Đòi nợ thuê bằng tạt sơn, mắm tôm: Gây bất ổn xã hội, xử lý thế nào?

Quỳnh Nguyễn Thứ bảy, ngày 11/07/2020 07:51 AM (GMT+7)
Việc tạt sơn hay mắm tôm vào nhà người khác gần đây trở nên phổ biến và có tính chất khó lường. Ngoài việc xâm phạm đến tài sản của người khác thì hành vi này còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người bị hại, gây bất ổn trong trật tự xã hội .
Bình luận 0

Qua các vụ việc đã bị cơ quan công an xử lý và báo chí phản ánh cho thấy hành vi tạt sơn hay mắm tôm vào nhà người khác để đòi nợ ngày càng phổ biến và có tính chất khó lường. 

Một số vụ đòi nợ thuê gây náo loạn

Hơn nửa năm nay, những người sống quanh ngôi nhà 47A đường Láng (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) khốn khổ với sơn và mùi hôi thối bởi chất bẩn bị người lạ mặt ném trước cửa nhà. 

Theo những người dân sống quanh khu vực này, ngôi nhà số 47A của hai ông bà đã lớn tuổi, trước đây bán hàng ăn. Tuy nhiên, hơn nửa năm nay ngôi nhà này bị những người lạ mặt thường xuyên ném chất bẩn, gây sức ép để đòi nợ, khiến chủ nhà đóng cửa hàng, nghỉ bán và đi trốn.

Video: Đòi nợ bằng cách tạt chất bẩn và sơn tại đường Láng (Hà Nội).

Một người trong gia đình chủ nhà cho biết, người con dâu nợ của nhiều nhóm khác nhau, nhiều lần anh em trong gia đình phải đứng ra gánh đỡ tuy nhiên vẫn không thể giải quyết hết.

"Do bị chủ nợ gây sức ép nên con dâu và con trai mỗi người một phương, gia đình bây giờ không biết làm cách nào. Thậm chí thời gian gần đây những chủ nợ tìm đến tận nhà những người quen trong gia đình để ném chất bẩn giống như chỗ này", một người thân của gia chủ thông tin.

Sự việc diễn ra lâu ngày khiến nhiều hộ kinh doanh xung quanh bị ảnh hưởng. Mọi người cũng đã dán thông báo: "Nhà 47A đã bán và chuyển đi rồi xin đừng ném nữa, hàng xóm chúng tôi xin cảm ơn".

Đòi nợ thuê bằng tạt sơn, mắm tôm: Bất ổn trật tự xã hội - Ảnh 2.

Những hộ sống xung quanh nhà 47A đường Láng khốn khổ vì hàng xóm trốn nợ.

Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại, mỗi tuần những kẻ đòi nợ lại 2-3 lần "khủng bố: nhà số 47A và cả những nhà xung quanh bằng sơn, mắm tôm, chất bẩn và cả thuỷ tinh. Có người đã không chịu nổi mà phải dời việc buôn bán sang địa điểm khác. 

Cảm thấy sợ hãi và ảnh hưởng bởi chất bẩn ném liên tục, những người sống xung quanh nhà 47A đường Láng đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng can thiệp.

Tương tự, mới đây tại TP.HCM một gia đình cũng khốn đốn vì nhà bị tạt sơn và chất bẩn. Theo chị Th. chủ nhà, chủ căn nhà mà chị mua lại trước đó từng vay mượn 100 triệu của nhóm "tín dụng đen" nhưng không chịu trả. Sau khi chủ nhà bán lại cho chị, phía "chủ nợ" cũng không hay nên dẫn đến chuyện những người đòi nợ thuê vẫn tìm đến đây để gây áp lực. Trước khi xảy ra vụ tạt sơn, nhiều người nhìn thấy nhiều tờ rơi đòi nợ được ném trên đường 49, trước nhà chị Th.

Đòi nợ thuê bằng tạt sơn, mắm tôm: Bất ổn trật tự xã hội - Ảnh 3.

Nhiều vụ tạt sơn, chất bẩn đòi nợ "khủng bố tinh thần" con nợ lẫn những người không liên quan.

Từng có nhiều nạn nhân bỗng dưng bị khủng bố, bị tạt sơn, chất bẩn đến đường cùng phải bán nhà bỏ đi. Trường hợp của chị N.T.T. (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) phải nhờ đến Công an phường bảo vệ vì các nhóm đòi nợ liên tục đến đe dọa, tạt sơn uy hiếp tinh thần, đòi chém giết. 

Theo chị T., một người có biệt danh là M. "khùng" nói chồng chị nợ họ 450 triệu nhưng không trưng ra được giấy tờ gì, chồng chị này cũng khẳng định không vay mượn số tiền trên. Tuy nhiên để yên ổn làm ăn, chị T. cũng cắn răng vay mượn 120 triệu đưa cho những đối tượng này. Dù vậy, những đối tượng này vẫn không chịu buông tha mà vẫn gọi điện liên tục khủng bố tin thần cả gia đình nạn nhân.

Nhiều người khi bị tạt sơn, bị gọi điện khủng bố tinh thần đã dò hỏi từng thành viên trong gia đình, dòng họ xem có thành viên nào vay nặng lãi bên ngoài hay không để tìm cách trả nợ. Tuy nhiên, khi xác định không thành viên nào vay nặng lãi vẫn bị tạt sơn, tạt mắm tôm khiến mọi người đều sống trong tình trạng lo lắng.

Dấu hiệu hoạt động kiểu xã hội đen

Trong kì họp Quốc hội vừa qua, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó dịch vụ đòi nợ thuê được các đại biểu (ĐB) tranh luận nhiều và đa phần ủng hộ phương án cấm.

Theo ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), các số liệu cho thấy rất nhiều công ty hoạt động đòi nợ thuê đều có câu kết hoạt động với các băng nhóm tội phạm. Bà Xuân dẫn, năm 2019, trong 125 DN trên toàn quốc hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê thì có tới 80 DN bị cơ quan chức năng xử lý vì có dấu hiệu hoạt động kiểu xã hội đen.

Còn theo ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ về loại hình dịch vụ này cho thấy nhiều DN đòi nợ thuê đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê… Điều này dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. 

Đòi nợ thuê bằng tạt sơn, mắm tôm: Bất ổn trật tự xã hội - Ảnh 4.

Nhiều ĐBQH ủng hộ cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì thường liên quan đến hoạt động của băng nhóm tội phạm, gây bất ổn xã hội.

Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật, hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. "Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tín dụng đen gây mất an toàn xã hội" - ĐB Hoa nói.

Sau quá trình thảo luận, vào ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó nội dung đáng chú ý là đã bổ sung "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Mới đây, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 10 Luật mới được Quốc hội thông qua, trả lời câu hỏi của báo chí về việc bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong Luật Đầu tư (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, sau 1/1/2021, dịch vụ đòi nợ thuê phải chấm dứt hoạt động.

Theo luật sư Nguyễn Văn Dũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, ngoài việc xâm phạm đến tài sản của người khác thì hành vi tạt sơn, chất bẩn vào nhà người khác còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người bị hại. Nó còn gây bất ổn trong trật tự xã hội nên cần phải lên án và xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Khoản 1 Điều 178 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Về phía người dân, nhiều người bày tỏ sự đồng tình với việc cấm loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhất là sau khi một số vụ đòi nợ thuê gây náo loạn xã hội được phản ánh. Tuy nhiên, cũng có không ít người băn khoăn khi cấm dịch vụ đòi nợ thuê rồi thì làm sao để chủ nợ lấy được nợ một cách đúng luật mà vẫn hiệu quả. Không còn chuyện tạt sơn, tạt mắm tôm, gọi điện thoại đe dọa, đưa ảnh lên mạng xã hội… mà "con nợ" vẫn tự giác trả nợ là cả một câu chuyện dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem