Xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau trong năm 2022 dịch Covid-19 hoành hành đạt bao nhiêu tỷ đô la?
Dịch Covid-19 hoành hành như thế, loài thủy sản nào vẫn "nhảy tanh tách" mang về cho tỉnh Cà Mau hơn 1 tỷ đô?
Chúc Ly - Ngọc Quyên
Chủ nhật, ngày 09/01/2022 05:46 AM (GMT+7)
Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng trong năm 2021 ngành tôm Cà Mau đã có bước tiến đáng kể. Đặc biệt giá trị xuất khẩu đạt khá cao, đạt hơn 1 tỷ USD.
Cận Tết Nguyên đán là thời điểm bà con ở huyện Thới Bình, Cà Mau tất bật thu hoạch tôm càng xanh. Những ngày này, đi đến các vùng nông thôn của huyện này, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh nhộn nhịp bắt tôm, bán tôm.
Do tác động của dịch Covid-19, giá tôm càng xanh năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng năng suất tôm nuôi vẫn đạt khá cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Nguyễn (ngụ ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) vừa thu hoạch 500kg tôm càng xanh, cho hay: "Cận Tết năm nào gia đình cũng tất bật thu hoạch tôm càng xanh. So với những loài khác, mùa này nuôi tôm càng xanh là hiệu quả nhất".
Theo anh Nguyễn, hiện thương lái thu mua tôm càng xanh loại 30 con/kg với giá từ 95.000-105.000 đồng/kg. Với sản lượng thu được, gia đình anh vừa thu về khoảng 50 triệu đồng.
"Cứ đến đầu tháng 12, nông dân sẽ thu hoạch tôm lớn, sau đó, tiếp tục cho nước vào nuôi tiếp những con nhỏ. Đến tháng 2 năm sau thu hoạch đợt nữa. Đất mình đã nuôi tôm sú, rồi làm lúa thì khi đưa con tôm càng vào nuôi chỉ tốn tiền con giống, hầu như không tốn chi phí nào khác", ông Lê Văn Thịnh (ngụ huyện Thới Bình), chia sẻ.
Trong bối cảnh bị tác động của dịch Covid-19, người dân nuôi xen tôm càng trong mô hình lúa - tôm đã từng rất lo lắng về đầu ra. Đến nay, mặc dù giá tôm chưa cao nhưng thu hoạch bao nhiêu bán được bấy nhiêu, bà con rất phấn khởi.
Còn tại vùng chuyên canh tôm thuộc các huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn,... của tỉnh Cà Mau, tình hình cũng tương tự.
Ông Nguyễn Minh Luân, người dân nuôi tôm siêu thâm canh ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân cho biết, sản xuất năm nay thuận lợi nhưng giá cả khá bấp bênh. Vụ mùa đầu năm bà con nuôi nhiều thì bị dịch khiến giá giảm. Đến vụ sau lo dịch bà con ít nuôi thì giá tăng. Đặc biệt, các loại vật tư thủy sản cũng tăng giá, thêm phần khó khăn cho người nuôi tôm.
Tuy nhiên, những người dân gắn bó với nghề nuôi tôm thâm canh ở Cà Mau có niềm an ủi là thời tiết những tháng cuối năm thuận lợi và giá cả dần ổn định. Chính những điều đó đã giúp sản lượng tôm của tỉnh Cà Mau năm 2021 dù không đạt kế hoạch đề ra vẫn đạt hơn 218.000 tấn, tăng 4% so với năm ngoái.
Xuất khẩu tôm vượt kế hoạch
Trong bối cảnh bị dịch bệnh tác động nặng nề, việc duy trì được chuỗi cung ứng, các hoạt động sản xuất đến xuất khẩu đã giúp ngành tôm trở thành điểm sáng.
Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh năm 2021 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước tham gia ký kết. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU tăng 43,1% so với cùng kỳ, sang Anh tăng 28,5%, sang các nước CPTPP tăng 3% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến XNK thủy sản Minh Cường cho biết, sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh sản xuất nên xảy ra khan hiếm nguyên liệu, sau đó không lâu thì ổn định lại.
Ông Tuấn đánh giá, xuất khẩu tôm năm nay "khó trong nhưng thuận ngoài". Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch làm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng. Thuận lợi là các nước trên thế giới đồng loạt mở cửa, thị trường rộng mở.
Năm nay, giá trị xuất khẩu của Công ty Minh Cường vẫn tăng trưởng nhưng không đạt kế hoạch đề ra, đặt biệt lãi sẽ giảm sâu.
"Thị trường rất tốt, mình làm không đủ hàng cung cấp. Vấn đề khó khăn năm 2021 là thiếu công nhân và thực hiện chống dịch. Riêng việc test covid-19 định kỳ thì cứ 3 ngày 1 lần, mỗi lần hết khoảng 20 triệu đồng. Xuất khẩu so với năm rồi thì không giảm", ông Cường cho hay.
Tại Cà Mau, trong thời điểm đầu giãn cách xã hội, mọi doanh nghiệp đều phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, sau đó không lâu, những doanh nghiệp xuất khẩu tôm đảm bảo được các biện pháp phòng chống dịch được trở lại sản xuất.
Ông Dương Vũ Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau cho biết, chủ trương của tỉnh trước tiên là chống dịch hiệu quả, sau đó là đảm bảo hoạt động sản xuất. Thế mạnh của tỉnh là con tôm nên rất được quan tâm.
Cũng theo ông Nam, năm nay hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng bên cạnh đó có những thuận lợi nhất định. Chính Phủ đã kịp thời ban hành chủ trương "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do nước ta tham gia ký kết giúp tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường. Các nước trên thế giới khống chế dịch và mở cửa giúp nhu cầu hàng hóa hồi phục. Đặc biệt, giá mặt hàng xuất khẩu tôm chủ lực của tỉnh tăng cao, phần nào giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, giúp xuất khẩu tôm tăng trưởng.
Trong tình hình đó, hiện doanh nghiệp hoạt động bình thường nhưng doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. Các chi phí thực hiện chống dịch như ba tại chỗ, tình hình vận chuyển hàng hóa và chi phí logistic tăng lên.
Tín hiệu khả quan nhất là tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh đang ổn định, giá và thị trường rộng mở, sản xuất bao nhiêu thì được các đối tác nước ngoài mua hết. Đây cũng là điều kiện tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở Cà Mau lấy lại đà tăng trưởng, hướng đến tăng cao giá trị trong năm mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.