Đọc sách cùng bạn: Một lịch sử ghê gớm trong một khách sạn
Đọc sách cùng bạn: Một lịch sử ghê gớm trong một khách sạn
Phạm Xuân Nguyên
Thứ sáu, ngày 01/07/2022 21:35 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc cuốn tiểu thuyết "Khách sạn Metropol" của nhà văn Đức Eugen Ruge qua bản dịch từ nguyên tác của dịch giả Hoàng Đăng Lãnh.
Bìa ba cuốn sách cho biết nội dung tác phẩm: "Câu chuyện được xây dựng dựa trên những tài liệu có thật, được tác giả tìm thấy trong hồ sơ mật vụ của bà nội mình, về giai đoạn những năm 1936 -1938. Bà là nhân viên một đơn vị bí mật của Comintern, nhưng bị giải thể, nhiều thành viên bị đưa ra xét xử. Trong khi chờ xem liệu họ có bị đưa đi hành quyết hay không, họ "được phép" lưu trú tại một trong những khách sạn sang trọng nhất Moscow – Khách Sạn Metropol." Thực chất, khách sạn Metropol là nơi giam giữ trá hình những người đang bị điều tra để xét tội.
KHÁCH SẠN METROPOL
Tác giả: Eugen Ruge
Dịch giả: Hoàng Đăng Lãnh (từ tiếng Đức)
Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022
Số trang: 460 (khổ 15x24cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 285.000
Mở đầu tác giả kể việc mình đến "Cơ quan lưu trữ quốc gia về lịch sử chính trị - xã hội" của Nga để tìm hồ sơ của bà nội mình. Đó là hai tập giấy, tổng cộng hai trăm bốn mươi sáu tờ, đánh số thứ tự bằng tay. Phía trên cùng bên phải là dòng chữ tiếng Nga: TUYỆT MẬT. Đè lên nó là con dấu màu xanh: HẾT HẠN MẬT. Hai tập giấy đó chứa đựng một phần đời bí ẩn mà người bà muốn quên đi, xoá đi. "Bà đã đem câu chuyện này về nơi chín suối. Bà đã cầm chắc mười mươi rằng nó sẽ chẳng bao giờ được lôi ra ánh sáng nữa. Suốt cuộc đời, bà đã gắng tìm mọi cách để nó bị quên đi, để xoá sạch nó khỏi trí nhớ của bà, cũng như của con cháu bà. Suýt nữa thì bà đã xoá được nó thật." (tr. 10) Từ bộ hồ sơ mật vụ về quãng đời ở Nga của bà nội mình, người cháu nhà văn đã dựng lại bốn trăm bảy mươi bảy ngày, bà nội mình và người bạn đời của bà ở tại một phòng trong khách sạn Metropol phấp phỏng chờ sự phán quyết của tổ chức về số phận họ.
Bà là Charlotte Ruge (mật danh Lote Germaine) cùng người bạn đời là Hans Baumgarten (mật danh Jean Germaine) hoạt động trong một đơn vị bí mật của Comintern. Comintern là viết tắt của Quốc tế Cộng sản. Trong thời kỳ đại khủng bố dưới thời Stalin với danh nghĩa chống kẻ thù giai cấp, nhất là chống phái Trotsky, hàng loạt các nhà hoạt động cách mạng Nga và quốc tế đã bị bắt bờ, tủ đày, tử hình. Có một chi tiết lặp lại nhiều lần trong tiểu thuyết: tiếng cót két của ròng rọc kéo thang máy. Đó là dấu hiệu lực lượng đặc biệt đến bắt người ở các phòng đưa đi. Hai ông bà Germaine ở trong phòng mình đã nhiều đêm phấp phỏng lo sợ đến lượt mình bị gọi đi khi nghe tiếng ròng rọc ấy vang lên. Sáng ra xuống nhà ăn thấy vắng thêm người là biết đêm qua họ đã bị bắt. Những người bị bắt có cả những nhân vật cao cấp, cả những người trong bộ máy truy bắt.
Nhưng cuối cùng ông bà Germaine đã thoát. Có thể đó là chuyện hoàn toàn chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên. "Thế nhưng sự ngẫu nhiên lại nằm trong bản chất của bộ máy không còn tầm kiểm soát được nữa của Stalin. Bộ máy hoạt động theo một động lực tự nhiên và, chính vì thế, tạo nên nỗi kinh hoàng, khiếp đảm. Bất kỳ ai cũng có thể bị tố cáo. Ai cũng bị đe doạ. Cũng như có ai đó thoát nạn, hoàn toàn vô cớ." (tr. 457) Tháng 8/1938 ông bà Germaine được rời Liên Xô qua Pháp sau đó đến Mexico. Sau đó hơn chục năm ông bà trở lại Đức, bà làm việc nghiên cứu văn học, ông làm một cán bộ đảng tại một khu dân cư. Ông Hans Baumgarten mất năm 1979, thọ 87 tuổi. Bà Charlotte Ruge mất năm 1986, thọ 91 tuổi. "Bà ra đi lặng lẽ trong một khu dưỡng lão ở Potsdam. Cô hộ lý cam đoan với tôi, bà đã ra đi thanh thản." Cuốn tiểu thuyết kết thúc ở hai dòng này.
Khép lại một cuộc đời. Đóng lại một số phận. Nhưng để lại một thời đại. Từ hồ sơ của bà nội, nhà văn Eugen Ruge đã khai thác để viết nên một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn, đầy kịch tính. Trước cuốn này ông đã viết "Thời nắng lịm" (dịch giả Hoàng Đăng Lãnh cũng đã dịch ra tiếng Việt, xuất bản 2016). Điều đáng quan tâm ở đây là cách tác giả xử lý tư liệu lịch sử có thực và hư cấu tiểu thuyết. Trong phần "Lời bạt" cuối sách Eugen Ruge đã nói rõ chuyện này. Ông cho biết ông căn cứ vào chứng từ hồ sự gốc thật sự. Các nhân vật có tên thật như ngoài đời, trừ một nhóm nhỏ người trong phạm vi gia đình Nhưng ngay cả thế, bất chấp mọi sự thật nó chứa đựng, đây vẫn là một tiểu thuyết, tức là một tác phẩm hư cấu. Tác giả đặt câu hỏi: "Vì lẽ gì mà tôi phải tưởng tượng để dựng lên thành tiểu thuyết? Vì sao tôi không viết một bản tường trình, có thế nào viết vậy, vì sao tôi không bám sát vào thực tế, không dừng lại ở các hồ sơ, tư liệu giấy trắng mực đen?" Lý do thứ nhất "niềm tin cho rằng một bộ hồ sơ nào đó bao giờ cũng trung thực và đáng tin hơn hư cấu, đương nhiên, là niềm tin sai lệch." Lý do thứ hai, "tôi không có ý định trình bày các sự kiện hay phát hiện lịch sử". Đây chính là điều ông thấy thú vị, thôi thúc ông viết chuyện bà nội bằng thể văn hư cấu.
"Tôi không biết bà nội tôi thật sự đã nghĩ thế nào. Tôi hư cấu, tôi bịa chuyện, tôi thử nghiệm, bởi vì, nói cho cùng, kể chuyện không phải là chuyện gì khác hơn việc thử nghiệm xem liệu ở đời, chuyện có thể xảy ra như thế hay không. Phương cách thử nghiệm sự thật này có thể áp dụng, bởi cả tác giả (lẫn người đọc) đều có đủ khả năng nhập thân vào con người khác. Với điều kiện, họ nắm đủ vững, và hiểu đủ rõ tình thế, bối cảnh, cũng như hoàn cảnh sống của con người khác đó. (tr. 451). Có thể coi đây là quan niệm viết tiểu thuyết về lịch sử của Eugen Ruge. Từ đó mặc dù thấy còn vô số những điều chưa chắc chắn và các khoảng trống, tác giả vẫn có thể cam đoan: "Tất cả những gì mà ngày nay có thể kiểm chứng được, những gì có thể thâu tóm bằng con số và cứ liệu, những gì nhờ thế đã tạo nên khuôn khổ thực tế của câu chuyện tôi kể này – nói một cách thành thật và công bằng – đều đúng, hoặc rất gần với sự thật." (tr. 453) Như thế bằng thể loại tiểu thuyết Eugen Ruge đã phục dựng sống động và chân thực cả một thời đại lịch sử ghê gớm diễn ra trong một khách sạn. Tôi nghĩ đọc cuốn sách này và những cuốn sách cùng loại của Eugen Ruge các nhà văn Việt Nam có thể rút được những bài học cho mình trong việc hư cấu về lịch sử.
Một tác phẩm văn chương nước ngoài hay là tự bản thân nó, nhưng cũng là tự bản dịch. Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh trong vòng mười năm nay đã mang đến cho bạn đọc nước nhà những tác phẩm xuất sắc nổi tiếng của văn học Đức qua các bản dịch tiếng Việt công phu, kỹ lưỡng. Đặc biệt cách ông xử lý tiếng Việt để chuyển tải nội dung các tác phẩm hay và khó trong tiếng Đức thật đáng phục. Nhờ thế tiểu thuyết "Khách sạn Metropol" cũng như các tiểu thuyết Đức Hoàng Đăng Lãnh đã dịch đọc rất thích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.