Doanh nghiệp chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc than càng làm càng lỗ vì... "dao cắt khoai tây cũng phải nhập khẩu"

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 10/07/2024 18:32 PM (GMT+7)
Khoai tây càng trồng càng lỗ, vì khâu chế biến yếu và thiếu. Khoai tây cấp cho nhà hàng, khách sạn làm BBQ 100% nhập với giá ít nhất 50.000 đồng/kg, trong khi nông dân trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg. Đau lòng hơn, nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây cũng phải nhập khẩu.
Bình luận 0

Đó là trăn trở, tâm tư của đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Dũng Đạt (Vĩnh Phúc) gửi đến Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân", chiều 10/7.

Doanh nghiệp chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc than càng làm càng lỗ vì... "dao cắt khoai tây cũng phải nhập khẩu"- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chủ trì "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân", chiều 10/7. Ảnh: Tùng Đinh

Thiếu và yếu ở khâu chế biến

Theo doanh nghiệp này, trong ngành nông nghiệp rất rộng, có chăn nuôi, trồng trọt, thú y, chế biến... Có nhiều doanh nghiệp làm tốt các lĩnh vực, nhưng đặc biệt chúng tôi quan tâm tới chế biến nông sản. Không riêng ở Vĩnh Phúc, việc trồng trọt còn hạn chế, ruộng đất vụ đông còn bỏ rất nhiều. Đầu tàu để kéo ngành nông nghiệp đi lên là trồng trọt và chế biến. Doanh nghiệp chúng tôi nhỏ, doanh thu mỗi năm chỉ vài chục tỷ. Nhưng con số này với trồng trọt là rất lớn trong khi phải chế biến ra rất nhiều sản phẩm.

"Đơn cử như khoai tây, doanh nghiệp chúng tôi đang làm. Điều đau lòng là khoai tây Việt Nam càng trồng càng lỗ... vì chúng ta thiếu khâu chế biến", đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Dũng Đạt nêu thực trạng. Ví dụ như khoai tây cung cấp cho nhà hàng, khách sạn làm BBQ thì 100% nhập với giá ít nhất 50.000 đồng/kg. Trong khi nông dân trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg. Nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây cũng phải nhập khẩu. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được?.

Theo doanh nghiệp, muốn làm được tầm cỡ Tập đoàn Đồng Giao, phải có công nghệ, phải có vốn, doanh nghiệp khác rất khó làm theo. Thiết nghĩ chúng ta cần làm ra sản phẩm được chế biến tốt như ở Hàn Quốc, mang về là ăn được ngay, vì đã chế biến sẵn hết rồi.

"Khoai tây cũng cần có mã số, như các mặt hàng khác. Mục tiêu của chúng ta là nông dân phải giàu nhưng không bỏ ruộng. Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến", đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Dũng Đạt cho hay.

Doanh nghiệp chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc than càng làm càng lỗ vì... "dao cắt khoai tây cũng phải nhập khẩu"- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu. Ảnh: Tùng Đinh

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu nêu thực trạng, doanh nghiệp và người dân có nhiều ý tưởng và sản phẩm trên thị trường song thực tế, doanh nghiệp sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu và các nhà khoa học chưa tiếp cận được nguồn thông tin.

Để sự phối hợp giữa người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học "khăng khít" hơn nữa, ông Hưng cho rằng cần xây dựng một không gian mở, diễn đàn để bà con nông dân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, các nhà khoa học có thể căn cứ vào đó để nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, khi nghiên cứu được triển khai, công bố trên cơ sở dữ liệu đó, nông hộ có thể tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận.

“Thực tế người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với kết quả nghiên cứu nói chung do thụ hưởng của người dân và doanh nghiệp chưa cao. Cần minh bạch hóa về tính thẩm định của hệ thống tiêu chuẩn, để khi sản phẩm đưa ra thị trường có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm và người dân thụ hưởng đúng với chất lượng”, ông Hưng nói.

Là một trong những HTX ứng dụng thành công KHCN vào sản xuất, chế biến nông sản, ông Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba (Hòa Bình) cho biết, hiện mọi điều kiện thua xa đối thủ trong xuất khẩu ngành hàng chuối. Tuy nhiên, điều duy nhất để “sống” được như hiện nay là đã biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. 

Sản phẩm đầu tiên của HTX chuối Viba áp dụng khoa học công nghệ là giấm ủ chuối. Năm 2015, việc ủ chuối và các loại hoa quả bằng thuốc diễn ra phổ biến. Việc này khiến người tiêu dùng rất lo sợ. Ông Đức khi đó kinh doanh chuối, nên đi tìm tài liệu nước ngoài đọc, không nghĩ rằng Việt Nam có. Vô tình gặp tài liệu của Việt Nam và đã cho HTX áp dụng ngay.

Doanh nghiệp chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc than càng làm càng lỗ vì... "dao cắt khoai tây cũng phải nhập khẩu"- Ảnh 3.

Ông Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba (Hòa Bình). Ảnh: Tùng Đinh

“Chúng tôi xuất phát là DN cung ứng hoa quả, nên hiểu thị trường. Khi có doanh số tốt, chúng tôi quay lại phát triển vùng trồng. Giống đầu tiên chúng tôi biết là giống chuối tiêu hồng cấy mô không biến đổi gen (Non-GMO). Sản phẩm do Viện rau quả Trung ương nghiên cứu sản xuất, cho phẩm chất chất lượng cao, đồng nhất như nhau”, ông Đức nói. Hiện chuối tiêu hồng trồng tại các trang trại ở Hòa Bình và Hưng Yên, theo quy trình trồng VietGAP.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, ông Đức cho biết sau khoảng 2-3 năm, cây chuối trên mảnh đất cũ sẽ bị xuống năng suất. Do đó, hợp tác xã thành lập thêm công ty, kết nối với các doanh nghiệp khác để thu mua, trồng trọt, chế biến, bảo quản.

Theo ông Đức, muốn đưa sản phẩm ra thị trường là một quá trình dài, và luôn phải trao đổi lại với nhà khoa học. Khi người tiêu dùng thay đổi yêu cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được. Để chỉnh sửa sản phẩm thì phải có các nhà khoa học. Họ là những người đồng hành, đồng hành thực sự, chứ không phải là ký hợp đồng xong là thôi.

“Chúng tôi cũng muốn vươn ra thị trường thế giới, không bó buộc trong nội địa. Là doanh nghiệp nhỏ, không nhiều vốn, thời gian, nguồn lực, nên chúng tôi mong muốn có các sản phẩm mẫu từ các viện nghiên cứu để có thể điều chỉnh, tính toán nhu cầu khách hàng nhanh hơn”, ông Đức nói.

Giải bài toán doanh nghiệp - nhà khoa học

Trả lời câu hỏi làm sao đưa doanh nghiệp - nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu?, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học. “Không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực. 

Còn với nguồn kinh phí của nhà nước đặt hàng thường là để giải quyết các vấn đề tầm vĩ mô, như xử lý hạn mặn, biến đổi khí hậu… Các doanh nghiệp là những đơn vị cần nguồn lực thực sự. Mấy năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của DN đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng. Sự bắt tay ngày từ đầu là hết sức quan trọng để có được sự thành công.

Doanh nghiệp chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc than càng làm càng lỗ vì... "dao cắt khoai tây cũng phải nhập khẩu"- Ảnh 4.

TS Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh

Còn TS Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là đơn vị đứng đầu trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, với phương châm vừa đào tạo, vừa nghiên cứu. Bên cạnh việc đào tạo là nhiệm vụ quan trọng, Học viện tăng cường các hoạt động nghiên cứu với phương châm nghiên cứu cái thị trường cần.

Trong 10 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 53 sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ; 163 sản phẩm có tính tiềm năng có thể thương mại hóa; công bố gần 3.000 bài báo khoa học công nghệ trên các trang tạp chí trên thế giới.

Để có nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, Học viện Nông nghiệp tăng cường hình thức xã hội hóa kêu gọi vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu các dự án nhóm 1 để hoàn thiện công nghệ có thể phối hợp với các HTX; doanh nghiệp, người sản xuất.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang hợp tác, liên doanh với khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước, như đối tác đến từ Hàn Quốc để phối kết hợp nghiên cứu giống khoai tây; Công ty giống gia súc Hà Nội để nhập khẩu bò giống 3B…

“Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các HTX, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng Học viện để chúng tôi từ nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, từ đó nâng cao giá trị nông sản", TS Nguyễn Công Tiệp mời gọi.

Doanh nghiệp chế biến nông sản ở Vĩnh Phúc than càng làm càng lỗ vì... "dao cắt khoai tây cũng phải nhập khẩu"- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần “hợp tác để kết nối”, và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”. “Tại sao phải gọi đó là thị trường? Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Người ta nói trăm người bán vạn người mua mới ra cái chợ, chứ không phải có vài ba ông là thành chợ. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại. Người không bán được hàng cũng tự đặt dấu hỏi, để phải cải tiến mà làm tốt hơn”, Bộ trưởng lưu ý.

Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, sự thải loại của thị trường sẽ là sự cải tiến trong mọi mặt. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều viện nghiên cứu, ngược lại viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa.

Chúng ta phải nghĩ, phải làm tốt hơn nữa. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ. Không có khoa học công nghệ là hỏng, là chúng ta tự mắc vào cái bẫy “tự bằng lòng”. Phải nghĩ còn làm được tốt hơn không, làm mới hơn không. Cái mới hôm nay, vài ba năm nữa lại phải cải tiến tiếp.

Viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, khâu này cần doanh nghiệp. Do đó, hợp tác liên kết có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”. Chúng ta phải thoát ra cái ý nghĩ “mình làm tốt nhất rồi”. Nghĩ thế là hỏng. Sản phẩm của chúng ta chưa phải là cuối cùng. Thế giới đã nghiên cứu đến chuyển đổi xanh, phát thải xanh...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem