"Đại bàng" tiếp tục làm tổ, bất động sản công nghiệp không hạ nhiệt

Tường Thụy Thứ tư, ngày 10/07/2024 15:43 PM (GMT+7)
Công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield của Mỹ ước tính, có khoảng 6.200 ha đất khu công nghiệp sẽ được đưa ra thị trường Việt Nam trong 3 năm tới.
Bình luận 0

Tại buổi họp báo ngày 10/7 của công ty tại TP.HCM về thị trường bất động sản Việt Nam, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhấn mạnh: "Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua".

"Đại bàng" tiếp tục làm tổ, bất động sản công nghiệp không chịu hạ nhiệt- Ảnh 1.

Bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield Việt Nam, cập nhật tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm tại TP.HCM ngày 7/10/2024. Ảnh: M. Tường

Nhu cầu đất công nghiệp vẫn cao nhờ dòng vốn FDI

Theo CEO của Cushman & Wakefield Việt Nam, nhu cầu đất công nghiệp vẫn cao nhờ dòng vốn FDI mới và tiêu dùng nội địa tăng. Nhu cầu này trải rộng ở nhiều ngành khác nhau, từ công nghệ cao như bán dẫn và điện tử đến các ngành truyền thống như nhựa, sản xuất phương tiện đi lại và thức ăn chăn nuôi.

Amkor Technology, Inc. (công ty chuyên sản xuất chip bán dẫn có trụ sở chính tại Mỹ) vừa đẩy số vốn đăng ký tại Việt Nam từ 530 triệu USD lên tới 1,6 tỷ USD, tăng hơn 300%. Đây là số vốn bổ sung cho nhà máy chip bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor tại Bắc Ninh.

"Đại bàng" tiếp tục làm tổ, bất động sản công nghiệp không chịu hạ nhiệt- Ảnh 2.

Hình phối cảnh nhà máy bán dẫn của Amkor tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu

Nằm trong khu công nghiệp Yên Phong II-C, nhà máy này được Amkor khai trương trong quý 4/2023. Với hơn 1,07 tỷ USD mới đăng ký thêm, Amkor nhắm tới mục tiêu sẽ sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm của công ty con Amkor Technology Việt Nam.

Foxconn, một tên tuổi khác trong ngành điện tử và công nghệ cao của thế giới và là nhà cung cấp chính cho Apple Inc., mới nhận giấy phép tăng thêm 551 triệu USD vốn đầu tư vào 2 dự án sản xuất mới tại Quảng Ninh, nâng tổng số vốn của Foxconn tại tỉnh này lên thành 1 tỷ USD.

Tại khu vực phía Nam, các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng mở rộng ra các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu

Khu công nghiệp Thủ Thừa mới được triển khai tại tỉnh Long An trong nửa đầu năm 2024, cung cấp cho thị trường khoảng 115 ha diện tích cho thuê. Chủ đầu tư là BW Industrial (liên doanh giữa Becamex IDC và tập đoàn đầu tư tài chính Warburg Pincus của Mỹ) cũng ra mắt 2 dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tại Bình Dương, cung cấp thêm 300.000 m2 và 19.000 m2 đất công nghiệp.

Cũng tại Bình Dương, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) khởi công nhà máy chế tác nữ trang trị giá 150 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP III vào giữa tháng 5 vừa qua. Nhà máy có tổng diện tích 7,5 ha, được trang bị công nghệ sản xuất tiên tiến và tối ưu hóa bằng các giải pháp kỹ thuật số.

Đáng chú ý, đây là nhà máy toàn cầu thứ 3 của Pandora, hãng trang sức lớn nhất thế giới. Cả hai nhà máy đang hoạt động của Pandora đặt tại Thái Lan.

Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn Hyosung từ Hàn Quốc đang triển khai dự án nhà máy sợi sinh học BDO (sợi Butanediol) trị giá gần 730 triệu USD (tương đương một nghìn tỷ won) tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 2. Giấy phép đầu tư được trao cho Hyosung vào cuối tháng 3 vừa qua.

Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Đường thô thay thế hoàn toàn nguyên liệu truyền thống như than đá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hyosung, nhà máy mới tại thị xã Phú Mỹ mang tên BDO Hyosung với công suất 200.000 tấn/năm là một phần trong hệ sinh thái đa ngành của tập đoàn. Nhà máy hóa chất của Hyosung tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) giáp với TX.Phú Mỹ sẽ chế tạo sợi vải spandex có tính đàn hồi cao từ nguyên liệu BDO từ nguồn kế bên.

"Đại bàng" tiếp tục làm tổ, bất động sản công nghiệp không chịu hạ nhiệt- Ảnh 4.

Ông Hyun-joon Cho (bên phải), Chủ tịch tập đoàn Hyosung, thăm nhà máy Hyosung Vina Chemicals ở Đồng Nai vào tháng 6/2023. Nguồn: Hyosung

Chưa dừng lại, Hyosung gần đây đã gửi văn bản tới UBND TP.HCM để đề xuất đầu tư cho một dự án trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao TP.HCM SHTP).

Theo giải thích của Hyosung, bên cạnh các dự án đang đầu tư tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, tập đoàn đang hướng tới các dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao và mở rộng đầu tư sang công nghệ thông tin.

Nhờ tâm lý thị trường, bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng giá

Tâm lý thị trường tích cực thúc đẩy lượng hấp thụ ròng đất công nghiệp đạt 79 ha trong 6 tháng đầu năm nay tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, theo bà Trang Bùi – CEO của Cushman & Wakefield Việt Nam. Trong đó, Bình Dương, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu mỗi nơi ghi nhận trên 20 ha lượng giao dịch.

Nhà xưởng xây sẵn cũng có lượng hấp thụ đạt 172.000 m2 chủ yếu tại tỉnh Bình Dương, và nhà kho xây sẵn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ ròng vào khoảng 74.000 m2.

Trong bối cảnh nhu cầu đất công nghiệp cao, giá chào sơ cấp trung bình của đất công nghiệp khu vực phía Nam được ghi nhận ở mức 176 USD/m2/kỳ thuê, tăng 2,9% theo quý và 4,8% theo năm, theo Cushman & Wakefield.

Công ty cho biết, giá thuê nhà xưởng trong khu vực này đã tăng 1,1% theo quý và 2,5% theo năm, ở mức 4,7 USD/m2/tháng. Giá thuê trung bình của nhà kho được ghi nhận ở mức 4,5 USD/m2/tháng, ổn định theo quý và tăng 1,2% theo năm.

Thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng sẽ có thêm nguồn cung tương lai lần lượt là 1,4 triệu m2 và 1,9 triệu m2. Trong đó, 55% nguồn cung tương lai sẽ nằm ở tỉnh Đồng Nai, nơi có dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được triển khai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem