Đại biểu Phạm Văn Hoà: "Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm"

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 23/05/2024 10:52 AM (GMT+7)
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, những vụ sai phạm trước đây cũng có phần do cơ chế, chính sách, vì vậy nên có quy định để cho số người lỡ đã "nhúng chàm" ăn năn hối cải.
Bình luận 0

Đây là nội dung được đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu khi thảo luận tại tổ của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024, sáng 23/5.

"Gỗ quý vào lò", rất xót xa!

Đề cập tới công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, ông Hoà nhận định, nếu các cơ quan chức năng vào cuộc truy cứu những vụ việc trước đây với tổ chức, cá nhân nào, chắc chắn phải "vào lò". "Như vậy biết bao giờ mới hết", ông băn khoăn.

Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, những vụ sai phạm trước đây cũng có phần do cơ chế, chính sách. Địa phương nào cũng muốn phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa, cho "bằng chị bằng em", trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư, nên vượt rào, làm không đúng quy định. Giờ lật lại trang cũ thì bị sai phạm dù ít hay nhiều.

"Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm, rất xót xa. Nhiều quy định phát huy người dám nghĩ dám làm, sáng tạo chịu trách nhiệm, nêu gương , nhưng có làm có sai, không làm không sai, nếu sai cơ quan chức năng vào cuộc thì bị xử lý. Tôi nghĩ cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng có lý do của họ", ông Hoà bày tỏ.

Đại biểu Phạm Văn Hoà: "Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm"- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Media Quốc hội

Về giải pháp, trong thời gian tới, ông Phạm Văn Hoà đề xuất cấp có thẩm quyền nên có lằn ranh đỏ. Cụ thể, nên có quy định bằng văn bản, trong đó cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không thông qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực... tự giác khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp cho nhà nước. Những người này sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường.

Theo ông, điều này để cho số người lỡ đã "nhúng chàm" ăn năn hối cải và cũng là chính sách nhân văn của nhà nước. Ông tin tưởng những người này sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình thời gian qua.

Đối với những người không tự giác khai báo, theo ông Hoà, nếu phát hiện sau này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất, không tình tiết giảm nhẹ, sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành không miễn trừ.

"Có như thế mọi người sẽ suy nghĩ điều chỉnh hành vi hoạt động của mình, tình hình tham những tiêu cực sẽ giảm, lấy lại niềm tin với dân", ông Hoà nói.

Pháp luật chồng chéo thì cán bộ không dám làm

Mong muốn Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho biết, nhiều kỳ họp của Quốc hội đã nêu về "tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và niềm tin của doanh nghiệp, người dân". 

Bà Luyến cho rằng, giữa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức có mối tương quan chặt chẽ với nhau.

Khi hệ thống pháp luật "còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất" thì hiển nhiên đa số cán bộ công chức phải giữ lấy sự an toàn cho mình trước tiên, không dám quyết, không dám làm, không dám tham mưu khi nhận thức rõ hậu quả rủi ro về mặt pháp lý.

Do đó, theo bà Luyến, trong tình cảnh này, việc chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ sẽ khó đạt được.

Đại biểu Phạm Văn Hoà: "Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm"- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến. Ảnh: Media Quốc hội

"Chúng ta thấy gần đây Quốc hội thông qua cơ chế chính sách đặc thù cho 1 số dự án trọng điểm quốc gia, cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương phải chăng là hệ thống pháp luật như là "áo chật quá, mặc không nổi" cho nên phải xin cơ chế chính sách đặc thù, quá trình tổ chức thực hiện có những vướng mắc xin điều chỉnh, bổ sung. 

Nếu được hỏi nguyện vọng, chắc chắn các đơn vị, các địa phương đều muốn có được cơ chế chính sách đặc thù cho đơn vị, địa phương mình", theo bà Luyến.

Nữ đại biểu đánh giá, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã rất tích cực rà soát và ban hành nhiều văn bản để khắc phục những bất cập nêu trên. Tuy nhiên, những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế vẫn còn và tiếp tục phát sinh.

Bà Luyến đề xuất, đối với các vướng mắc từ những quy định của pháp luật từ thực tế áp dụng trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội cần được rà soát thường xuyên theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, khi đã có sự không đồng nhất thì cần sửa đổi bổ sung kịp thời, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc triển khai áp dụng pháp luật.

Đồng thời, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ công chức có cơ sở căn cứ pháp lý rõ ràng trong việc thực thi nhiệm vụ công vụ, như vậy mới kỳ vọng khắc phục được tình trạng né tránh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem