Chủ trang trại bao la "trồng lung tung" ở Hòa Bình đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc2022
Một phụ nữ ở Hoà Bình "trồng đủ thứ cây" được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"
Xuân Tuấn - Tuệ Linh
Thứ tư, ngày 21/09/2022 18:53 PM (GMT+7)
Cả đời gắn với nghiệp nông gia, bà Đỗ Thị Thướng (SN 1957), xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình - người được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" đã tạo được cơ nghiệp vững chắc nhờ trồng đủ thứ cây.
Clip: Mô hình "trồng đủ thứ cây" của bà Đỗ Thị Thướng (SN 1957), xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình - người được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"
Trong khu vườn rộng gần chục ha, bà Thướng trồng đủ các loại cây. Từ cây ăn trái đến cây lấy gỗ. Phương châm của bà là lấy nguồn nọ, nuôi nguồn kia. Nhờ vậy mà giữa thời bão giá nguyên liệu, trang trại của bà vẫn hoạt động trơn tru và là cỗ máy in tiền đều đặn.
Trang trại của bà Thướng nằm lọt thỏm giữa vùng sơn thủy hữu tình. Cạnh nhà là con sông Bôi êm đềm. Phía trước là dãy núi đá xanh mướt cao sừng sững giữa đất trời xứ Mường. Suốt mấy chục năm qua, bà Thướng đã dày công gây dựng trang trại.
Khi chúng tôi tìm đường đến trang trại, bà phóng xe máy ra tận đường chính đón. Lần đầu gặp bà là cảm nhận về người nông dân hay lam, hay làm với nước da rám nắng. Bà Thướng luôn nở nụ cười tươi chào đón khách.
Năm nay đã bước sang tuổi 66, nhưng bà điều khiển con xe máy chạy quanh đường đồi vèo vèo. Với bà được ở với đồng đất và nuôi dưỡng ước mơ làm giàu từ đất là mục đích sống cả cuộc đời.
Hay lam hay làm
Men theo lối mòn rợp bóng cây, chúng tôi vào đến đại bản doanh của bà Thướng. Quanh nhà cây ăn quả mọc thành hàng lối. Chim chóc hót véo von. Phía ngoài bãi sông cả mấy chục con bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Trên sân nhà mấy thùng chanh tứ thời vừa cắt về còn xanh ngăn ngắt, tỏa hương thơm dìu dịu.
Bà Thướng vừa nói chuyện với khách, vừa tranh thủ dồn đám chanh vào sọt để cho cánh thương lái đến lấy. "Năm nay chanh được giá hơn mọi năm, 12.000đ/1kg anh à. Nhà tôi ước đạt hơn chục tấn. Cữ mọi năm, chanh bán rẻ như cho chẳng ai mua. Nhiều nhà chặt bỏ cả vườn, tôi để lại, nay lại tươm", vừa dồn nốt đám chanh vào sọt, bà Thướng vừa kể.
Ở cùng bà còn có chồng và con rể và con gái phụ giúp. Con gái bà đang là giáo viên, nhưng tranh thủ ngày hè cũng làm lụng quần quật, chẳng ngơi nghỉ chân tay. Thấy con gái làm nhiều quá, bà lại cảm thán: Nó giống tôi, từ nhỏ cho đến già chỉ biết đến công việc. Quả thực, mặt trời đã đứng bóng, đồng hồ điểm 12h trưa, mẹ con bà mới nghỉ tay nấu cơm.
Bà Thướng lại tranh thủ chạy ra ngoài bãi xem đám bò ăn uống ra sao. Bà lên xe máy, phóng vèo ra bãi. Chân đi ủng, đầu không đội nón, trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, ra đến bãi sông nhìn thấy đám bò ung dung gặm cỏ, bà mới thở phào nhẹ nhõm.
Như để khẳng định địa vị của mình, bà hô lên một chàng dài âm thanh quen thuộc: "bò bò o o ò...". Tiếng gọi bò vừa dứt, cả đàn bò bỗng dừng ăn. Chúng đều hướng về phía bà chủ đầy quyền uy. 30 con bò mẹ và mấy chục chú bê con nhất tề, lẳng lặng nghe theo sự sắp đặt của bà. Đám bò mẹ béo mầm, con nào con nấy khỏe khoắn, chứng tỏ bà Thướng chăm sóc chúng rất tốt.
Nhìn thoáng qua cách chúng ăn cỏ và đi lại là bà Thướng biết chúng khỏe hay yếu. Khi chúng sinh nở, bà chăm sóc chúng chu đáo, bà kiêm luôn vai trò của thú y. Bà Thướng làm trang trại tổng hợp, nên trong vườn thứ gì cũng có.
Đàn bò này là cái máy sản xuất phân hữu cơ để bón lại cho cây cối ở vườn. Làm nông dân giai đoạn này mà phải mua phân bón là coi như thua, bà Thướng khoát tay khi "chào" đám bò ra về.
"Năm nay giá phân tăng mấy chục phần trăm, thuốc thang cũng lên phi mã... trong khi sản phẩm nông nghiệp làm ra lại rẻ. Muốn có lãi, người nông dân cần giảm tối đa chi phí. Muốn vậy, trong vườn phải tự cung tự cấp được nguồn phân bón. "Nhờ đàn bò này mà giữa thời bão giá, gia đình tôi vẫn trụ được và có thu nhập đều đặn", bà Thướng chia sẻ
Đa dạng hóa nguồn thu
Đàn bò thấy dáng bà chủ khuất sau lùm tre, chúng yên tĩnh trở lại. Cuối ngày bà Thướng chỉ cần hô vài tiếng là chúng nhất tề trở về chuồng. Con nào vào ô của con nấy. Dường như với người phụ nữ nông dân này, hiểu cặn kẽ tính nết từng con bò, con lợn đến đám gà sau chuồng.
Vừa dẫn tôi đi thăm vườn cây gỗ, bà Thướng vừa thủng thẳng kể, tôi sinh ra ở huyện Mỹ Đức – Hà Nội. Thời bố mẹ tôi, đói, rét quanh năm. Đồng đất quê rộng, nhưng vào mùa mưa tháng bảy là cả vùng mênh mông nước từ sông Đáy đổ vào. Mùa nào mưa thuận gió hòa, gia đình còn có chút thóc lúa.
Nhiều vụ, lúa đã xuôi quả mà mất trắng, vì nước lũ nhấn chìm cả. Ngày ấy, nghe theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới ở vùng Tây Bắc, bà đã xung phong đi và được nhận vào nông trường sông Bôi thuộc huyện Lạc Thủy, tỉnh Hà Sơn Bình.
Trai gái miền Bắc khi đó, không đi đánh trận thì cũng xung phong đi nông trường. Nghe cái tên nông trường thì oách lắm. Thế là mình là người nhà nước, chứ không chân lấm tay bùn như trước nữa.
Ngày đầu bà hồ hởi cùng bao nam thanh, nữ tú lên xứ Mường vỡ hoang. Sống ở xứ miệt rừng, vắt nhiều như trấu, muỗi nắm được cả vốc khiến ước mơ được ăn sung, mặc sướng của bà không như tưởng tượng.
Mồ hôi lại tiếp tục rơi như trút nước xuống vùng nông trường đầy nắng gió này đổi lấy cơm ăn, áo mặc. Bao kế hoạch, bao chương trình mà nông trường đề ra nhằm làm giàu cho quê hương, cho nhân viên... đều không thành. Cái mà bà nhìn rõ nhất khi ấy là rừng cứ mất dần đi, nhường chỗ cho những đồi chè, đồi mía xanh mướt.
Ở nông trường suốt mấy thập kỉ mà đời sống cán bộ công nhân viên chẳng khá lên. Rồi khi nông trường giải thể, đất cát cho nhân viên nhận khoán. Từ đây bà mới chính thức được "giải phóng" sức lao động. Có đất bà lao vào làm như thiêu thân. Hết trồng mía, trồng khoai, ngô và sau này là cuộc "cách mạng" trồng cam, trồng bưởi.
Mấy ha đất được cày xới mỗi ngày, qua đôi bàn tay tần tảo sớm hôm, gia đình bà đã dày công tạo dựng trang trại tươi tốt. Trồng cây có múi phải có chiến lược dài hơi và đầu tư lớn. Để có nguồn thu, bà trồng cây ngắn ngày bên cạnh cây có múi như sả, sắn.
Nhìn mấy ha đất bãi bỏ hoang, bà quyết định vay mượn mua bò về nuôi. Nuôi con bò, chỉ sau 1 năm là có thu nhập. Vườn cam, vườn bưởi phải mất 5- 6 năm mới cho thu hoạch.
Bà thực hiện phương châm lấy ngắn, nuôi dài. Đa dạng hóa cây trồng trong vườn, mỗi thứ bà trồng 1 ít để tránh rủi ro...Cây có múi đã từng mang lại cho bà hơn tỷ đồng mỗi năm. Có tiền bà lại đầu tư xây chuồng bò, trồng thêm cỏ và trồng cả cây lấy gỗ.
Quả như bà dự liệu, cây có múi cho thu được vài năm, đến năm nay, nó đã bão hòa, cam bưởi rẻ như cho. Người trồng không có lãi. Nhiều nhà đã bán cả vườn đi để trả nợ vì trồng cây có múi. Riêng bà Thướng vốn hay lo, nên bà cũng chỉ trồng ở mức độ vừa phải.
Dẫn tôi đi thăm trang trại, bà hồ hởi khoe về một thứ cây vừa cho gỗ, vừa cho hạt mà bà đã kiên trì chăm bẵm hơn chục năm qua. Đó là hàng dổi mấy chục cây ở đầu ngõ. Cây nào cây nấy cao như cột chống trời. Chúng xòe bóng mát làm rợp cả một vùng.
"Nó là vàng mười đấy. Năm ngoái, chúng cho quả bói, tôi bán được mấy chục triệu. Năm nay, quả ra sai trĩu, có cây cho trên chục cân hạt chứ chẳng ít. Giá bán trên 1 triệu đồng 1kg, năm nay khả năng tôi thu được nhiều hơn", bà Thướng vừa đưa đôi mắt tràn đầy hạnh phúc ngắm nhìn đám dổi và nhẩm tính thu nhập của năm nay.
Người phụ nữ quê lụa này đã gắn bó cả cuộc đời với đất đai của xứ Mường. Bà yêu quý đồng đất như chính cuộc sống của mình vậy. Cả một vùng đất đai rộng lớn bà chẳng bỏ không thửa nào. Nơi nào không trồng cây ăn quả, bà cắm cỏ voi vào.
Đây là nguồn thức ăn dự trữ cho đám bò khi mùa đông về. Công cuộc làm trang trại với bà không phải đao to, búa lớn mà mỗi thứ bà làm một ít. Làm việc gì là có sự tính toán chắc chắn. Hơn nữa, khi trồng cây gì xuống đất, phải để chúng hỗ trợ được nhau. Nhờ vậy mà ngày nào trang trại của bà cũng có nguồn thu ổn định.
Năm nay là năm bão giá của "đầu vào" phục vụ cho sản xuất, nó là cơn ác mộng của nhà nông. Khi nói chuyện với bà Thướng, bà cũng cảm thấy có khó khăn, nhưng vốn là người hay lo xa và biết vận dụng việc sản xuất quay vòng tại trang trại nên bà vẫn bình chân như vại. "Làm nông dân cũng phải biết tính toán, chứ không thể làm ồ ạt được. Nói là làm giàu, chứ mình không chịu thương, chịu khó vun vén, đất khó lòng đẻ ra tiền được", bà Thướng cho biết.
Suốt quãng thời gian thăm trang trại của bà Thướng, điều đọng lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về người phụ nữ này là đức tính cần cù, siêng năng. Đồng đất chưa kín cây trồng là bà chưa yên lòng. Năm nay đã 66 tuổi đời, nhưng bà vẫn chưa cho chân tay ngơi nghỉ. Bà tin rằng, với mồ hôi công sức và mình đổ ra làm trang trại, đất không phụ công người. Với những gì bà cống hiến cho đồng đất xứ Mường, bà được Hội đồng Chung khảo Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam chọn là một trong số 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.