Cụ bà 103 tuổi kể chuyện chạy lũ cùng hai chú chó tại xóm nghèo chân cầu Long Biên
Cụ bà 103 tuổi kể chuyện chạy lũ cùng hai chú chó tại xóm nghèo chân cầu Long Biên
Thứ tư, ngày 18/09/2024 13:45 PM (GMT+7)
Lên Hà Nội từ năm 1972, bà Trần Thị Thắm (SN 1921) làm nghề nhặt phế liệu, bán hàng rong. Trận lụt lịch sử vừa qua khiến căn phòng trọ lụp xụp của bà dưới chân cầu Long Biên hư hỏng nặng nề, đồ đạc bị cuốn trôi, hư hỏng hết.
Ngày 10/9, mực nước sông Hồng dâng cao, toàn bộ khu vực ven sông ở Hà Nội bị ngập lụt nặng nề. Hình ảnh xóm trọ dưới chân cầu Long Biên được ghi nhận vào ngày 11/9.
Sáng 18/9, sau nhiều ngày chìm trong nước lũ, xóm nghèo hiện ra xơ xác, nước đã rút nhưng hậu quả để lại cho những người ở đây vô cùng lớn. Nhiều ngôi nhà bị ngập hoàn toàn, bùn lầy còn bám lên nóc nhà.
Xóm nghèo dưới chân cầu Long Biên là nơi tập trung của những người vô gia cư, họ góp tiền thuê trọ ở đây với giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, chưa kể điện nước.
Trong số những người đang thuê trọ ở đây có bà Trần Thị Thắm (quê Kinh Môn, Hải Dương). Bà sinh năm 1921, năm nay tròn 103 tuổi, tuy tuổi cao nhưng bà vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Hàng ngày đi bán tăm bông, đồ chơi trẻ em dọc chợ Đồng Xuân, phố cổ Hà Nội.
Bà cho biết, ngày 9/9 cả xóm phải di tản để đảm bảo tính mạng do nước sông lên cao. "Hàng xóm nói với tôi lên Ủy ban phường Phúc Xá ở, nhưng do còn hai con chó nên tôi không lên mà ra cổng chợ Long Biên nằm dưới lều bán hoa quả", bà nói.
"Tôi quý hai con chó của mình hơn tính mạng, nó bầu bạn với tôi suốt ngày đêm. Ở cổng chợ Long Biên không bị ngập, tôi ở đó có người cho ăn, cho uống nên vẫn khỏe mạnh", bà chia sẻ.
Sau 5 ngày phải rời nhà, đến ngày 14/9 bà Thắm cùng người dân xóm trọ nghèo trở về. Hiện lên trước mắt họ là cảnh đổ nát, bị cuốn trôi tất cả hoặc chìm trong bùn lầy. Bà cho biết thêm: "Tôi chỉ kịp mang theo giấy tờ tùy thân và hai chú chó. Đồ chơi, bông tăm để bán cất trong xe đẩy được các thanh niên trong xóm mang đi chỗ có người trông coi".
Mới ngày hôm qua (17/9) đêm Trung thu, dù rất mệt nhưng bà Thắm vẫn đẩy xe hàng đi bán trống bỏi (một loại đồ chơi cho trẻ em). Cả đêm chỉ bán được 6 chiếc, nhưng bà vẫn rất vui vì có người mua để dành tiền sắm thuốc men lúc đau ốm.
Ở Hà Nội tròn 52 năm, bà cho biết lúc đầu sống trên một chiếc thuyền nhỏ dưới sông Hồng, sau đó bà được chính quyền phường Phúc Xá vận động lên bờ thuê trọ vì ở dưới thuyền rất nguy hiểm. Bà có 2 con một trai, một gái và hai cháu nội, nhưng một cháu đã đi tu tại chùa, còn một cháu theo mẹ sống ở đâu bà cũng không biết. Người con trai vì bạo bệnh đã mất hơn 20 năm nay, còn cô con gái đi làm ăn xa tận Trung Quốc bà cũng mất liên lạc.
Ở độ tuổi gần đất xa trời, bà vẫn vò võ một mình. Chính vì thế, bà nuôi thêm những con chó để bầu bạn. Bà cho biết, thu nhập từ đi bán hàng rong, nhặt phế liệu được khoảng 60.000 đồng – 100.000 đồng/ngày, cũng đủ tiền thuê phòng trọ và rau cháo qua ngày. "Mấy ngày nay các nhà hảo tâm tới cho gạo, nước. Chúng tôi rất mừng", bà nói thêm.
Sáng 18/9, khu trọ hiện lên với cảnh tượng tối tăm, ẩm thấp.
Những người đàn ông trong xóm đang cố gắng thu gom rác thải để bà con trở lại sinh hoạt.
"Làm 2 ngày nay mà mãi chưa xong, quá mệt nhưng chúng tôi vẫn phải sống nên phải cố gắng", người đàn ông quê Hưng Yên này nói.
Người già hơn thì vận chuyển đồ nhẹ, có người giặt quần áo, người rửa bát, người phơi đồ... ai cũng chung một phần công sức.
Sách vở, đồ đạc, va li... còn sót lại sau trận lũ được phơi phóng ngay dưới chân cầu Long Biên.
Bà Phạm Thị Luyến cùng gia đình đang dọn dẹp phòng trọ của mình. "Sáng nay có nước sạch của các nhà hảo tâm tài trợ, chúng tôi muốn có điện và nước sạch sớm để dùng để ổn định", bà Luyến bày tỏ.
Trong ảnh là anh Học và cháu của mình, anh cho biết mình bị tàn tật từ nhỏ, lên Hà Nội từ lâu nhưng không dành dụm được tiền do còn phải chữa bệnh, nên đành phải thuê trọ tại xóm này. "Nhà tôi sát sông nên chẳng còn gì, tường vẫn ngấn nước ẩm thấp. Hôm qua có mấy anh chị cho quạt, nhưng cũng chưa có điện để dùng", anh Học tâm sự.
Hình ảnh người dân dọn dẹp và tận dụng lại những đồ vật còn dùng được sau lũ.
Cách trung tâm Hà Nội chỉ vài trăm mét, khu xóm trọ dưới chân cầu Long Biên là nơi cư ngụ của những người lao động đến từ nhiều nơi. Nhiều năm qua, đặc biệt dịp lễ Tết chính quyền địa phương, các cấp ngành luôn quan tâm tới hoàn cảnh của người dân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt sống dưới chân cầu Long Biên.
Lê Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.