Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 11/07/2020 06:01 AM (GMT+7)
Sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch Covid -19, mới đây một số thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại. Số lao động đi được dù còn ít nhưng là tín hiệu sáng cho việc XKLĐ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế do tác động của dịch bệnh, ngành XKLĐ cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Lao động đi làm việc ở nước ngoài tại một số thị trường gặp khó khăn do lệnh giãn cách xã hội, thu nhập bị giảm. Thậm chí có lao động tạm thời nghỉ việc, chờ việc. Trong nước, nhiều lao động đã học xong, có visa chờ xuất cảnh nhưng không thể bay được. Doanh nghiệp (DN) XKLĐ "nín thở" chờ dịch bệnh qua đi để khơi thông lại thị trường...
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong 6 tháng đầu năm, các DN, đơn vị chỉ đưa được 33.510 người đi làm việc ở nước ngoài, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm là do dịch Covid-19 bùng phát khiến người lao động phải dừng xuất cảnh. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy đến thời điểm hiện tại, hơn 5.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài đã phải về nước do dịch.
Tuy nhiên, những ngày vừa qua, hoạt động XKLĐ đã có những dấu hiệu tích cực, với những đơn hàng sang các thị trường chủ lực. Sau gần 4 tháng chờ đợi, giữa tháng 6, Công ty Hoàng Long CMS đã đưa 29 lao động sang Đài Loan theo đơn hàng của nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử xe máy thuộc Tập đoàn Kymco (tại TP.Cao Hùng, Đài Loan). Ông Nghiêm Quốc Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Long CMS cho hay: "Sau khi sang Đài Loan, các lao động được chủ DN bố trí chỗ ở và cách ly trong 14 ngày trước khi đi làm. Đây là một tin vui, báo hiệu những khởi sắc trở lại của thị trường XKLĐ".
Theo ông Hưng, nhu cầu sử dụng lao động tại Đài Loan rất lớn. Lao động Việt Nam đang được ưu tiên vì nguồn lao động lớn cho thị trường này từ Indonesia và Philippines vẫn là 2 nước đang có dịch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đang là xin visa. Mỗi ngày, mỗi DN chỉ được duyệt visa cho 1 - 2 người. Chuyến bay thương mại chưa có nên giá vé máy bay cũng tăng cao. Dự kiến trong tháng 6 và tháng 7, DN của ông Hưng chỉ đưa được 70 - 80 lao động sang Đài Loan làm việc, giảm so với cùng kỳ năm trước khoảng 60%.
Đại diện Công ty CP Cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế (Interserco) cũng cho biết, từ đầu tháng 7 đã bắt đầu làm thủ tục cho lao động sang Đài Loan và ưu tiên cho các lao động làm việc trong các ngành sản xuất. Một số DN Đài Loan còn sẵn sàng thuê địa điểm cách ly cho lao động Việt Nam.
Mức lương của các lao động làm việc tại Đài Loan cũng không có nhiều thay đổi, dao động trong khoảng từ 22.000 - 23.000 đài tệ, tương đương khoảng từ 17 - 20 triệu đồng/tháng/lao động.
Tuy khai thông thị trường Đài Loan, nhưng số lượng DN tuyển dụng cũng không nhiều.
Làm chậm, thận trọng
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH chủ trì chỉ đạo việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, trước hết là đến các thị trường đang có nhu cầu và đã cơ bản an toàn, khống chế được dịch bệnh, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Bà Trần Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, ngoài Đài Loan, một số thị trường lao động khác cũng đang rục rịch nối lại hoạt động tiếp nhận lao động.
Đầu tiên là thị trường Hàn Quốc. Hiện nay, nước này vẫn tiếp nhận lao động thuyền viên đi làm tàu cá, tuy nhiên số lượng không lớn. Do đặc thù ngành làm việc trên tàu, ở dưới biển, việc cách ly khá đơn giản, nên một số chủ lao động vẫn xin cơ chế tiếp nhận lao động. Riêng Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) thì chưa thể tiếp nhận lao động mới. Chỉ có bộ phận lao động đã làm việc tại Hàn Quốc về nước nghỉ phép mới được quay lại Hàn Quốc, tuy nhiên số lao động này khi nhập cảnh vào Hàn Quốc vẫn phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày theo quy định của nước bạn.
Ngoài Hàn Quốc thì thị trường tiềm năng tiếp nhận lao động Việt Nam lớn thứ hai là Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch đón nhận lao động mới. Bà Trần Vân Hà cho biết: "Hiện, Nhật Bản vẫn đóng cửa biên giới, dự kiến cuối tháng này mới xem xét cấp lại visa lao động, nếu dịch bệnh được kiểm soát".
Cũng theo bà Hà, một số công ty thông tin trên mạng cho biết đang tuyển dụng lao động có "kỹ năng đặc định" là thông tin lừa đảo, Cục vẫn đang hướng dẫn các DN và chưa triển khai, chưa thông báo thi tuyển. Vì vậy, người lao động chỉ nên tham gia vào các công ty uy tín đã được Bộ LĐTBXH cấp phép, nghiên cứu kỹ thông tin về các đơn hàng, ngành nghề tuyển dụng, không nên tin những lời hứa hẹn tuyển lao động mà không cần tay nghề.
Thị trường XKLĐ tại Malaysia cũng đã bắt đầu khởi động lại. Nước này cho biết đã chính thức thông báo kết thúc lệnh hạn chế di chuyển, bắt đầu chuyển sang giai đoạn phục hồi kinh tế. Theo đó, lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia có thể trở lại làm việc, tuy nhiên sau 31/8 mới được nhập cảnh Malaysia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.