Ngọc Giàu
Thứ bảy, ngày 04/03/2023 10:07 AM (GMT+7)
Nhìn lại lịch sử ngành nông nghiệp, người nông dân từng điêu đứng, vỡ nợ khi canh tác chạy theo phong trào, dẫn đến điệp khúc "trồng-chặt", "chặt-trồng". Nay, cây sầu riêng đang "lên ngôi", người dân lại đổ xô mở rộng diện tích.
Mới đây, Cục Thống kê Đắk Lắk công bố diện tích sầu riêng của tỉnh này đã hơn 22.450 ha, tăng 50%; sản lượng ước đạt 190.092 tấn, tăng 38% so với năm trước. Diện tích "vua trái cây" đã tăng nhanh khiến cơ quan chuyên môn lo ngại, bởi thực tế từng có nhiều loại cây trồng rơi vào điệp khúc "trồng-chặt" khi thị trường tiêu thụ bị tắc, giá cả lao dốc.
Bài học về cây cà phê vẫn còn nguyên giá trị, chứng minh cho việc mở rộng diện tích vùng trồng, phá vỡ quy hoạch. Còn nhớ những năm 1994 – 2002, được xem là thời hoàng kim của cà phê, nhà nhà đua nhau trồng mà không quan tâm đến thổ nhưỡng, khí hậu… có phù hợp hay không.
Hệ quả tất yếu đã xảy ra khi cung vượt quá cầu, cùng với những biến động của thị trường thế giới đã khiến cà phê "chạm đáy" suốt nhiều năm qua. Mới đây, mặt hàng này mới có tín hiệu tăng giá trở lại, song nông dân đã không còn đủ kiên nhẫn.
Khi hồ tiêu lên ngôi, rất nhiều nông dân đã nhổ cà phê để trồng "vàng đen". Tuy nhiên điệp khúc trồng-chặt lại tiếp diễn khi thời điểm năm 2015, hồ tiêu chạm ngưỡng gần 200.000 đồng/kg, rồi bất ngờ lao dốc không phanh, khiến nhà nông không kịp trở tay. Những "đại gia chân đất", "làng triệu phú" một thời nhờ hồ tiêu, bỗng chốc lâm cảnh trắng tay, nợ nần,...
Chưa hết, khoảng 3 năm về trước, cây bơ được xem "cứu cánh" với người nông dân đang khốn đốn vì cà phê, hồ tiêu. Song, sự tăng trưởng "nóng" của loại cây ăn quả này cũng nhanh tới ngày tàn khi sản lượng vượt quá nhu cầu thị trường. Những loại bơ từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường như: Bơ Booth, "Vũ nữ chân dài" (034)… từng ở mức giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm ở mức 100.000 đồng/kg; song những vụ mùa gần đây lại "dội chợ" với giá rẻ bèo.
Theo đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ NNPTNT, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000 ha. Nhưng con số này hiện nay đã lên hơn 80.000 ha và dự báo sẽ còn tăng.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, bà con nông dân nên nhìn lại lịch sử ngành nông nghiệp của nước nhà. Từng có nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và được bà con đổ xô trồng theo, nhưng thời gian sau lại phá bỏ bởi không tìm được đầu ra.
Đối với cây sầu riêng, Bộ trưởng nhấn mạnh, có tiềm năng lớn nhưng phải phát triển theo kế hoạch. Bởi Việt Nam không phải là nước duy nhất trồng được sầu riêng và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Do đó, nếu không sớm siết chặt, sầu riêng sẽ là cây tiếp theo chịu hê lụy của tình trạng trồng - chặt.
Bởi hiện cũng mới chỉ có 20% sản lượng được vào thị trường Trung Quốc và đối với sầu riêng trồng xen sẽ không được Trung Quốc xem xét cấp mã số vùng trồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.