Chuyện lạ Lai Châu: Trồng đậu tương xen lúa, nhà ăn chán chê còn mang ủng hộ hàng xóm cũng chưa hết

Chủ nhật, ngày 20/12/2020 19:00 PM (GMT+7)
Nhận thức rõ hiệu quả từ việc trồng xen canh, người dân xã Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tích cực đưa cây đậu tương vào trồng xen canh lúa, ngô vụ mùa. Từ đó, người dân có thêm lương thực, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bình luận 0

Những ngày này, người dân xã Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đang bước vào thời điểm thu hoạch lúa mùa. 

Khắp các thửa ruộng người dân nô nức gặt rồi vận chuyển lúa về nhà. Điều làm chúng tôi ấn tượng nhất chính là hình ảnh những luống đậu tương hình thành ngay trên bờ xen kẽ với ruộng lúa vàng óng ả. 

Đậu tương luống nào, luống nấy sắp đến thời điểm thu hoạch, sai trĩu quả, trông rất thích mắt.

Chuyện lạ Lai Châu: Trồng đậu tương xen lúa, nông dân bất ngờ thu được tiền nhiều hơn - Ảnh 1.

Người dân bản Dền Thàng B (xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) trồng xen canh đậu tương với lúa ngay trên chính những bờ ruộng.

Nhanh tay thu lúa, anh Châu A Sèng (bản Dền Thàng B) vui vẻ nói: “Gia đình tôi cấy 3.000m2 lúa thì có một nửa số ruộng được tận dụng bờ trồng đậu tương. Việc làm này phải nói là “một công đôi việc”, chỉ cần khi chăm sóc lúa tiện thể làm cỏ đậu tương mà thu về nhiều sản phẩm..."

Theo anh Sèng, mỗi năm từ trồng xen canh đậu tương, lúa nhà anh thu hoạch được từ 1,5-2 tấn thóc, 1,4 tạ đậu tương. Nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu gia đình và có dư bán ra thị trường. 

Ngoài gia đình anh Sèng, ở bản có nhiều hộ khác cũng trồng xen canh đậu tương với lúa như các hộ: Châu A Nủ, Châu A Ki, Châu A Măng… Hộ nhiều thu trên 3 tạ đậu tương”.


Bản Dền Sang có 85 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ lâu cây lúa, ngô, đậu tương trở thành nguồn thu nhập chính của các gia đình. Bà con duy trì phương thức trồng xen canh đậu tương với lúa, ngô để nâng cao năng suất. 


Chị Hàng Thị Ca, người dân bản Dền Sang chia sẻ: “Thông thường khi trồng xen canh đậu tương với lúa, ngô thì lúa, ngô sẽ thu hoạch trước, đậu tương thu hoạch sau thời điểm thu hoạch lúa, ngô 1 tháng (trong tháng 11 dương lịch). Như gia đình tôi, mỗi năm trồng 4.000m2 lúa, trồng xen đậu tương trên bờ ruộng thì thu được 2,2 tấn thóc, 1,5 tạ đậu tương..."


Chị Ca cho hay, gia đình chị nhiều năm nay không lo thiếu đói trong những ngày giáp hạt. Đậu tương không chỉ nâng cao thu nhập mà còn làm đậu phụ thêm thắt món ăn cho gia đình hoặc giúp đỡ gia đình anh em, hàng xóm trong bản có đám cưới, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, Dào San là một trong những xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ. 

Với địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt phức tạp, thiếu nước sản xuất cộng với khí hậu khắc nghiệt (nhiệt độ có thể xuống đến 0 độ C) vào mùa đông việc sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã gặp không ít khó khăn. 

Bà con các bản chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, 1 vụ ngô, hiệu quả không cao. Trăn trở tìm cách tăng nguồn thu, bà con trong xã mạnh dạn sử dụng chính giống đậu tương địa phương để trồng xen canh với lúa, ngô. 

Qua quá trình trồng xen canh cho thấy đậu tương phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Trồng xen canh có thể tận dụng hiệu quả diện tích đất bờ ruộng, nâng cao hệ số sử dụng đất (đối với xen canh đậu tương, ngô) thực hiện gối vụ, cắt giảm đầu tư (do giảm công chăm sóc, không phải bón phân). 

Bờ ruộng độ ẩm cao, cung cấp đủ nước cho đậu tương cả vụ mà không cần tưới. Làm sạch cỏ bờ ruộng cũng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn môi trường trú ngụ của mầm bệnh ảnh hưởng đến lúa.


Anh Ma A Già - Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: “Lợi ích kép do trồng xen canh mang lại, bà con khắp các bản bảo nhau trồng đậu tương xen lúa, ngô vụ mùa. Giờ đây, người dân 13/13 bản của xã áp dụng trồng xen canh. Trong đó, trồng nhiều nhất ở các bản: Dền Thàng A, Dền Thàng B, Sì Phài, Lèng Chư, Dền Sang...".

Theo anh Già, trồng xen canh giúp người dân duy trì ổn định diện tích canh tác (lúa mùa 393ha, ngô 285ha, đậu tương 33ha), gắn bó hơn với đồng ruộng, từng bước nâng cao sản lượng lương thực.


Gần đây nhất là năm 2019, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 2.927,5 tấn. Trong đó, lúa mùa sản lượng 1.855 tấn, ngô sản lượng 1.054,5 tấn (đều đạt và vượt về sản lượng so với kế hoạch). Bình quân lương thực đầu người 350,5kg/người/năm. 

Với đậu tương đạt năng suất 11 tạ/ha, sản lượng 36,3 tấn. Năm 2020 các loại cây trồng trên đang được bà con khẩn trương thu hoạch, dự kiến xong trong tháng 11. 

Trồng xen canh giúp người dân tăng nguồn thu, đời sống dần cải thiện. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 19 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm còn 242 hộ.

Định hướng phát triển kinh tế thời gian tới, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xác định cùng với chăn nuôi, trồng cây ăn quả, chăm sóc thảo quả, sẽ tiếp tục duy trì ổn định diện tích trồng lúa, ngô, đậu tương, canh tác theo hình thức xen canh.

Để hạn chế sâu bệnh, thoái hóa giống, xã khuyến khích người dân từ 2-3 năm thực hiện chuyển đổi giống đậu tương một lần với các bản khác… Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Thanh Hoa (Báo Lai Châu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem