Doanh nghiệp đề xuất lãi vay chỉ 4% - 5% để “sống còn” sau đại dịch, có khả thi?
Doanh nghiệp đề xuất lãi vay chỉ 4% - 5% để “sống còn” sau đại dịch Covid-19, có khả thi?
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 13/10/2021 18:00 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp (DN) mong lãi vay giảm còn 4% -5% thì họ còn có thể “chiến đấu” được, nhưng đa số các nhà băng đều lắc đầu vì mức lãi suất này không khả thi.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, tỷ lệ DN chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng chiếm gần 40%; từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 46%. Vì vậy, khẩn cấp cứu dòng tiền của DN lúc này bằng các chính sách vay ưu đãi với lãi suất thấp đang được DN mong đợi từng ngày, từng giờ.
"Đói vốn", doanh nghiệp mong lãi vay giảm tiếp
Chị Phương Loan, chủ một DN thực phẩm tại Q.Bình Tân (TP.HCM), cho biết vừa xoay sở để trả xong hợp đồng vay 15 tỷ đồng với lãi suất 10,5% để chuyển sang vay ngân hàng khác với mức lãi suất ưu đãi 8,2%/năm.
"Ngày xưa thì chỉ vay ngân hàng quen, giờ thì xem xét ngân hàng nào cho vay lãi suất thấp nhất để tìm đến. Thời buổi này phải xoay chuyển tìm vốn rẻ để cầm cự và hồi phục thôi. Nhưng nói thật, mức lãi vay 8,2% vẫn là quá cao so với sức chịu đựng của DN. Chỉ mong các ngân hàng giảm bớt để DN còn thở được, mới có đường phục hồi", chị Loan nói.
Cũng theo chị này, cũng có một số ngân hàng cho vay rẻ hơn với các gói ưu đãi chỉ 4%-6% nhưng sau khi tìm hiểu thì rất khó đáp ứng các tiêu chí mà họ đề ra.
Thực tế, theo tìm hiểu của Dân Việt, ngay khi TP.HCM mở cửa trở lại, nhiều ngân hàng cũng tung các gói lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN hồi phục sau dịch. Chẳng hạn, tại ACB, nhà băng này đã tung gói vay 10 ngàn tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 5%/năm (lãi suất cho vay ưu đãi dành cho DN là từ 5%/năm và hộ kinh doanh là từ 6%), để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hoặc hồi tháng 8/2021, VietinBank bổ sung gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ từ 4,0%/năm dành riêng cho các DN có trụ sở/cơ sở sản xuất, kinh doanh ở 19 tỉnh thành phía Nam đang bị giãn cách, có hoạt động hoặc mục đích vay vốn thuộc các ngành, nghề bị ảnh hưởng bởi dịch như: Dệt may, da giày, dược, vật tư y tế; thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải - logistics; hàng tiêu dùng thiết yếu…
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực TP.HCM cho biết, các DN đang mong muốn ít nhất được giảm thêm khoảng 2%/năm nữa mới có thể sống còn sau dịch Covid-19. Nhưng để có được điều này, cần có một chính sách từ phía nhà nước chứ ngân hàng thương mại về bản chất cũng là một DN nên chắc chắn họ sẽ không giảm thêm lãi suất lúc này.
"Mức giảm lãi vay cho DN về mức 4%-5%/năm tính cả gói vay cũ và mới thì DN mới có thể sản xuất kinh doanh được, trên mức này thì rất khó", bà Kim Chi nói.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, cũng kiến nghị Chính phủ sớm tung gói hỗ trợ vốn cho DN bởi DN lúc này cần vốn như "bệnh nhân cần oxy". Theo đó, gói hỗ trợ đó có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công được Quốc hội thông qua; từ các ngân hàng…
"Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá rất cao việc Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 14/2021, trong đó quy định điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng là kịp thời. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết của Thông tư này là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi Covid-19 và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ, sẽ rất khó khăn cho DN.
Vì vậy, Hội đề nghị xem xét các DN đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6 đến 9 tháng không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành y tế, thực phẩm, sắt thép...", ông Đặng Hồng Anh đề xuất.
"Thế khó" của các ngân hàng
Nói về khả năng giảm tiếp lãi suất của các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, hiện mặt bằng chung của lãi suất huy động vào khoảng 4,5 - 4,8%/năm kỳ hạn 6 tháng, còn kỳ hạn 12 tháng toàn trên 5%/năm, nên cộng với chi phí khoảng 2% thì lãi vay cũng phải khoảng 6 - 8%/năm.
Chưa kể, tỷ lệ sử dụng vốn huy động cho vay bị khống chế tùy theo ngân hàng, quanh mức 80% nên dư địa giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại là rất khó.
"Hiện nay, khi kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, nhu cầu vốn sẽ rất lớn bởi DN sẽ đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nên các DN sẽ rút vốn đã gửi thời gian qua để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, các cá nhân cũng rút tiền đầu tư lĩnh vực khác… Nguồn tiền sụt giảm, ngân hàng muốn đáp ứng đủ vốn cho DN phải tăng lãi suất huy động và như thế thì rất khó giảm lãi vay", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, nếu không có gói hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng hiện khó có thể giảm lãi suất được nữa. Bởi, ngân hàng muốn cho vay nhưng không thể hạ chuẩn được, trong khi các DN do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, có những khoản nợ dưới chuẩn tạm thời được xếp ở nhóm 1 nên không đủ chuẩn vay.
"Thế nên cả ngân hàng và DN đều chờ gói hỗ trợ lãi suất từ nhà nước để có thể tháo được "nút thắt" này", ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng) là rất nhỏ so với quy mô dư nợ lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng hiện tại.
"Tuy nhiên có còn hơn không. Điều cần nhất lúc này là Chính phủ sớm giải ngân để kịp thời hỗ trợ sớm cho các DN. Đặc biệt, cơ quan chức năng cũng phải có cơ chế giám sát chặt nguồn vốn vay ưu đãi, tránh tình trạng cho cho DN thân hữu vay ưu đãi lãi suất như đã xảy ra năm 2009", ông Hiếu lưu ý.
Về lâu dài, theo ông Hiếu, việc cứu DN bây giờ phải sử dụng cả chính sách tài khóa, nếu không thì mọi biện pháp sẽ "xôi hỏng bỏng không".
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách tiền tệ để "kìm" lãi suất với có 3 công cụ gồm: Lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm), giao dịch trên thị trường mở (OMO) và dự trữ bắt buộc.
Về lãi suất điều hành, nếu lãi suất điều hành giảm sẽ tác động đến thị trường liên ngân hàng và gián tiếp ảnh hưởng qua thị trường. Tuy nhiên, đây là tác động mang tính chất gián tiếp chứ không phải trực tiếp đến lãi suất cho vay trên thị trường, nên không hạ nhanh lãi suất cho vay trên thị trường xuống được. Một yếu tố rất quan trọng đó là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện rất thấp, không còn nhiều dư địa nên lãi suất điều hành cũng không còn nhiều dư địa để hạ.
Còn giao dịch trên thị trường mở là hoạt động thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước để tăng hay hút nguồn cung tiền. Nhưng, hoạt động này cũng có những giới hạn vì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Cuối cùng là dự trữ bắt buộc, hiện dự trữ bắt buộc là 3%, rất thấp, không còn dư địa để giảm, vì giảm dự trữ bắt buộc sẽ tác động đến tính thanh khoản của các ngân hàng.
"Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất và hỗ trợ các DN. Việc cứu DN bây giờ phải sử dụng cả chính sách tài khóa, có nghĩa là sử dụng ngân sách của Chính phủ, nếu không mọi biện pháp sẽ "xôi hỏng bỏng không" - ông Hiếu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.