Cơ giới hóa đồng bộ, nông dân nhàn hơn, giàu hơn: Hoá giải "lời nguyền" đồng ruộng manh mún (Bài cuối)

Minh Huệ (thực hiện) Thứ năm, ngày 25/08/2022 05:47 AM (GMT+7)
Trong tất cả lĩnh vực sản xuất, bà con nông dân đều mong muốn được tiếp cận cơ giới hóa.
Bình luận 0

Cơ giới hóa đồng bộ, nông dân nhàn hơn, giàu hơn

"Để cơ giới hóa đồng bộ, chúng ta cần khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún, phân tán. Chính Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã phải thừa nhận rằng manh mún là "lời nguyền" của ngành nông nghiệp, khiến việc áp dụng cơ giới hóa bị hạn chế" - ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nói với phóng viên Dân Việt.

Cơ giới hóa đồng bộ, nông dân nhàn hơn, giàu hơn: Hoá giải "lời nguyền" đồng ruộng manh mún (Bài cuối) - Ảnh 1.

Để Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đi vào thực tế, ông Lê Quốc Thanh cho rằng con đường nhanh nhất là tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ chức, HTX làm dịch vụ cho bà con. Ảnh: Minh Huệ.

Ông đánh giá như thế nào về áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay?

- Trong tất cả lĩnh vực sản xuất, bà con nông dân đều mong muốn được tiếp cận cơ giới hóa. Trong khi thế giới đang tiến bộ rất nhanh thì sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn nhiều khâu chưa cơ giới hóa được. Cũng vì nhiều khâu làm thủ công nên nông sản nước ta có giá thành cao, chưa đồng bộ...

Thực tế cho thấy, khâu nào cơ giới hóa được thì tiến bộ rất nhanh, ví dụ làm đất, thu hoạch lúa. Giờ đây ở vùng ĐBSCL hoặc một số vùng khác, khâu làm đất đã cơ giới hóa được 100%. Thế nhưng vẫn còn một số vùng khó áp dụng, như ở miền núi vùng cao, ruộng bậc thang, đường đi còn không có thì làm sao đưa máy móc vào được?

"Khuyến nông Quốc gia đã phát động phong trào khuyến nông dịch vụ, nhiều địa phương đã hưởng ứng rất nhanh, như ở Hậu Giang hình thành tổ dịch vụ máy bay không người lái; ở Hải Dương có tổ dịch vụ mạ khay máy cấy…".

Ông Lê Quốc Thanh

Cũng phải nhìn nhận một điều, nhiều loại máy móc đưa về Việt Nam không phù hợp.

Với đặc thù đồng ruộng còn manh mún, phân tán, nên ngay cả khâu dễ nhất là làm đất, thu hoạch, nhiều vùng vẫn chưa cơ giới hóa được. Các nghiên cứu chế tạo về cơ giới hóa hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, cần ưu tiên vấn đề gì, thưa ông?

- Việc áp dụng cơ giới hóa là tất yếu, nếu không đẩy nhanh quá trình này thì không thể nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường toàn cầu. Khi không cơ giới hóa được, sản phẩm không đạt tính đồng đều vì bị trễ thời vụ, chậm tiến độ, chi phí cao… Ví dụ như đối với cây mía, nếu không cơ giới hóa thì chúng ta không thể cạnh tranh được với mía đường của Thái Lan.

Trước thực trạng này, hiện nay Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định riêng về cơ giới hóa và hy vọng dự thảo nghị định này sớm được ban hành, triển khai. Nhưng vấn đề cần nhìn nhận rõ: Ai sẽ là người thực hiện cơ giới hóa đồng bộ?

Dĩ nhiên phải là người nông dân. Họ phải thiết tha hơn nữa, mạnh dạn hơn nữa trong việc áp dụng công nghệ, máy móc. Đi kèm với đó là tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn…, tạo thuận lợi để máy móc ra đồng.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa để bà con nhận thức rõ hơn tác dụng của cơ giới hóa đồng bộ.

Cơ giới hóa đồng bộ - nông dân nhàn hơn, giàu hơn (bài cuối): Xóa ruộng manh mún để áp  dụng máy móc - Ảnh 1.

Nông dân xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy. Ảnh: Viết Thành

Câu chuyện bây giờ là cơ giới hóa thế nào trong điều kiện Việt Nam? Cơ chế, chính sách cần thực hiện ra sao, thưa ông?

- Nếu như một người nông dân chỉ có mấy sào ruộng thì có cần mua máy móc hay không? Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi thường xuyên gặp phải khi thực hiện các mô hình khuyến nông mà có cả khuyến công. Tức là theo quy định, nông hộ được hỗ trợ 1 nửa tiền mua máy, vậy nửa tiền đó giao cho ai? Chọn nông dân nào cho hợp lý, máy móc phát huy được, hay hỗ trợ xong rồi máy bỏ xó?

Đó chính là câu chuyện thay đổi nhận thức của người nông dân. Tôi cho rằng để phát huy hiệu quả nhất, chúng ta nên hình thành các tổ chức dịch vụ cung cấp máy nông nghiệp cho bà con.

Rõ ràng với thực trạng đồng ruộng manh mún, điều kiện đầu tư hạn chế, nông dân không thể đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc về chỉ để sử dụng vài ngày mùa vụ. 

Để Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đi vào thực tế, theo tôi, con đường nhanh nhất là hình thành các tổ chức, HTX làm dịch vụ cho bà con.

Cơ giới hóa đồng bộ, nông dân nhàn hơn, giàu hơn: Hoá giải "lời nguyền" đồng ruộng manh mún (Bài cuối) - Ảnh 5.

Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Công ty Bình Điền thực hiện tại xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng. Trong đó, lúa được sạ cụm bằng máy, bón phân bón chuyên dùng. Ảnh: T.L

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên, hay trồng dứa ở các vùng nguyên liệu lớn rất mong muốn có máy hái quả, có thể "soi" được quả chín - quả xanh để giải quyết bài toán khâu thu hoạch. Ông có thể cho biết giải pháp nào để đẩy nhanh quá trình này?

- Cái gốc của vấn đề, theo tôi là phải tổ chức lại sản xuất, có những cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp, trong đó người nông dân làm chủ. Trên cánh đồng lớn đó, các hộ phải hợp sức với nhau, cùng nhau làm theo một tiêu chuẩn kỹ thuật để máy móc vận hành thuận lợi và hiệu quả.

Còn về chính sách, chủ trương, cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào huấn luyện đào tạo, tri thức hóa người nông dân. Khi bà con tích lũy đủ, tư duy đủ thì họ sẽ tự thay đổi.

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng phải thông thoáng, thuận lợi để những người muốn làm dịch vụ cơ giới hóa tiếp cận dễ hơn; thúc đẩy những đơn vị nghiên cứu để "Việt hóa" máy móc hiện đại nhập từ nước ngoài, tương thích đồng bộ với đồng ruộng Việt Nam.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem