Doanh nghiệp thép kiếm bộn tiền nhờ “neo” giá bán, “bất ngờ” với tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng
Doanh nghiệp thép kiếm bộn tiền nhờ “neo” giá bán, “bất ngờ” với tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng
N.Minh
Thứ bảy, ngày 07/08/2021 10:03 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp thép đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận quý II với mức tăng trưởng lên tới 326% nhờ sản lượng và giá thép “neo” cao. Ngược lại, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng bất ngờ sụt giảm, từ mức tăng 79% của quý I xuống chỉ còn 34% trong quý II vừa qua.
Báo cáo chiến lược của Chứng khoán VNDirect vừa phát hành cho biết, tính tới ngày 2/8 đã có 700 công ty niêm yết trên cả ba sàn (HOSE, HNX và UPCoM), tương ứng gần 40% tổng số cổ phiếu và 85% vốn hóa thị trường, công bố kết quả kinh doanh quý II/2021.
Doanh nghiệp thép dẫn đầu thị trường, ngân hàng bất ngờ giảm mạnh đà tăng
Theo ước tính của VNDirect, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp này tăng 66,0% so với cùng kỳ, mặc dù tăng trưởng doanh thu quý này chỉ đạt con số 35,1%. Chỉ tiêu này đã tăng chậm lại so với mức tăng hơn 92% ở quý I nhưng vẫn cao hơn 51% so với mức trước dịch là quý II/2019.
Riêng các công ty niêm yết trên sàn HOSE có lãi ròng quý II tăng với tỷ lệ hơn 56%. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc VN30 tăng 46% so với cùng kỳ.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn tăng 75,3%.
Xét ở từng ngành, nhóm doanh nghiệp thép hưởng lợi từ sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 326% trong quý II so với cùng kỳ. Với kết quả này, các doanh nghiệp thép đóng góp tới 17,2% tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường quý II/2021.
Lũy kế 6 tháng, mức tăng trưởng lợi nhuận của ngành thép đạt 302,8% - dẫn đầu thị trường, gấp 5,5 lần mức tăng của ngành ngân hàng nửa đầu năm.
Viễn thông là nhóm doanh nghiệp đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, quý II/2021 lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này tăng gần 320% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn thị trường chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 1,4%.
Các doanh nghiệp dịch vụ tài chính, chủ yếu là các công ty chứng khoán, ghi nhận lợi nhuận tăng gần 121% trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. Nhóm này tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 263% sau 6 tháng, chỉ đứng sau các doanh nghiệp ngành Thép và gấp gần 4,8 lần ngành ngân hàng.
Một số ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận trên 100% khác như doanh nghiệp ngành vận tải (171,7%) và Bất động sản (102,6%). Sau 6 tháng, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các nhóm này lần lượt đạt 54% và 64,3%.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh quý II tích cực nhờ mức nền thấp của cùng kỳ và nhu cầu đối với nhà ở phục hồi khá rõ nét trong nửa đầu năm 2021.
Đối với ngành ngân hàng, lợi nhuận quý II/2021 bất ngờ giảm tốc và chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 34% so với cùng kỳ trong khi quý trước liền kề tăng 79%. Nguyên nhân là các ngân hàng lớn (VCB, CTG) bất ngờ công bố lợi nhuận sụt giảm do chi phí dự phòng.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng đóng góp tới 13,3% và tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường – chỉ sau các doanh nghiệp ngành Thép. Lũy kế 6 tháng, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng đạt 55%.
Tính đến cuối quý II, chỉ số S&P GSCI tăng gần 31% so với đầu năm và 64,6% so với quý II/2020. Giá cả hàng hóa cơ bản toàn cầu tăng mạnh hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận 52,6% của ngành hóa chất so với cùng kỳ; ngành khai khoáng và dầu khí đều ghi nhận lợi nhuận dương so với mức lỗ ròng cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp VN30 tăng trên 100%
Thống kê cho thấy, có 19 công ty trong rổ VN30 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực, dẫn đầu là PNJ tăng trưởng 606% so với cùng kỳ, MSN (254%) và HPG (254%).
Kết quả tích cực của PNJ đến từ doanh thu tăng trưởng hơn 62% từ đáy quý II/2020 và biên lãi gộp tăng 1,5 điểm phần trăm.
Lợi nhuận tăng trưởng của MSN được đóng góp bởi các nhân tố: Biên EBITDA cao hơn từ chuỗi bán lẻ VCM; giá bán các sản phẩm khai khoáng cao hơn của MSN; và tăng trưởng mạnh về lợi nhuận của công ty liên kết Techcombank (TCB).
Trong số các ngân hàng, STB ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất từ mức cơ sở thấp quý II/2020, tăng 10% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, VJC ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất. Nguyên nhân, VJC không còn ghi nhận lợi nhuận khác lớn trong quý II/2021 như cùng kỳ năm trước (1.773 tỷ đồng so với lợi nhuận trước thuế cùng kỳ là 1.014 tỷ).
Dù lợi nhuận toàn thị trường quý II tăng trưởng tích cực nhưng trước rào cản dịch bệnh chưa thật sự được kiểm soát, lợi nhuận toàn thị trường trong quý III sẽ bị tác động đáng kể - theo các chuyên gia.
VNDirect cũng đã chỉ ra rằng, tính đến ngày 29/07/2021, P/E của chỉ số VN-INDEX ở mức 16,5 lần, tương đương với mức bình quân 5 năm lịch sử và thấp hơn tới 25,7% so với mức định giá tại đỉnh 2018 là 22,2 lần.
Do vậy, VNDirect dự báo lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) đạt 27%/năm trong giai đoạn 2021-2022, vượt trội so với mức 12% trong giai đoạn 2017-2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.