Cúm A bùng phát bất thường, có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy
Nhiều trường hợp nhập viện vì cúm A, có ca bệnh diễn biến nặng, phải thở máy
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 17/07/2022 15:16 PM (GMT+7)
Theo các bác sĩ, chỉ trong thời gian ngắn gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp phải nhập viện do bị cúm A, đáng chú ý trong đó có chùm ca ở khu công nghiệp, lớp dạy tiếng nước ngoài...
Bệnh nhân cúm A tại Hà Nội bùng phát trái mùa, có chùm ca bệnh ở khu công nghiệp
Ngày 17/7, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mới đây cơ sở này đã tiếp nhận cùng lúc gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngoài ra có cả học viên của một lớp học tiếng nước ngoài cũng đến bệnh viện khám.
Các trường hợp này ở độ tuổi 20 - 30 tuổi. Thời điểm đến bệnh viện, các bệnh nhân đều có triệu chứng tương đối giống nhau như: đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Qua test nhanh, hầu hết các bệnh nhân đều cho kết quả dương tính với cúm A.
"Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám, có trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Nếu so sánh với Covid-19 thì cúm A nặng hơn nhưng nhanh khỏi hơn. Điều đặc biệt năm nay cúm A diễn biến bất thường. Nếu như mọi năm cúm A thường vào mùa đông thì năm nay lại rơi vào mùa hè. Bệnh lây qua đường hô hấp, nguy hiểm hơn so với Covid-19", bác sĩ Thiệu chia sẻ.
"Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân khách quan là mùa cúm sang thì trùng với đợt bùng phát Covid -19, do các biện pháp cách ly phòng bệnh Covid -19 khiến cho cúm không thể lây lan được, điều đó vô tình gây khó khăn cho cúm lây nhiễm và hoành hành. Đối với cúm, đó thực sự là thử thách rất lớn khi Covid-19 sinh sau đẻ muộn chiếm hết sóng và các biện pháp phòng dịch khiến cúm mất khả năng lây lan…
Nhưng vô tình điều này làm 1 loạt kháng thể kháng cúm trong cộng đồng bị giảm mạnh và giảm sâu do trong cộng đồng xuất hiện cúm ít, các biện pháp tiêm phòng vaccine cúm không được chú trọng do cộng đồng không có dịch... Ngoài ra kháng thể cúm hay không bền vững và sẽ giảm sau 3 đến 6 tháng. Chưa kể chúng ta chưa thực sự sống trong mùa hè vì giờ đây ở nhà hay đến nơi làm việc đa phần đều sống trong điều hòa", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.
Theo TS Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.
Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm. Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân mắc cúm A mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy.
Nhiều phụ huynh đã "bỏ quên" việc đưa con em mình đi tiêm phòng cúm A
Cùng chung quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây, trung bình một ngày đơn vị tiếp nhận 10 bệnh nhân cúm A, khác nhiều so với các tuần trước chia lẻ tẻ vài ca nhập viện.
Hầu hết các bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Cá biệt có trường hợp viêm phổi suy hô hấp nhưng đã được can thiệp kịp thời, sức khoẻ bệnh nhân hiện đã ổn định.
Bác sĩ Thiệu cho rằng, thời điểm này không khí nóng ẩm mưa nhiều, đồng nghĩa với điều kiện thuận lợi của rất nhiều dịch bệnh. Dịch Covid-19 đang tạm lắng xuống tạo tâm lý chủ quan cho nhiều người với suy nghĩ "đã mắc bệnh".
"Một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lý mạn tính (ví dụ: bệnh tim phổi, tiểu đường, suy thận hoặc suy gan, bệnh hemoglobin, suy giảm miễn dịch); phụ nữ trong ba tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ. Bệnh nhân có tình trạng bệnh lý làm suy giảm việc bài tiết chất tiết ở đường hô hấp…", bác sĩ Thiệu đưa ra dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, viêm phổi do cúm hoặc liên quan đến cúm là nguyên nhân quan trọng gây bệnh hoặc tử vong trên những bệnh nhân có nguy cơ cao. Điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus ở những bệnh nhân này có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp dưới và nằm viện. Liệu pháp kháng khuẩn phù hợp làm giảm tỷ lệ tử vong do viêm phổi do nhiễm khuẩn thứ phát.
"Thuốc kháng virus trong vòng 1 đến 2 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng làm giảm thời gian sốt, mức độ nặng của các triệu chứng và thời gian để trở lại hoạt động bình thường.
Điều trị bằng các loại thuốc kháng virus được khuyến cáo cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (bao gồm tất cả bệnh nhân nằm viện), những người có các triệu chứng giống cúm. Sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tiêm chủng đã bị gián đoạn, rất nhiều phụ huynh đã "bỏ quên" việc đưa con em mình đi tiêm phòng", bác sĩ Thiệu nêu.
Bên cạnh đó, bác sĩ cho rằng, nên tiêm vaccine hàng năm cho những người trên 6 tháng tuổi không có chống chỉ định. Vaccine cúm được tiêm hàng năm để duy trì hiệu giá kháng thể và cho phép thay đổi vaccine để bù cho lệch cấu trúc kháng nguyên.
"Tiêm vaccine hiệu quả nhất là vào mùa thu, do đó, hiệu giá kháng thể sẽ cao trong mùa cúm là mùa đông, tuy nhiên mùa cúm năm nay đến vào đầu hè. Hiện tại là thời điểm thích hợp đê tiêm phòng cúm nếu chưa mắc và tiếp tục tiêm mũi tiếp theo vào cuối thu năm nay", bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.