Diễn đàn báo chí toàn quốc: Cần có liên minh bảo vệ bản quyền báo chí trên không gian số
Diễn đàn báo chí toàn quốc: Cần có liên minh bảo vệ bản quyền báo chí trên không gian số
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 16/03/2024 17:30 PM (GMT+7)
Vấn đề bản quyền báo chí xưa nay đã được đề cập đến rất nhiều, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, các toà soạn đều bị đặt trong thực trạng vi phạm bản quyền báo chí trong môi trường số.
Tại phiên thảo luận về bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số diễn ra chiều 16/3 trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc tại TP.HCM, Tổng biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng, cùng với sự tăng trưởng, lớn mạnh về lượng và chất của các cơ quan báo chí, những vấn đề gắn liền với sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường như thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền, cũng nảy sinh, và khiến người làm báo ý thức được rõ ràng hơn sự thiết thực của việc bảo vệ giá trị sức lao động của mình, nói nôm na là bảo vệ "nồi cơm" của mình.
Trước những dấu hiệu gia tăng về nạn sao chép tin bài, đặc biệt là những bài viết điều tra, phản ánh chống tiêu cực được thực hiện công phu, chuyên nghiệp tại các toà soạn có danh tiếng, đã có lúc một số cơ quan báo chí có số lượng bạn đọc lớn từng ngồi lại với nhau để ký cam kết bằng văn bản không vi phạm bản quyền của nhau, trên thực tế cũng phát huy được hiệu lực giữa các bên ký kết. Tuy nhiên, cũng bởi tính chất và phạm vi giới hạn của thỏa thuận, mức độ lan tỏa của tinh thần pháp quyền đó rất hạn chế.
Đặc biệt, kể từ khi báo điện tử, trang tin điện tử ra đời, rồi mạng xã hội bùng nổ, kéo theo sự biến đổi hoàn toàn của bức tranh truyền thông đại chúng, nạn vi phạm bản quyền báo chí gần như đã bành trướng áp đảo những "nhà sản xuất tin tức" chân chính.
Ông Quang nhận xét: Sự dễ dàng và nhanh chóng trong việc sao chép thông tin từ các nền tảng số là tiền đề, rồi những quy định pháp lý bất cập cho phép các trang tin điện tử, có lúc núp bóng tạp chí điện tử, mọc ra như nấm "trích dẫn nguồn tin" đế kiếm tiền quảng cáo là cú huých hiểm, rồi sự lớn mạnh cấp số nhân của các nền tảng mạng xã hội - trên đó thông tin báo chí miễn phí được chia sẻ tự do - là cú đánh bồi giáng vào báo chí có bản quyền.
"Dù không phải toàn bộ, nhưng hiện tượng này không thể phủ nhận chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng, nơi chúng tôi hằng ngày phải trả nhuận bút cho phóng viên tương xứng với chất lượng lao động của họ, trả phí bản quyền các bản tin thông tấn trong và ngoài nước, cũng như vô số chi phí khác. Trong khi đó, việc chế tài nạn vi phạm bản quyền còn rất yếu ớt, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan", ông Quang chia sẻ.
Một vòng luẩn quẩn hình thành: Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng. Hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên "không cần thiết".
Như vậy, bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà nó là một phần của hệ sinh thái báo chí - truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí.
Từ thực trạng này, ông Quang đề xuất: Cần phải có một liên minh bản quyền báo chí, bao gồm tất cả các cơ quan báo chí, phải là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.
Theo Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động Dương Quang, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí được quy định tại nhiều luật và văn bản dưới luật, như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Báo chí 2016, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP… Chỉ cần thực hiện thật nghiêm những quy định đó thì chuyện xâm phạm bản quyền báo chí không xảy ra, hoặc diễn ra rất ít. Thế nhưng, diễn biến trên thực tế những năm qua và hiện nay cho thấy điều ngược lại.
Không chỉ những cá nhân, hội nhóm, tổ chức ngoài ngành báo chí - truyền thông mà còn có hiện tượng một số báo, đài cũng sử dụng tin, bài của đồng nghiệp khi chưa được cho phép. Qua đó chứng tỏ luật về bản quyền thì đã có song không được chấp hành, không được thực thi nghiêm minh.
Ông Quang nhận định, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí gần đây có dấu hiệu "hạ nhiệt". Tuy nhiên, cách thức vi phạm đã biến ảo theo chiều hướng tinh vi hơn, hiện đại hơn, khó phát hiện hơn trước.
Cụ thể hơn, Tổng Biên tập báo Dân Trí Phạm Tuấn Anh nhận xét, hành vi vi phạm đã phát triển theo hướng tinh vi hơn, đặc biệt trên các nền tảng sử dụng video ngắn như Tiktok, Facebook Reels và Youtube. Những đối tượng này thay vì dẫn lại toàn bộ thì trích dẫn, đăng tải một phần nội dung.
Rất nhiều trường hợp, khi phóng viên hoặc người có trách nhiệm của báo liên hệ nhắc nhở, họ lập tức chặn, cắt liên hệ, để người có trách nhiệm không thể phản hồi, tố cáo sai phạm.
Theo ông Dương Quang, các cơ quan báo chí thay vì thụ động ứng phó như trước, vài năm gần đây đã tiến hành một số giải pháp chủ động hơn, như thành lập Tổ bản quyền, xây dựng mạng lưới cảnh giới và báo tin rộng khắp trên các nhóm mạng xã hội, phát hành thông tin cảnh báo chống ăn cắp, báo cáo kịp thời với Sở Thông tin và Truyền thông địa phương về các trường hợp vi phạm, sử dụng phần mềm để rà soát, phát hiện nạn lấy cắp tác phẩm…
Bên cạnh các giải pháp tố cáo, xử phạt, ông Phạm Tuấn Anh đề xuất hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền, tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, bảo vệ bản quyền là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.
Để bảo vệ bản quyền, ngoài hoàn thiện thể chế, chính sách, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, cần tăng cường nhận thức, năng lực và sự chủ động bảo vệ của các nhà báo, các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần chủ động bảo vệ, áp dụng các giải pháp công nghệ; liên kết, hợp tác với nhau, nhanh chóng, quyết liệt trong yêu cầu xử lý vi phạm. Đặc biệt, các cơ quan báo chí không vi phạm bản quyền của nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.