Đại biểu Quốc hội "truy" trách nhiệm hai bộ vì hàng giả, bác sĩ “dởm” tràn lan trên mạng xã hội
Đại biểu Quốc hội "truy" trách nhiệm hai bộ vì hàng giả, bác sĩ “dởm” tràn lan trên mạng xã hội
An Linh
Thứ sáu, ngày 26/05/2023 13:12 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, hiện nay sự bùng nổ mạng xã hội khiến buôn bán mạng gia tăng song đằng sau đó là hệ quả như hàng giả, hàng phẩm chất kém và lừa đảo. Vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ TT&TT ra sao?
Dân mua phải hàng giả, trách nhiệm Bộ Công Thương, Bộ TT&TT ở đâu?
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng tại Quốc hội sáng ngày 26/5, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra các vấn đề khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng hiện nay đang khá mờ nhạt, mông lung so với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, đặc biệt là buôn bán trên môi trường mạng xã hội.
Đại biểu Tô Văn Tám đoàn Kon Tum thông tin, hiện có những hành vi sử dụng mạng xã hội quảng cáo, giả mạo, đánh lừa người tiêu dùng, lập trang web giả mạo thương hiệu người tiêu dùng, đánh lừa người tiêu dùng, dùng web giả mạo cả bác sĩ tên tuổi khám bệnh và mua sản phẩm y tế, tư vấn mua thuốc giả qua mạng.
"Giữa bủa vây tin giả, nhiều người tiền mất, tật mang vì quảng cáo giả mạo do chót mua hàng. Mặc dù luật quy định người tiêu dùng bảo vệ quy định quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng cần chọn lựa sản phẩm, tiêu dùng bền vững, nhưng đứng trước thực trạng các thông tin ấy thì trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?", ông Tám nhấn mạnh.
Theo ông Tám, "câu hỏi là trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu khi người dân mua phải những loại hàng hoá như vậy?".
Đại biểu Tám cho rằng: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành có liên quan, không chỉ tuyên truyền cung cấp thông tin cho người tiêu dùng mà còn có trách nhiệm, ngăn chặn, loại trừ thông tin sai lệch, mạo danh trên mạng xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ.
Theo đại biểu Quốc hội Tám, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần quy định rõ hành vi cấm như ép buộc, đe doạ sử dụng bạo lực hoặc dùng bạo lực trong các giao dịch dân sự, ép buộc giao dịch dân sự.
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) yêu cầu cơ quan soạn thảo cân nhắc điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Băn khoăn áp dụng thủ tục rút gọn để bảo vệ người tiêu dùng
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị Ban soạn thảo đề nghị bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo đại biểu Lê Xuân Thân, mục tiêu đặt ra của dự án Luật này bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại… Theo ông Cảnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật.
Theo đại biểu Cảnh, hiện hai luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất. Tại các nước văn minh phương Tây, họ rất tôn trọng quyền cá nhân. Tại nước Nhật, họ xem việc không làm phiền toái đến người khác như một nét văn hóa đặc trưng.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết hiện có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn.
Khi khiếu kiện các vụ giao dịch dưới 100 triệu đồng sẽ được làm rút gọn
Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định điều kiện giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn được kế thừa từ Luật BVQLNTD hiện hành, bảo đảm phù hợp thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo tính khả thi. Điều kiện "giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng" nhằm nhấn mạnh vào yếu tố đặc thù trong các vụ án tiêu dùng để làm căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn trong lĩnh vực BVQLNTD.
Để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể khoản 2 Điều 70 được chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về BVQLNTD được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.
Thảo luận về vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến giao dịch dưới 100 triệu đồng có thể áp dụng quy định rút gọn khi tranh chấp, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (đoàn Bắc Giang) đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ người tiêu dùng.
Đại biểu Bình nhấn mạnh, quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD liên quan đến Điều 37 của Bộ luật Dân sự, trong đó có nêu về thủ tục rút gọn: "Nếu tất cả các vụ án dân sự liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng thỏa mãn Điều 37 thì được áp dụng thủ tục rút gọn".
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự, mở đường cho các luật khác quy định có thể áp dụng thủ tục rút gọn thì trình tự, thủ tục rút gọn theo Bộ luật Dân sự. Và Bộ luật Dân sự không cấm các luật khác quy định trình tự, thủ tục rút gọn và mở đường cho các luật khác có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ việc được nhanh chóng.
Đại biểu Nguyễn Hòa Bình đồng tình với ý kiến của các ĐBQH đã nêu trước, trong đó quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật là hạn chế quyền lợi người dùng.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm thế giới, đối với các vụ án có quy mô nhỏ như tại Đức, các vụ án tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vì chi phí cho việc giải quyết vụ án có quy mô nhỏ này sẽ lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp (1.000 - 2.000 Euro).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.