Clip - Người trồng vải chín sớm ở Phương Nam mong có được chuỗi tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Đến phường Phương Nam (TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) những ngày này, trên khắp các tuyến đường liên thôn, liên xã, hàng trăm xe tải lớn, nhỏ của các thương lái ở nhiều tỉnh thành xếp hàng dài dọc bên đường để chờ mua vải chín sớm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng vải chín sớm Phương Nam vẫn được mùa, được giá.
Việc tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái.
Tuy nhiên, có một nghịch lý khó hiểu là quả vải chín sớm Phương Nam lại khó mua ngay tại đất vải Phương Nam. Vào vụ thu hoạch, người dân Quảng Ninh, thậm chí là người dân TP.Uông Bí cũng rất khó có thể mua được quả vải chín sớm ngoài chợ. Để thưởng thức những quả vải chín sớm này, người dân phải đến tận phường Phương Nam, vào tận vườn vải thì mới mua được.
Trong khi đó, mỗi ngày, tại đây xuất bán hàng trăm tấn vải cho thương lái, vận chuyển đi các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội,... thậm chí Đăk Nông.
Lý giải việc này, bà Nguyễn Thị Hoa (Cẩm Hồng, phường Phương Nam, TP.Uông Bí) một hộ trồng vải lâu năm cho biết, dù đã có thương hiệu, được hướng dẫn quy trình chăm sóc rất bài bản nhưng khi vải chín, việc tiêu thụ lại phụ thuộc vào thương lái. Năm nào vải chín sớm hơn, quả đẹp, thương lái về nhiều thì được giá, năm nào thương lái về ít thì lại bị ép giá.
"Như vụ vải năm 2018, mặc dù được mùa nhưng thương lái về ít, bà con chỉ bán được 8.000 – 15.000 đồng/kg, trong khi ngoài chợ gần đó người dân phải mua vải ở nơi khác với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg. Nhiều người đã tính việc mang ra chợ bán nhưng vì chưa bao giờ bán ở đấy nên cũng không biết phải liên hệ thế nào?
Khi mới xây dựng thương hiệu thì bà con được phát tem, nhãn, dây buộc miễn phí nhưng bây giờ các hộ dân phải tự bỏ tiền ra in. Mà mấy ông thương lái thì lại chẳng quan tâm gì đến tem nhãn, cứ vải to, vải đẹp là mua giá cao. Họ mang đi tỉnh khác rồi treo thương hiệu khác vào bán được giá hơn", bà Hoa cho biết.
Khó có thể tìm mua được vải chín sớm Phương Nam tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Còn theo ông Phạm Văn Chính (phường Phương Nam, TP.Uông Bí) chia sẻ, nhiều năm qua, quả vải chín sớm Phương Nam luôn là hàng hiếm, thương lái săn đón để đưa ra các thị trường lớn, chính vì thế dường như không còn sản lượng để tiêu thụ tại chỗ.
"Chúng tôi cũng rất mong muốn xây dựng được chuỗi tiêu thụ sản phẩm vải chín sớm Phương Nam để ổn định giá. Nếu cứ phụ thuộc vào thương lái như thế này, vài năm nữa những tỉnh khác họ cũng có vải chín sớm thì bà con sẽ gặp nhiều khó khăn. Bà con ở đây cũng tự phát, cứ có người mua là bán mà không cần biết là vải đã chín chưa, giá như vậy là đã phù hợp hay chưa", ông Chính cho biết.
Nhiều người trồng vải cho biết, những chùm vải buộc thương hiệu, tem nhãn chỉ để đem biếu, hoặc trưng bày tại hội chợ. Thương lái họ sẽ gỡ ra khi đi bán ở những tỉnh khác.
Theo anh Nguyễn Văn Hòa, một thương lái nhiều năm về Phương Nam để thu mua vải chín sớm, do thương hiệu vải chín sớm Phương Nam chưa được nhiều địa phương biết đến nên thường người đi buôn sẽ gắn các thương hiệu khác như vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn… để dễ bán.
Cuối năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức cấp bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể vải chín sớm Phương Nam tại phường Phương Nam, TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động bà con trồng vải, đăng ký xây dựng thương hiệu. Theo quy chế xây dựng nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam, các hộ tham gia đăng ký thương hiệu phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả vải...
Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP với tổng chi kinh phí thực hiện dự án đến năm 2020 đạt 13 tỷ đồng.
Những năm gần đây, diện tích vải chín sớm Phương Nam phát triển ổn định. Năm 2020, diện tích đạt trên 372ha, diện tích cho thu hoạch là 320ha, sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Cây vải chín sớm được trồng tập trung tại các vùng quy hoạch như: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng.
Ngoài nhãn hiệu tập thể, từ năm 2018, chính quyền địa phương còn thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP với tổng chi kinh phí thực hiện dự án đến năm 2020 đạt 13 tỷ đồng.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả trong tiêu thụ quả vải ở đây.
UBND phường Phương Nam (TP.Uông Bí) cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể xây dựng được chuỗi tiêu thụ ổn định.
Ông Nguyễn Quang Nghĩa, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Phương Nam (TP.Uông Bí) cho biết, chúng tôi cũng đã tính đến việc đưa quả vải chín sớm vào các siêu thị BigC, Metro nhưng thực tế cho thấy lượng tiêu thụ ở đây không lớn. Các siêu thị, cửa hàng lớn cũng chưa mặn mà với mặt hàng vải chín sớm.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, không chỉ có quả vải chín sớm ở Phương Nam mà nhiều thương hiệu nông sản ở Quảng Ninh cũng gặp tình trạng bỏ qua thị trường nội địa tương tự. Việc chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ nội địa ổn định sẽ dẫn đến rủi ro cao cho người nông dân. Nhiều loại nông sản nuôi trồng với quy mô, số lượng lớn như: Hầu, hà Vân Đồn, ngao hai cùi, tu hài… đã phải giải cứu khi không thể xuất bán sang Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.