Đề xuất làm rõ quy định "cấm ép học thêm" trong dự thảo Luật Nhà giáo
Đề xuất làm rõ quy định "cấm ép học thêm" trong dự thảo Luật Nhà giáo
Quỳnh Nguyễn
Thứ sáu, ngày 07/02/2025 11:18 AM (GMT+7)
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần quy định rõ hơn, cấm ép buộc người học học thêm dưới mọi hình thức. Và nếu có học thêm tự nguyện thì cũng không được thu tiền.
Sáng 7/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự thảo luật quy định thêm 5 hành vi giáo viên không được làm bên cạnh những quy định như viên chức khác. Trong đó, nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Cùng đó, nhà giáo không được ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhà giáo cũng không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; đồng lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Media Quốc hội
Góp ý nội dung này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị liên quan quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm cần quy định rõ hơn nữa. Cụ thể là quy định rõ giáo viên không được thu tiền từ hoạt động dạy thêm như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm ban hành gần đây.
Bà Hải phân tích, với quy định không được ép buộc người học tham gia học thêm thì có nghĩa nếu học sinh tự nguyện học thêm thì vẫn được phép. Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, quy định này đang dẫn đến tình trạng ép buộc học thêm "trá hình" bằng hình thức viết đơn "tự nguyện học thêm" của phụ huynh.
"Việc xác định ép buộc hay không ép buộc rất là khó. Không ép buộc thì có đơn tự nguyện học thêm và phụ huynh cũng phải viết cái đơn tự nguyện đấy. Học sinh nhỏ có thể không muốn đi học đâu, nhưng nếu không đi học thì lại bị phân biệt đối xử", bà Hải nói.
Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn nội dung cấm ép buộc người học học thêm dưới mọi hình thức, nếu học thêm tự nguyện thì không được thu tiền.
Trưởng ban Công tác đại biểu nói thêm, việc giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa rất tốt vì giáo viên nắm được chất lượng của học sinh, bồi dưỡng học sinh kém hơn để tiến bộ đồng đều với các bạn. Nếu học sinh muốn học nâng cao hơn nữa thì có thể ra trung tâm đăng ký học. Giáo viên cũng có thể ra đăng ký dạy ở các trung tâm để thực hiện các nghĩa vụ tài chính, thuế. Người học cũng có thể lựa chọn bình đẳng mà không sợ phân biệt đối xử.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Media Quốc hội
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, song cho rằng, các quy định chi tiết thì để cho quy định dưới luật.
"Chẳng hạn dạy thêm, học thêm có cả một thông tư chỉ cho một việc ấy thôi. Nếu đưa thêm vào chi tiết nữa thì khó bao quát hết được", ông Sơn nói.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, cập nhật các quy định pháp luật đang được sửa đổi, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.