại được chuyển về cho Dương giữ để chi trả cho những người có công nông, máy xúc tham gia vận chuyển, đào hố chôn lấp lợn nhiễm dịch là hơn 586 triệu đồng.

Đến tháng 12/2019, khi hết dịch tả lợn Châu Phi, Thắng mới chỉ đạo Dương trả tiền công cho những người có công nông, máy xúc tham gia tiêu hủy lợn nhiễm dịch.

Để hoàn trả các khoản tiền mà Thắng đã chỉ đạo chi tiêu sai nguyên tắc không thể hạch toán kế toán, quyết toán, Thắng đã chỉ đạo Dương chi trả tiền công cho những người có máy xúc tham gia tiêu hủy lợn dịch với giá 1 triệu đồng/ca (giá trên hóa đơn và được UBND huyện cấp dự án toàn 3 triệu đồng/ca chưa tính thuế giá trị gia tăng), hoặc 2 triệu đồng/ca máy xúc, tùy từng đối tượng theo chỉ đạo của Thắng; trả cho những người có công nông là 30 nghìn đồng/1 chuyến.

Đồng thời, Thắng còn chỉ đạo Dương khi làm chứng từ quyết toán kinh phí thì căn cứ vào danh sách chấm công của Ban Công an xã quy đổi trên 15 chuyến công nông thành 1 ca ô tô (mức giá trên hóa đơn và đã được UBND huyện duyệt cấp dự toán là 800 nghìn đồng), dưới 15 chuyến công nông thành nửa ca ô tô, với mục đích lấy tiền chênh lệch từ việc thanh toán tiền công máy xúc, công nông tham gia tiêu hủy lợn, hoàn trả vào ngân sách xã toàn bộ số tiền mà Thắng đã chỉ đạo chi tiêu sai nguyên tắc.

Tổng số tiền chênh lệch dư ra từ việc không thanh toán với mức giá 3 triệu đồng/ca máy xúc cho các hộ dân là 217 triệu đồng.

Số tiền còn lại sau đó được Dương xác định, tính toán là 212 triệu đồng, Dương đã báo cáo Thắng về việc sau khi thanh toán còn lại số tiền 212 triệu đồng nêu trên.

Dương đưa cho Thắng 120 triệu để Thắng đưa cho bà Hoa hoàn trả quỹ tiền mặt đối với số tiền mà Thắng đã chỉ đạo bà Hoa phải tạm ứng chi sai nguyên tắc. Số tiền còn lại là 92 triệu đồng, Dương xin ý kiến của Thắng đưa cho bà Hoa để hoàn trả quỹ tiền mặt đối với khoản tiền mà Thắng đã chỉ đạo Dương chi tiêu sai nguyên tắc.

Thắng sau đó đã đưa cho bà Hoa 120 triệu đồng; Dương đưa cho bà Hoa 92 triệu đồng để hoàn trả quỹ tiền mặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem