Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: Xã đòi quyền lợi, người dân ngao ngán (Bài 2)

Nhóm PV Thứ ba, ngày 23/03/2021 06:31 AM (GMT+7)
Dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng, 10 năm vẫn dở dang đã gây nhiều hệ lụy đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân ở các nơi có dự án đi qua. Đã nhiều lần, chính quyền các xã ở huyện Ba Vì phải phát công văn "đòi" quyền lợi đến chủ đầu tư.
Bình luận 0

Xã gửi công văn "đòi" quyền lợi, Sở NNPTNT Hà Nội... im lặng

Gặp phóng viên Dân Việt, khi nghe hỏi về dự án, Bà Hoa- người dân nơi có con sông Tích chảy qua thoáng chút bất ngờ vì lâu lắm mới có người hỏi đến dự án tưởng chừng đã bị lãng quên này. Không giấu nổi vẻ thất vọng, bà Hoa cho hay: "Ngày dự án cải tạo sông Tích khởi công, người dân nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì rất phấn khởi trước ý nghĩa lớn lao của dự án".

Nhưng, kỳ vọng bao nhiêu thì người dân nơi đây lại thất vọng bấy nhiêu. Bởi đã chục năm từ khi dự án khởi động đến nay sông Tích vẫn "đóng băng", chưa biết ngày hoàn thành. Lợi chưa thấy đâu, nhưng người dân nhiều xã nơi con sông Tích chảy qua đã phải gánh những bất cập của dự án mang lại. Thi công bụi bặm, đường xuống cấp, hoa màu bị thiệt hại... khiến người dân ngao ngán.

Ông Nguyễn Đạo Quang- Chủ tịch UBND xã Sơn Đà cho biết: "Từ xa xưa, tuyến tỉnh lộ 413 (tỉnh lộ 88 cũ) đã là tuyến đường huyết mạch của xã Sơn Đà phục vụ nhu cầu đi lại, kết nối giao thương người dân trong xã với các xã trong vùng. Nhưng, khi dự án cải tạo sông Tích triển khai đã khiến tuyến tỉnh lộ 413 xuống cấp, sạt lún nghiêm trọng".

Theo ông Đạo, từ năm 2012 đến nay các xe tải chở đất phục vụ dự án sông Tích "quần thảo" ngày đêm, khiến nhiều đoạn  tỉnh lộ 413 hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, khiến người dân không khỏi bức xúc…

Đại dự án sông Tích chậm tiến độ (bài 2): Chủ tịch xã phát công văn “đòi” quyền lợi, chủ đầu tư nói gì? - Ảnh 1.

Công văn xã Sơn Đà gửi Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị đơn vị sửa lại đường giao thông cho người dân.

Đời sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn vì dự án

Để hạn chế tình trạng này, hàng năm xã Sơn Đà đã huy động nhiều nguồn lực để tu bổ, sửa chữa tạm để người dân trong xã đi lại nhưng đó cũng chỉ là hình thức tạm thời. Ông Quang lo lắng, khi mùa mưa bão sắp đến, tuyến đường xuống cấp sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. 

Đại dự án sông Tích chậm tiến độ (bài 2): Chủ tịch xã phát công văn “đòi” quyền lợi, chủ đầu tư nói gì? - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Đạo Quang- Chủ tịch UBND xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội từ khi triển khai dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích, tuyến tỉnh lộ 413 bị xuống cấp trầm trọng. UBND xã Sơn Đà đã gửi công văn đề nghị Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn sửa lại đường. Nhưng đến nay vẫn không nhận được hồi âm.

Ông Quang đã nhiều lần làm công văn gửi Sở NNPTNT Hà Nội, Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng nhiều ban, ngành đề nghị những đơn vị này sớm có giải pháp đầu tư, sửa chữa tuyến đường để người dân đi lại được thuận tiện. Nhưng phát hết văn bản nọ đến văn bản kia, con đường "đau khổ" của xã ông cũng chẳng được giải quyết.

"Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn cho phía chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời…", ông Quang nói.

Cách đó không xa, xã Cẩm Lĩnh cũng chịu hàng loạt những bất cập mà dự án cải tạo sông Tích mang lại. Theo ông Trần Văn Khánh- Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, khi dự án cải tạo sông Tích triển khai người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Dự án triển khai lộ nhiều bất cập khi Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đặt các phai tiêu thoát nước không hợp lý, gây ngập úng ruộng lúa của người dân.

Đại dự án sông Tích chậm tiến độ (bài 2): Chủ tịch xã phát công văn “đòi” quyền lợi, chủ đầu tư nói gì? - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Lính Trần Văn Khánh cho biết đã gửi nhiều công văn lên Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị chi trả tiền bồi thường thiệt hại lúa cho người dân, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Chủ tịch xã Cẩm Lĩnh cung cấp

Năm 2019, người dân hai thôn Bằng Tạ và thôn Vô Khuy của xã Cẩm Lĩnh mới cấy lúa xong được một thời gian thì họ đã bị một cú sốc tinh thần lớn, khi hàng chục ha lúa bị ngập úng hư hại. Ngay sau đó, vụ việc đã được xã Cẩm Lĩnh làm rõ. Nguyên nhân khiến gần 40ha lúa bị hư hỏng là do Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đặt một số cống phai tiêu nước khi thi công dự án không hợp lý, gây ngập úng. 

Để vớt vát cho người dân, UBND xã Cẩm Lĩnh đã lập đoàn kiểm tra, rà soát diện tích lúa bị chết gửi danh sách lên Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở NNPTNT Hà Nội, UBND TP Hà Nội đề nghị chi trả tiền bồi thường cho diện tích 39,6ha đất lúa hư hỏng với số tiền trên 809 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở NN&PTNT Hà Nội có động thái nào.

"Sau khi đo diện tích đất lúa 2 thôn Bằng Tạ và Vô Khuy, UBND xã đã điều chỉnh danh sách chi tiết từng hộ, diện tích sau niêm yết là 39,6ha tổng kinh phí đề nghị là 809 triệu đồng. UBND xã Cẩm Lĩnh đã nhiều lần gửi công văn cho Ban Duy tu nhưng đến nay sự việc vẫn rơi vào im lặng", ông Khánh nói.

Cũng theo ông Khánh, nhiều điểm đầu cầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh gây hỏng hóc, nhưng chưa có phương án cải tạo lại, khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Chủ đầu tư nói gì?

Liên quan đến vấn đề ngập úng hư hại lúa của người dân xã Cẩm Lĩnh, ông Đinh Công Sơn- Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, năm 2009 trước khi thi công các cống phai đơn vị đã phối hợp với từng xã đi rà soát từng vị trí, từng cống một, các bên đã thống nhất với nhau, có biên bản kèm theo. 

"Thời gian Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh làm cống phai, cũng là lúc xã Cẩm Lĩnh thực hiện dồn điền đổi thửa. Việc dồn điền đổi thửa làm thay đổi hiện trạng ban đầu. Đáng ra địa phương phải bám theo thiết kế ban đầu, nhưng đằng này lại làm lệch đi nên xảy ra sự việc nước không tiêu thoát gây ngập lúa"- ông Sơn giải thích.

Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dang dở: Xã đòi quyền lợi, người dân nao ngán (Bài 3)   - Ảnh 6.

Ông Đinh Công Sơn- Giám đốc Ban duy tu các công trình nông nghiệp và PTNT Hà Nội.

Sau khi sự việc xảy ra,  Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cùng xã Cẩm Lĩnh rà soát diện tích đất lúa ảnh hưởng, thế nhưng rà soát xong xã Cẩm Lĩnh lại ký khống khối lượng lên, khiến việc bồi thường đến nay chưa được thống nhất.

"Chúng tôi đã đi rà soát cùng xã diện tích lúa bị ảnh hưởng, nhưng rà soát xong bên dưới cứ ký khống khối lượng lên.Tôi đã yêu cầu xã rà soát lại nhưng xã không nghe. Xã yêu cầu trả hơn 809 triệu đồng, nhưng thực tế qua rà soát, thiệt hại chỉ là 600 triệu đồng. Có những diện tích không cấy cứ thống kê vào đó, làm sao bên thi công bồi thường được", ông Sơn cho biết.

Lý giải cho việc Chủ tịch UBND xã Sơn Đà gửi công văn đề nghị sửa chữa tuyến tỉnh lộ 413, ông Sơn giải thích: "Không thể bắt chúng tôi hoàn trả đường được, bởi ngày xưa có một số ổ gà, đã được bên chủ đầu tư cho san lấp hết rồi. Thực tế, chúng tôi đã cho lu lèn lại đường rồi, bây giờ yêu cầu đổ đường nhựa làm sao được, phải do bên duy tu đường bộ làm".

*Đón đọc bài 4 sẽ xuất bản lúc 13 giờ 00 ngày 23 tháng 3 năm 2021 trên Báo điện tử Dân Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem