Có đủ răn đe nếu chỉ khởi tố mỗi vụ án ở CDC Hà Nội?
Có đủ răn đe nếu chỉ khởi tố mỗi vụ án ở CDC Hà Nội?
Vương Hà
Thứ ba, ngày 15/09/2020 07:22 AM (GMT+7)
Dư luận chưa thể an tâm khi cơ quan chức năng chưa làm rõ hình hài những "ông trùm" điều hành các liên minh ma quỷ. Và một khi, chỉ những con "tốt đen" bị đem thí, những vụ án tương tự sẽ còn diễn ra dài dài.
Giữa đại dịch Covid-19, cơ quan điều tra nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can với những đối tượng liên kết nhau tìm cách tâng giá thiết bị xét nghiệm xảy ra ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa chuyển hồ sơ vụ án đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 10 bị can về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó có tới 6 đối tượng là những nhân vật chủ chốt của CDC Hà Nội và 4 đối tượng ở 4 Cty khác nhau nằm trong chuỗi nhóm lợi ích.
Danh sách các bị can trong vụ án minh họa rất rõ các nhóm lợi ích liên kết chằng chịt với nhau như thế nào. Trong đó CDC Hà Nội, dính hầu hết các loại trưởng phòng cho tới giám đốc. Còn các Cty liên quan, dính tới đủ lĩnh vực, từ đơn vị bán cho tới cơ quan định giá.
Nhưng điều lạ nhất là, nếu hầu hết các đơn vị, người đứng đầu đều bị khởi tố, riêng với Cty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông là đơn vị bán hàng, là đơn vị được hưởng lợi trực tiếp, nhưng chỉ có nhân viên bị khởi tố, còn lãnh đạo Cty lại vô can. Đây là điều dư luận thực sự không thể hiểu. Bởi lẽ, nhân viên cũng chỉ là "anh đánh máy", còn chỉ đạo tâng giá, ăn chia như thế nào chắc chắn là việc của lãnh đạo. Vậy đâu là lý do, một nhân viên quèn bị khởi tố còn lãnh đạo vô can?
Mặt khác, việc tâng giá thiết bị xét nghiệm không chỉ diễn ra ở CDC Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh thành phố khác, trong bài "Đại án AVG còn nóng hổi, sao vẫn muốn "xóa cờ đánh lại"?", đăng cùng chuyên mục này, chúng tôi đề cập khá kỹ những vụ án xảy ra ở một số tỉnh, thành phố tương tự CDC Hà Nội.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là, tất cả các vụ án này đến này vẫn "chìm xuồng" khi một số CDC bình thản trả lại thiết bị cho đơn vị bán, hoặc cho rằng chỉ mượn, dù đã trả tiền; hoặc một số tỉnh "mạnh tay" hơn khi cho thanh tra vào cuộc như ở Thanh Hóa với kết luận: CDC có một số hạn chế, khuyết điểm, sơ suất... !? Không còn gì hài hước hơn.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu cùng hành vi, mức độ và tính chất nghiêm trọng như nhau, nhưng chỉ một đơn vị bị khởi tố, còn lại huề cả làng thì việc áp dụng luật và xử lý hình sự như vậy có công bằng và đủ sức răn đe?
Đáng chú ý nhất là, trong các vụ việc này, cũng như trong tất cả các vụ án tâng giá thiết bị lên nhiều lần, ở tất cả các lĩnh vực, thì đơn vị định giá luôn được các đơn vị bán, mua thiết sử dụng như một "lá chắn" biện minh cho hành vi " móc hầu bao" Nhà nước. Nhưng, mức xử lý dành cho họ chưa thỏa đáng với hành vi họ gây ra.
Thậm chí, giữa đại dịch rất cần sớm mua sắm các thiết bị xét nghiệm, lấy lý do chưa có giá, nhiều CDC, một số bệnh viện không mua sắm các thiết bị. Phải chăng đó là lý do chính?
Việc khởi tố vụ án CDC Hà Nội có thể khiến nhiều lãnh đạo CDC, bệnh viện phải chùn tay, nhưng đó không thể là lý do chính đáng để dừng việc mua sắm các thiết bị thiết yếu ngăn chặn đại dịch. Bởi, trong đại dịch đó, một số CDC vẫn mua được thiết bị với giá phải chăng, chỉ 2- 3 tỉ đồng, và không khó gì khi họ có thể khảo giá trên mạng chính thống của các hãng. Vậy đâu là lý do chính khiến họ cùng nhau "biểu quyết" không mua sắm? Chính điều này khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chỉ đạo trực tiếp làm rõ sự việc.
Để trả lời câu hỏi này cần phải nhận diện rõ, trong việc bán thiết bị này, chỉ có 1- 2 đơn vị đã trúng thầu gần hết các đợt đấu giá, dù giá cao. Điển hình trong các vụ việc này, Cty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông, không chỉ bán thiết bị xét nghiệm cho CDC Hà Nội, họ còn lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm Covid-19 cho nhiều bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương, các CDC ở Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang... Không chỉ cung cấp máy xét nghiệm, Công ty Phương Đông còn trúng thầu cung cấp vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ chống dịch Covid-19 ở nhiều đơn vị. Vậy nhưng, trong vụ án CDC Hà Nội, chỉ có một nhân viên ở Cty này bị khởi tố, còn lãnh đạo lại vô can. Thật khó hình dung và khó hiểu.
Tại phiên họp sáng 14/9 của UBTVQH cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của mình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định: Có biểu hiện "nhóm lợi ích", móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Tiếp đó bà Nga nhấn mạnh: "Tình trạng người có chức vụ, quyền hạn "bảo kê", bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra..."
Liệu có những "liên minh" nào đó, có sự "bảo kê" nào đó trong các vụ mua sắm máy móc y tế trong dịch Covid-19? Liệu ngoài việc mua sắm máy xét nghiệm thì việc mua các loại vật tư y tế khác có thật sự minh bạch, có bị lợi dụng "đục nước béo cò"? Dư luận không thể an tâm khi những câu hỏi này vẫn còn là ẩn số. Và một khi, vẫn chỉ những con "tốt đen" bị đem thí, những vụ án tương tự sẽ còn diễn ra dài dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.