Cùng nông dân phát triển ca cao bền vững

Thứ sáu, ngày 24/05/2013 09:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi rất nhiều người thất bại với cây ca cao, phải đốn bỏ hoặc để chúng chết vì nắng hạn thì cũng có rất nhiều người khác làm giàu từ cây ca cao.
Bình luận 0

Với cách làm của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Kar (huyện Ea Kar, Đăk Lăk), 450 xã viên (là 450 hộ gia đình) đã có thể phát triển bền vững và ổn định cây ca cao.

Làm giàu trên đất cỗi

Chỉ với 1ha đất cằn cỗi, nhưng mỗi năm gia đình anh Nguyễn Đình Thiên (thôn Quảng Cư 1, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) thu nhập lên đến 100 triệu đồng. Anh Thiên kể, năm 2007, được Dự án Phát triển ca cao bền vững các nông hộ Đăk Lăk hỗ trợ 200 cây ca cao giống, gia đình anh đã mua thêm 400 cây giống nữa về trồng xen trong 1ha diện tích vườn điều kém hiệu quả.

img
Tham gia vào HTX, hàng trăm nông dân đã có thể yên tâm phát triển cây ca cao.

Mang ca cao về trồng nhưng anh Thiên chẳng hề có một chút “vốn” nào về kỹ thuật chăm sóc loại cây mới này. Nhưng thật may cho anh, ngay khi đó, HTX Nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Kar ra đời. Gia nhập vào HTX Nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Kar, anh Thiên không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật mà còn được hỗ trợ cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

img Nếu không trồng ca cao vào thì cây điều vùng này có thể bà con đã chặt, bây giờ đã canh tác bền vững 2 sản phẩm trên vùng không thể trồng cà phê và tiêu. Trên thực tế, nếu chăm bón một cách bài bản, cây ca cao có thể cho năng suất đến 12 tấn/ha. img

Ông Thái Xuân Quang - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Kar

Hưởng lợi từ việc chăm sóc cây ca cao, vườn điều của anh Thiên đã nâng năng suất lên một cách rõ rệt, từ 1,6 tấn điều tươi/ha/năm lên 2 tấn/ha/năm. 3 năm sau, anh Thiên đã có thêm thu nhập từ cây ca cao. Với năng suất cây ca cao bình quân 7 tạ nhân khô/vụ, cộng thêm thu nhập từ cây điều, mỗi năm anh Thiên đã thu về gần 100 triệu đồng. Cũng như gia đình anh Nguyễn Đình Thiên, gần 40 hộ nông dân khác ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar cũng có vườn điều kém hiệu quả, sau khi trồng xen cây ca cao đã cho thu nhập nâng lên gần gấp đôi.

Ông Thái Xuân Quang - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Kar cho rằng, nếu trồng thuần thì hiệu quả kinh tế cây ca cao không cạnh tranh được với nhiều cây trồng khác, nhưng nếu trồng xen với điều thì hiệu quả sẽ cao hơn, nhất là đối với vùng đất thiếu nước, khó trồng cà phê và hồ tiêu như ở một số xã thuộc huyện Ea Kar: “Cây ca cao không khó trồng, nhưng 2 năm đầu cần tưới, chăm sóc chu đáo như là chăm bón phân cân đối, rồi chống sâu bệnh, tỉa cành tạo tán đàng hoàng thì nó phát triển và cho thu nhập tốt hơn.

Và hơn nữa nó là cây cần che bóng, ca cao và điều sẽ bổ sung cho nhau, ở đây chúng tôi không trồng thuần mà là trồng xen với điều, nếu không trồng ca cao vào thì cây điều vùng này có thể bà con đã chặt, bây giờ đã canh tác bền vững 2 sản phẩm trên vùng không thể trồng cà phê và tiêu. Trên thực tế, nếu chăm bón một cách bài bản cây ca cao có thể cho năng suất đến 12 tấn/ha”- ông Quang nói.

Câu chuyện bó đũa

Ngay trên những mảnh đất cằn cỗi của huyện Ea Kar, có 450 hộ dân (trước đây cũng thuộc diện nghèo khó) hiện đã ổn định cuộc sống nhờ việc trồng xen cây ca cao trong vườn điều, cà phê kém hiệu quả. Và đây đều là những hộ dân tham gia vào HTX Nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Ka.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ở Đăk Lăk không ít hộ dân phát triển cây ca cao. Nhưng đây là loại cây hoàn toàn mới mẻ nên hầu hết nông dân đều phải mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc. Hơn nữa với những mô hình đơn lẻ, nông dân lại rất khó khăn về đầu ra. Cách đây 5 năm, người dân xã Ea Sar, huyện Ea Kar, đã đua nhau trồng cây ca cao với hy vọng “đổi đời”. Nhưng chỉ vài năm sau, hy vọng đã tan biến khi hàng loạt vườn cây sâu bệnh, héo úa chết dần vì người dân thiếu vốn, kỹ thuật chăm sóc và do nắng hạn.

Ông Y Thin Byă-Trưởng buôn Ea Sar, xã Ea Sar, một trong số những người trồng ca cao nhiều nhất, cho biết: “Trước đây, tôi trồng điều nhưng không có hiệu quả nên chuyển sang trồng ca cao. Song do không có tiền mua phân bón, lại thiếu nước tưới nên phải chặt bỏ hết”. Không chỉ ông Y Thin mà tại buôn Ea Sar đã có gần 200ha ca cao bị người dân chặt bỏ vì không “kham” nổi. Theo thống kê, tại Ea Kar đã có khoảng 300/900 hộ trồng cây ca cao đã phải chặt bỏ, rất nhiều hộ dân khác chẳng còn mặn mà gì với loại cây này.

Thế nhưng ngay trên những mảnh đất cằn cỗi của huyện Ea Kar, có 450 hộ dân (trước đây cũng thuộc diện nghèo khó) hiện đã ổn định cuộc sống nhờ việc trồng xen cây ca cao trong vườn điều, cà phê kém hiệu quả.

Và đây đều là những hộ dân tham gia vào HTX Nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Kar. “Vấn đề của nông dân là thiếu vốn và kỹ thuật. Hơn nữa việc buôn bán lẻ khiến thu nhập của nông dân rất bấp bênh. Khi tham gia vào HTX, nông dân đã giải quyết được những khó khăn đó. Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư thường xuyên xuống tận những vườn cây của các xã viên để hướng dẫn kỹ thuật. Không chỉ thế, nông dân sẽ được hỗ trợ không tính lãi giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Và họ có thể hoàn toàn yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Bởi hiện nay đã có đến 5 công ty nước ngoài đặt hàng thường xuyên của chúng tôi”- ông Quang nói.

Vẫn theo ông Quang, việc gom những chiếc đũa lại thành một bó đũa chính là cách giúp HTX tồn tại bền vững. Vì thế, trong tương lai, HTX sẽ tiếp tục gom thêm nhiều “chiếc đũa” nữa. “Hiện chúng tôi đang phát triển thêm 200ha tại huyện Krông Năng. Trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển thêm diện tích ở những vùng mà các loại cây trồng khác kém hiệu quả”- ông Quang cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem