Đầu tư công: Coi ngân sách là tiền chùa !

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 29/10/2018 16:11 PM (GMT+7)
“Phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vẫn còn rất thấp. Trên thực tế vẫn còn nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hay có giá trị sử dụng không cao như tượng đài hay quảng trường vẫn đang được xây dựng”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói.
Bình luận 0

Tốn 6 đồng đầu tư đổi 1 đồng tăng trưởng

Sáng 29.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

img

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): "Phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng"

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, nhìn vào thực trạng nền tài chính quốc gia hiện nay, có 2 vấn đề cơ bản cần đặc biệt quan tâm. Thứ nhất là vấn đề cân đối ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn. Thứ hai là vấn đề hiệu quả đầu tư công.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho rằng, về tổng thể, sự lo lắng của chúng ta về vấn đề cân đối ngân sách nhà nước cho đến nay đã không còn lớn như vài năm trước. Nhưng ở tầm trung và dài hạn chúng ta vẫn chưa thể yên tâm.

Nhằm đạt được cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu, vẫn phải kiên quyết cắt giảm bộ máy nhà nước về mức hợp lý. Để từ đó có thể giảm được chi thường xuyên xuống còn khoảng dưới 50% theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội.

“Về vấn đề hiệu quả đầu tư, đây là vấn đề chúng ta còn lo lắng hơn. Đầu tư kém hiệu quả là vấn đề tồn tại dai dẳng trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Mặc dù báo cáo của Chính phủ có nêu hệ số ICOR đã giảm từ 636% của giai đoạn 2011 - 2014 xuống còn 6,11% cho giai đoạn 2015 - 2017, nhưng mức giảm như vậy không đáng kể.

Việc phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vẫn còn rất thấp. Trên thực tế vẫn còn nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hay có giá trị sử dụng không cao như tượng đài hay quảng trường vẫn đang được xây dựng”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Theo ông Lộc, chúng ta vẫn phân bổ nguồn vốn đầu tư theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành chứ chưa dựa trên cơ sở hiệu quả tổng thể của nền kinh tế quốc dân.

Ông Vũ Tiến Lộc phân tích: “Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, vẫn còn phổ biến. Số lượng các dự án đầu tư còn đội vốn, bị chậm tiến độ có thể kể ra không biết bao nhiêu. Trong các nguyên nhân có cả việc chính quyền không đủ vốn đối ứng, thậm chí không có tiền để trả nợ đọng cho các doanh nghiệp đã ứng tiền để xây dựng dự án trước đó, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, khó khăn”.

Từ đây, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị, cần ưu tiên trả nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới để giải quyết sớm tình trạng này. Đầu tư kém hiệu quả và lãng phí còn thể hiện ở vô số các dự án không đảm bảo chất lượng, vừa hoàn thành xong đã phải sửa chữa.

Ví dụ, gần đây nhất là dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với trị giá đến 34.000 tỷ đồng. Đây là sự lãng phí lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn nhưng chưa được tổng kết, quy đổi ra những tác động tiêu cực đến GDP.

Để thúc đẩy xu hướng này, ông Lộc cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành luật về đối tác công tư. Xây dựng quan hệ về đối tác công tư minh bạch, hài hòa, hiệu quả thì sẽ là lời giải quan trọng bậc nhất trong việc huy động không chỉ nguồn lực tài chính mà còn cả trí tuệ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước của toàn dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời gian tới.

Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa

Phát biểu ngay sau ĐBQH Vũ Tiến Lộc, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chỉ ra khá nhiều nghịch lý khiến cho NSNN khó bền vững.

img

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): "Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa"

Đó là tốc độ tăng chi cân đối NSNN trung bình lớn hơn tốc độ tăng thu cân đối NSNN trung bình. Hay tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn thu thường xuyên. “Chi thường xuyên tăng trong lúc chi đầu tư giảm. Do vậy Chính phủ cần làm rõ những tồn tại chính trong cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, làm rõ nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách do đâu. Tại sao những bất cập trong chi tiêu công đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục và vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao? Đây là một trong những nguyên nhân gây thâm hụt ngân sách nhà nước”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề.

Sau đó, bà Hoa tiếp tục chia sẻ: “Tôi muốn nhấn mạnh thêm một nguyên nhân nữa mà cử tri và các đại biểu quan tâm, rất bức xúc, đó chính là chúng ta đã sử dụng ngân sách một cách lãng phí. Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức chẳng hạn như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỉ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh”.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện đang có vấn đề. Chủ yếu đang đánh giá dựa trên tỷ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì thực ra chỉ là cắt giảm hoạt động một cách cơ học. Trong khi, lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào.

Từ thực tiễn đó, bà Hoa đề nghị, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi gắn với cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, tôi đề nghị phải tuân thủ triệt để khung kế hoạch tài chính ngân sách tương ứng để bảo đảm kiểm soát chi đầu tư công trong giới hạn cho phép. giải quyết dứt điểm nguồn ứng trước ngân sách của các ngành, các cấp để hạn chế nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Thực hiện đúng ngân sách từng cấp, ngân sách trung ương không làm thay ngân sách địa phương và ngược lại. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, nguồn ngân sách nào của trung ương thì Quốc hội phân bổ và giám sát, nguồn ngân sách nào của địa phương thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm phân bổ cũng như giám sát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem