CropLife: Đã có đủ các công cụ để đối phó với sâu keo mùa thu

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 24/07/2019 14:18 PM (GMT+7)
Theo Tổ chức CropLife, nếu không có những biện pháp phòng trị kịp thời, loài sâu keo mùa thu sẽ khiến sản lượng ngô hàng năm giảm tới 21 - 53%. Để đảm bảo phòng trừ hiệu quả loài sâu này, một phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cần được áp dụng.
Bình luận 0

Sâu keo mùa thu tàn phá nhiều diện tích ngô

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 22/7, đã có 16.464ha ngô trên cả nước bị phá hoại bởi sâu keo mùa thu, tăng 1.561 ha so với tuần trước. Diện tích nhiễm lớn nhất là Bắc bộ và Nam Trung bộ - Tây Nguyên, chiếm trên 94%.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sâu keo mùa thu là sinh vật ngoại lai mới xuất hiện nhưng đã có ở 36 tỉnh, thành. Nông dân gọi sâu này là sâu tằm vì ăn khỏe như tằm, gây hại lớn và rất nhanh kháng thuốc.

Thời vụ trồng ngô kéo dài, liên tục xuống giống quanh năm tạo điều kiện cho nguồn sâu keo lây lan từ vụ trước sang vụ sau. Hiện nay, ngô hè thu chủ yếu đang ở giai đoạn ngô non. Nhiều khó khăn trong phòng chống sâu keo vì sâu non có nhiều độ tuổi khác nhau, sâu trưởng thành đẻ trứng rải trong khoảng 2 tuần khiến trứng nở rải rác nên hiệu quả của thuốc bị giảm. 

img

Sâu keo mùa thu phá hoại nhiều diện tích ngô ở Gia Lai. Ảnh: I.T

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định, sâu keo mùa thu có khả năng lây lan và tàn phá nhanh cây ngô. Vì vậy các địa phương cần tập trung tuyên truyền, đặc biệt là Chỉ thị 4962 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng, chống sâu keo mùa thu để chính quyền và người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của loài sâu hại này. 

"Đối với các đơn vị của Bộ, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các thí nghiệm, thực nghiệm, đánh giá tình hình thực tế tại các địa phương, hoàn thiện các loại thuốc bảo vệ thực vật để khuyến cáo người dân sử dụng. Hiện nay, thí nghiệm bước đầu thì bả sinh học đã cho hiệu quả. Tôi đề nghị phải hoàn thiện và nghiên cứu một quy trình sử dụng cũng như mật độ đặt bả trên các ruộng ngô, nhanh chóng khuyến cáo giải pháp này cho người dân, vì đây là giải pháp vừa hiệu quả, vừa an toàn cho môi trường" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Đối với các diện tích ngô nhiễm sâu quá nặng, không có khả năng phục hồi, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần phá bỏ, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, sẽ triệt tiêu được một lượng lớn trứng và sâu non. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn tàn dư trên đồng ruộng, vì vậy cần có phương án xử lý đất. Cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng các viện nghiên cứu và các địa phương cần sớm tìm ra phương án, tránh trường hợp sâu còn tồn tại dưới dạng trứng và lây lan sang các vụ sau.

Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp

Theo Tố chức CropLife châu Á, thuốc trừ sâu là một trong số ít những công cụ phòng trừ sâu keo mùa thu hiệu quả và đã được chứng minh. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc phun qua lá và thuốc xử lý hạt giống. 

img

Do đặc tính của mình, sâu keo mùa thu là loài khó diệt trừ, khả năng gây hại trên diện rộng. Ảnh: I.T

Cần khuyến cáo nông dân chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã đăng ký và được khuyến nghị để kiểm soát dịch sâu keo mùa thu; không sử dụng các loại thuốc BVTV buôn bán bất hợp pháp hoặc hàng giả; sử dụng theo đúng hướng dẫn nhằm tránh việc kháng thuốc.

Cây trồng công nghệ sinh học có tính trạng kháng sâu là một công cụ khác đã được sử dụng hiệu quả trong chương trình IPM để kiểm soát sâu keo tại khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Lợi ích của giống ngô kháng sâu đã được chứng minh trên các ruộng thử nghiệm ở Kenya, Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Uganda thông qua dự án ngô chịu hạn ở châu Phi (WEMA).

Các công cụ quản lý sâu hại khác nên được sử dụng cùng với thuốc BVTV như một phần của chương trình IPM, bao gồm quy trình thực hành nông nghiệp, thuốc trừ sâu sinh học và sử dụng các loài thiên địch. Nông dân cần nắm được mức độ hiệu quả và rủi ro của biện pháp quản lý dịch hại dựa trên nghiên cứu thực tế.

Sâu keo mùa thu là một loài sâu hại xâm lấn; hiện có rất ít các phương pháp kiểm soát hiệu quả được xác nhận đối với loài sâu này – do đó nông dân yêu cầu các công nghệ có tính xác thực và có khả năng áp dụng đại trà.

Đặc biệt, nông dân phải được tập huấn để hiểu sự nguy hiểm của dịch hại, biết cách nhận dạng, hiểu đặc điểm sinh học sinh thái và vòng đời của loại sâu hại cũng như thời điểm thuận lợi nhất để tiến hành biện pháp phòng trừ. Nông dân cũng cần được trang bị kiến thức về cách thức tiếp cận quản lý dịch hại, tính hiệu quả thực tế và phạm vi áp dụng của phương pháp này. 

Việc quản lý sâu keo mùa thu cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan bao gồm: nông dân, chính phủ, tổ dịch vụ, các tổ chức phi chính phủ và khối tư nhân. Sự hợp tác giữa các bên với trọng tâm tạo ra các đối thoại hướng tới giải pháp là rất cần thiết.

Các công ty thành viên của CropLife Việt Nam là những đơn vị nghiên cứu và phát triển sản phẩm đồng thời cũng đang sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống công nghệ sinh học nên có đủ năng lực để cùng tham gia giải quyết vấn đề này.

Ngành hạt giống cũng đề xuất Chính phủ cân nhắc thực thi các biện pháp kiểm dịch thực vật khẩn cấp giải quyết nguy cơ xâm nhập và hình thành dịch sâu keo mùa thu. Sâu keo mùa thu gây hại trên thân lá và bắp ngô - nguy cơ phát tán và hình thành liên quan đến sự phán tán và di chuyển trong và ngoài khu vực của ngài trưởng thành, do đó, mức độ rủi ro phát tán qua hạt giống là không đáng kể.

Sâu keo mùa thu (Fall Armyworm) loài sâu hại có sức tàn phá lớn, lần đầu xuất hiện tại châu Á vào năm 2018. Cho tới nay, 7 quốc gia trong khu vực đã ghi nhận sự xuất hiện của loài sâu nguy hiểm này, bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam.

Sâu keo mùa thu có thể gây hại tới trên 80 loại cây trồng khác nhau, trong đó có ngô, lúa, bông, mía, lúa mì và đậu nành; đặc biệt đã tàn phá nặng nề các khu vực trồng ngô tại Brazil, châu Phi và gần đây là Ấn Độ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem