Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)

Khương Lực- Minh Ngọc Thứ hai, ngày 29/07/2024 06:00 AM (GMT+7)
Khi đất nông nghiệp bị thu hẹp nhường chỗ cho các khu, cụm công nghiệp mọc lên, người nông dân cũng nhanh chóng thích nghi trở thành những công nhân năng động hoặc chuyển sang kinh doanh, thương mại - dịch vụ. Cũng nhờ sự nhạy bén ấy, họ "ly nông" nhưng không "ly hương", vẫn ở lại làng quê và làm giàu trên chính mảnh đất cha ông mình.
Bình luận 0

LTS: Nông thôn Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều thay đổi rõ nét, đặc biệt là chuyển sang phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Nghị quyết Đại hội XIII cũng nêu rõ mục tiêu phát triển "tam nông" hiện nay theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định quan điểm: Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay cả nước đã có đến hơn 78% số xã đạt đủ tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 2.113 xã nông thôn mới nâng cao, và ở nhiều địa phương đang đặt ra mục tiêu trở thành những "làng quê đáng sống". Những làng quê đáng sống không đơn thuần là đường sá khang trang, sạch đẹp hay những ngôi nhà cao tầng hiện đại, những tiêu chí chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... mà đáng sống đúng nghĩa, vừa mang chất nông thôn, nhưng cũng vừa mang chất hiện đại của đô thị với môi trường sống trong lành, tiện nghi.

Dân Việt xin khởi đăng loạt bài "Đi tìm những làng quê đáng sống", ghi lại những câu chuyện, cách làm hay của nông dân trong hành trình xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại ở nhiều địa phương, vẽ lên một bức tranh về nông thôn Việt Nam tươi đẹp, giàu sức sống, giữ vững bản sắc văn hóa, hồn cốt, truyền thống của mỗi làng quê.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 1.

Trung tâm hành chính của Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Báo Bắc Giang

Clip: Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng chia sẻ về quá trình phát triển, đóng góp của các cụm, khu công nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị xã. Thực hiện: Minh Ngọc

"Ly nông bất ly hương" là chiến lược đã được Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhiều năm qua và thực tế chứng minh đây là chiến lược đúng đắn, đang dần trở thành xu hướng của làng quê Việt Nam. "Ly nông bất ly hương" có thể hiểu là sự chuyển dịch ngành nghề để người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp (công nghiệp, du lịch, dịch vụ). Theo đó người dân hoàn toàn có thể nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp ngay tại quê hương, hạn chế tình trạng di cư về các đô thị lớn, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn.

Buông tay cuốc, tay cày vào nhà máy làm việc nhưng vẫn được ở lại quê hương

Một sáng đầu tuần cuối tháng 7, chị Nguyễn Thị Bình lặng lẽ hòa vào dòng người chờ chuyến xe trở về nhà ở huyện Yên Thế (Bắc Giang). Đeo khẩu trang kín mít, vận trên mình chiếc áo đồng phục màu xanh dương in logo công ty, người phụ nữ 40 tuổi không hề lộ vẻ mệt mỏi sau 8 tiếng làm ca đêm. So với những ngày mùa vất vả cực nhọc trước đây, việc "ca kíp" với chị Bình dường như "chẳng thấm vào đâu".

Nhớ lại những ngày chưa xa, chị Bình chia sẻ: "Trước nhà tôi có vài sào ruộng, đến mùa thu hoạch cũng chỉ đủ thóc ăn, tiết kiệm được vài đồng đong gạo, nhưng bỏ thì tiếc, làm thì mệt. Cách đây hơn 1 năm, tôi nghe theo mấy người bạn cùng xã nộp hồ sơ đi làm công nhân và may mắn được nhận, từ đó cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều".

Vốn quen với ruộng đồng cấy hái, ban đầu chị Bình không khỏi bỡ ngỡ với công việc mới khi chưa hề có kinh nghiệm cũng như không được đào tạo về lắp ráp linh kiện điện tử. Thế nhưng may mắn ở chỗ công việc theo quy trình, ở khâu của chị Bình chỉ cần chịu khó để ý và thao tác nhanh nhẹn là có thể hoàn thành. Thế là từ tay cày tay cuốc, chỉ chuyển sang cầm tuốc-nơ-vít thuần thục.

Mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng mà chị Bình nhận được tuy không cao, nhưng với chị nhờ những đồng lương ổn định này mà vợ chồng lo được cho 2 con ăn học, thậm chí nếu tăng ca, mức lương có thể tăng hơn 10 triệu đồng/tháng. "Mức thu nhập này đủ cho gia đình tôi sinh hoạt và nếu khéo chi tiêu vẫn có thể dành dụm tiết kiệm. Bởi, hết ca làm mình vẫn về ở nhà mình, không phải đi thuê trọ nếu lên hẳn thành phố làm"- chị Bình chia sẻ.

Không chỉ thu nhập ổn định, chị Bình còn có thời gian nhiều hơn dành cho gia đình. Dù đi làm xa nhà nhưng có xe tuyến của công ty hỗ trợ nên chị đi về đúng giờ. Hết giờ làm, chị vẫn vào bếp nấu nướng, lo từng bữa ăn giấc ngủ cho chồng con. Chị Bình vui vẻ nói: "Cứ cuối ngày cả nhà được quây quần bên nhau, cùng ăn cơm, cùng trò chuyện, hỏi han việc học hành của con cái. Với tôi chẳng hạnh phúc nào bằng. Chứ như trước đây, nhiều vợ chồng phải vào Nam làm công nhân, con cái để lại cho ông bà chăm sóc, thiệt thòi cho cả bố mẹ và các con".

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 2.

Nhóm công nhân được công ty đưa trở về nhà ở huyện Yên Thế sau 8 tiếng làm ca đêm. Ảnh: Minh Ngọc

Trên chuyến xe đưa Bình trở về nhà có gần 10 người đều quê ở Yên Thế. Họ đa phần là những người trẻ, hoặc vừa tốt nghiệp cấp 3, hoặc là những nông dân trước đây làm ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", thông qua người này người kia, họ truyền tai nhau, tạo thành một nhóm rồi cùng nhau nộp hồ sơ xin đi làm công nhân với mong ước tìm được một công việc mới với nguồn thu nhập ổn định.

6 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước về thu hút nguồn vốn FDI, cấp mới 34 dự án. Còn đối với Bắc Ninh GRDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 2,32%, đứng thứ 3 cả nước về thu hút FDI, cấp mới 202 dự án.

Cũng lựa chọn "ly nông" nhưng vợ chồng anh Hoắc Công Hướng (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thu Trang (33 tuổi) ở thôn Trung Đồng, phường Vân Trung, thị xã Việt Yên (Bắc Giang), còn có thu nhập "kép" khi anh thì mở quán nước, còn chị vào làm công nhân cho một công ty nước ngoài với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

"Chẳng đi đâu sướng bằng làm ở gần nhà, được gần gũi gia đình, vợ con nhà báo ạ" - anh Hướng chia sẻ - "Cũng kể thật với nhà báo, trước 2 vợ chồng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan có chút vốn liếng nhưng xa bố mẹ, xa các con. Giờ chúng nó lớn, vợ chồng tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho các con nên quyết định trở về lập nghiệp".

Hiện, mỗi ngày quán nước của anh túc tắc bán cho công nhân cũng được hơn 200.000 đồng, cộng với mức lương của vợ sau khi trừ chi tiêu hai người cũng "dắt lưng" được chút ít để làm vốn và phòng lúc ốm đau.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 3.

Hai bên đường của thôn Trung Đồng, phường Vân Trung, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) được người dân kinh doanh nhà hàng ăn uống, bán quần áo, điện thoại và nhiều dịch vụ tiện ích khác. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Hà Minh Quý - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang đánh giá, hiện nay khu vực nông thôn và nông dân của Bắc Giang đã khác trước rất nhiều. Ở Bắc Giang, nguồn lao động trẻ dồi dào, nhiều người vào làm tại các khu công nghiệp. "Ly nông không ly hương", người dân nơi đây sáng có xe đưa đến nhà máy, làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, chiều có xe đón về, vừa có việc làm ổn định vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Vì thế, đời sống ở khu vực nông thôn thay đổi rất nhanh.

"Nông dân bây giờ đi làm công nghiệp không cần phải dồn xuống thành phố nữa. Ở quê nhưng vẫn tiếp cận được với các dịch vụ thương mại, chất lượng cuộc sống nâng cao, không khí lại trong lành, chẳng lo cảnh tắc đường như ở thành phố. Trong tương lai, Bắc Giang sẽ tiếp tục phát triển đô thị mới, trong đó có cả những "đô thị nông thôn", đưa "phố về làng", hình thành những vùng quê đáng sống" - ông Quý nhấn mạnh.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 4.

Con đường dẫn vào thôn Trung Đồng, phường Vân Trung, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) được trải bê tông phẳng lì. Ảnh: Minh Ngọc

Hiện tại, Bắc Giang có 9 KCN với tổng diện tích quy hoạch 2.238,7 ha và 55 cụm công nghiệp. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh, các KCN và cụm công nghiệp còn kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ khác, cơ cấu kinh tế của Bắc Giang dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

6 tháng đầu năm 2024, quy mô GRDP của Bắc Giang đạt trên 96.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, cụ thể: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 65,34%, tăng 2,12% so với cùng kỳ; dịch vụ chiếm 19,23%, giảm 0,76%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,64%, giảm 1,27%.

Làng lên phố và mục tiêu "điểm đến hạnh phúc"

Clip: Ông Lê Nguyên Hà, Chủ tịch UBND phường Phù Chẩn, TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết, từ khi có khu công nghiệp, đời sống, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao. Thực hiện: Minh Ngọc - Trịnh Công Duy

Hồi tưởng lại thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, ông Võ Quang Buổi (70 tuổi), thôn Trung Đồng, phường Vân Trung, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) không nghĩ địa phương mình lại có cơ hội bứt phá, phát triển nhanh đến vậy. Vào thời điểm đó, ông đang làm "cai" xây dựng, bà con trong thôn, xóm lúc nông nhàn muốn đi thợ xây, phụ hồ phải xếp hàng, chờ ông gật đầu nhận mới có việc. Những người làm nghề cùng thời đó với ông sau này đều phát triển thành những đơn vị xây dựng có tiếng ở địa phương.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi chóng vánh kể từ khi KCN Vân Trung – nằm cách nhà ông không xa đi vào hoạt động. Từ một xã thuần nông, sau 16 năm, Vân Trung đã chuyển mình mạnh mẽ, "làng lên phố" kéo theo nhịp sống sầm uất nhộn nhịp suốt sáng tới đêm. Những ngôi nhà cao tầng bề thế mọc lên như nấm, đường giao thông được trải nhựa, bê tông phẳng lì tấp nập người qua lại, hai bên là đủ dịch vụ từ cửa hàng bán quần áo, điện thoại đến nhà hàng, spa chăm sóc sắc đẹp… chẳng thiếu thứ gì.

Lao động từ các nơi đổ về càng ngày càng đông. Nhận thấy cơ hội kinh doanh mới, với chút vốn liếng dành dụm và biết nghề xây dựng, gia đình ông Buổi đã xây dựng dãy nhà trọ khủng, với 100 phòng cho hàng trăm công nhân thuê trọ. Ngồi bên chén trà ấm, ông Buổi nhẩm tính sơ sơ, mỗi tháng bỏ túi khoảng 70 triệu đồng. Thấy hiệu quả, 4 người con của ông cũng đầu tư xây nhà trọ cho công nhân thuê, người nhiều thì 100 phòng, người ít cũng vài chục phòng.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 5.

Ông Võ Quang Buổi (70 tuổi), thôn Trung Đồng, phường Vân Trung, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) hiện đang có 100 phòng cho thuê trọ, mỗi tháng ông "bỏ túi" 70 triệu đồng. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Nguyễn Đại Lượng – Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên (Bắc Giang) cho biết, trên địa bàn có tới 400 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có có những doanh nghiệp đầu tư rất lớn. "Hiện nay, thường xuyên có 100.000 công nhân tạm trú trên địa bàn. Xung quanh các KCN đều phát triển từ xã trở thành phường, điều kiện sống của người dân đã được nâng lên đáng kể về mọi mặt" – ông Lượng cho hay .

Là địa bàn trọng điểm, đầu tàu kinh tế của tỉnh Bắc Giang, thị xã Việt Yên có 4 KCN gồm: KCN Quang Châu, KCN Vân Trung, KCN Đình Trám, KCN Việt Hàn và quy hoạch đến năm 2030 Việt Yên sẽ có tổng số 11 KCN. Giá trị sản xuất KCN ở Việt Yên chiếm tới 75% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Hiện nay cơ cấu công nghiệp trên địa bàn đã chiếm tới 98%. Trong nhiều năm nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của Việt Yên đều đạt từ khoảng 25-30%, thậm chí có năm trên 30%; cứ với đà này trong vòng 4 năm tới quy mô nền kinh tế Việt Yên sẽ tăng gấp đôi" – ông Lượng thông tin.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 6.

Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng. Ảnh: Minh Ngọc

Đề cập tới việc xây dựng "làng quê đáng sống", Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên Nguyễn Đại Lượng chia sẻ: "Chúng tôi có mục tiêu xuyên suốt không chỉ xây dựng những vùng quê đáng sống mà xây dựng Việt Yên thành điểm đến hạnh phúc, là nơi mỗi người dân Việt Yên ngày càng có cuộc sống hiện đaị, văn minh, cảm thấy hạnh phúc hơn và những người đến đây làm việc đầu tư, kinh doanh sẽ được hưởng thụ những giá trị đích thực của hạnh phúc".

Cùng với định hướng phát triển công nghiệp là chủ đạo, lãnh đạo thị xã Việt Yên cũng bật mí khi đang ấp ủ, xây dựng đề án quy hoạch khoảng 6.000ha đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, địa phương sẽ đưa lao động đi sang Hàn Quốc, Nhật Bản học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về làm nông nghiệp an toàn, đạt hiệu quả cao. "Đây sẽ là cơ hội để tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những lao động lớn tuổi ở địa phương", ông Lượng chia sẻ.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 7.

Hiện nay, thị xã Việt Yên có 4 KCN gồm: KCN Quang Châu, KCN Vân Trung, KCN Đình Trám, KCN Việt Hàn và quy hoạch đến năm 2030 Việt Yên sẽ có tổng số 11 KCN.

Thu 30- 50 triệu đồng/tháng nhờ dịch vụ phòng cho thuê trọ, nhưng vẫn duy trì đời sống đậm chất quê

Rời thị xã Việt Yên, chúng tôi ngược về phường Phù Chẩn (TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để chứng kiến sự thay đổi đến chóng mặt ở nơi đây. Sau 17 năm từ khi KCN VSIP Bắc Ninh được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân Phù Chẩn - từ một xã thuần nông, người nông dân đã bước lên trở thành những ông chủ, bà chủ đúng nghĩa.

Ông Lê Nguyên Hà - Chủ tịch UBND phường Phù Chẩn cho biết, sau khi hàng trăm héc ta đất nông nghiệp dành cho phát triển KCN, đô thị và các hạ tầng thiết yếu... diện tích đất nông nghiệp ở Phù Chẩn còn rất ít, khoảng 11ha. Sau 3 năm từ xã lên phường, Phù Chẩn chuyển mình với diện mạo của đô thị phát triển. Với lợi thế gần trung tâm thành phố Từ Sơn và nằm kề khu công nghiệp VSIP, Phù Chẩn đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Hiện, toàn phường có gần 1.000 hộ đầu tư xây dựng hơn 6.000 phòng trọ cho hơn 9.000 công nhân thuê.

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 8.

Người dân phường Phù Chẩn, TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) thu nhập bình quân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng nhờ kinh doanh nhà trọ, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, may mặc, kinh doanh tạp hóa, dịch vụ ăn uống, vận tải…Ảnh: Minh Ngọc

Bà Nguyễn Thị Huệ, khu phố Rích Gạo phấn khởi nói: "Thực hiện chủ trương khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ của địa phương, nhận thấy tiềm năng từ dịch vụ nhà trọ, gia đình tôi xây dựng 45 phòng trọ cho công nhân thuê. Bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 30 triệu đồng".

Cùng với phát triển kinh doanh nhà trọ, nhiều hộ dân sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, may mặc, kinh doanh tạp hóa, dịch vụ ăn uống, vận tải… Toàn phường có hơn 2.200 cơ sở sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ hằng năm đạt 550 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,1%. Đời sống nhân dân được nâng cao với thu nhập bình quân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Kinhh tế phát triển, cùng với xây dựng đô thị văn minh, Phù Chẩn vẫn chú trọng giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng Gia đình văn hóa, Khu phố văn hóa. Ông Nguyễn Phương Khoa, Bí thư Chi bộ khu phố Doi Sóc cho biết, ở Phù Chẩn có 3 đến 4 thế hệ cùng chung sống nhưng luôn duy trì nền nếp gia phong. Các gia đình chú trọng giáo dục con cháu lòng hiếu thảo, nhân cách, đạo đức làm người, thực hiện tốt hương ước khu phố văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn minh. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các khu phố thu hút đông đảo người dân tham gia, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Câu lạc bộ dưỡng sinh, khiêu vũ, quan họ, dân vũ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông… thu hút hàng trăm hội viên sinh hoạt."

Thành lập 150 câu lạc bộ "ly nông bất ly hương" ở Bắc Giang

Một sáng kiến rất hay ở Bắc Giang, đó là câu lạc bộ “ly nông bất ly hương” do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bắc Giang thành lập năm 2013, Câu lạc bộ đã được nhân rộng ra tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, với hơn 150 câu lạc bộ, trên 7.500 thanh niên, công nhân tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bắc Giang Hoàng Văn Quân, Câu lạc bộ thanh niên “ly nông bất ly hương” là nơi tập hợp hội viên thanh niên sinh sống, làm việc tại địa phương hoặc công nhân làm việc ở một số doanh nghiệp nhưng không thay đổi nơi cư trú. Ngoài tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho thanh niên, thành viên câu lạc bộ còn thăm hỏi, động viên lúc ốm đau; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế; đổi công vào mùa thu hoạch nông sản...

"Mô hình Câu lạc bộ thanh niên "ly nông bất ly hương" đã làm phong phú thêm hoạt động đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Từ đó, các câu lạc bộ thanh niên này góp phần tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng hành trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tổ chức các sân chơi cho tuổi trẻ", ông Hoàng Văn Quân chia sẻ.

(còn nữa)

Đi tìm những làng quê đáng sống: Công nghiệp về làng, nông dân thành "ông chủ" (Bài 1)- Ảnh 9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem