Chùa chiền là chốn ăn chơi?

Thứ hai, ngày 06/02/2012 19:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tết rồi đi vãng cảnh chùa, tôi đến một ngôi chùa bên bờ hồ Tây (Hà Nội) mới trùng tu. Trước sân chùa tượng Phật bà Quan âm toạ thiền trên bệ sen bằng đá trắng uy nghi. Quang cảnh chùa u tịch thâm nghiêm, không khí thật huyền bí.
Bình luận 0

Bắt gặp gian chính cửa chùa, chính giữa có bệ chạm vân long kê vát lên giống như đền Đinh Lê ở Ninh Bình. Lại tựa hình ảnh trong Tử Cấm thành bên Trung Hoa. Chỗ đó không phải đường đi mà là biểu tượng quyền uy của vua chúa. Khách vãn cảnh chùa đi vào hai đường bên…

Chỉ khi bước vào trong gian chính mới dám khẳng định là chùa vì các tượng hộ pháp mới tạc xong chưa sơn thếp còn nguyên màu gỗ.

Đi một vòng trong chùa, thêm một phát hiện mới đó là những hàng cột đá chạm rồng ở dãy nhà ngang. Tôi cứ phân vân, con rồng sao luồn vào trang trí cột nhà từ bao giờ. Tưởng chỉ có lưỡng long chầu nguyệt ở nóc chùa thôi.

Vậy đấy, cái cửa vào chùa, giống cung đình, và lại cũng giống cửa đền. Chỉ khi lên thềm bước vào trong nhà mới biết đó là chùa. Phải chăng có thể gọi là tiền cung đình, hậu Phật, hoặc tiền thánh hậu Phật chăng?

Nhưng kỳ lạ nhất bên dãy nhà ngang, dọc hành lang treo cả dãy đèn lồng như chỗ ăn chơi cung vua phủ chúa.

Chùa mới trùng tu, nội ngoại thất thấy có một tí cung đình, một tí cửa thánh, một tí ăn chơi, còn bao nhiêu dành cho nhà Phật. Phải chăng đó là kiến trúc tôn giáo mới được “phát hiện” của thế kỷ 21?

Không rõ ngành văn hoá có quan tâm đến văn hoá, kiến trúc chùa chiền hay không nhỉ. Hay là địa phương có tiền thì mặc sức làm gì thì làm?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem