Đồng Tháp: Nuôi cá lăng ngoài đồng lúa, chả phải cho ăn mà dân bắt lên toàn cá tươi rói, bán đắt tiền

Thứ tư, ngày 14/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
Trên cùng một diện tích sản xuất, thay vì chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất từ cây lúa như trước đây, nay nông dân vùng đầu nguồn Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) có thêm nguồn thu nhập khá từ con cá đồng tự nhiên, trong đó có cá lăng.
Bình luận 0

Nuôi cá đồng tự nhiên, có cả nuôi cá lăng trong ruộng lúa

Nuôi cá đồng tự nhiên, trong đó có cá lăng chính là hiệu quả bước đầu và rõ nhất mà mô hình sinh kế của Tiểu Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” mang lại cho người nông dân.

Đồng Tháp: Nuôi cá lăng ngoài đồng lúa, chả phải cho ăn mà dân bắt lên toàn cá tươi rói, bán đắt tiền - Ảnh 1.

Thu hoạch cá đồng từ mô hình 2 lúa 1 cá ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình 2 lúa 1 cá đồng, cá tự nhiên của hộ anh Huỳnh Văn Kiểm ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) bắt đầu thu hoạch mẻ cá đồng, cá tự nhiên đầu tiên. 

Thực hiện mô hình 2 lúa – cá đồng, cá tự nhiên, anh Huỳnh Văn Kiểm tranh thủ thời điểm mùa lũ năm 2020, tiến hành nhử cá đồng vào ở tại các hộc bờ bao lửng, đồng thời anh thả nuôi bổ sung 70.000 con giống cá lăng. Sau 6 tháng thả nuôi, anh bắt đầu thu hoạch cá đồng, cá lăng.

Mặc dù chỉ mới thu hoạch một phần nhỏ diện tích cá đồng thả nuôi nhưng số lượng cá thu hoạch được rất đáng phấn khởi. 

Với 150kg cá lăng loại lớn thu hoạch được trong mẻ lưới kéo đầu tiên bán với bán cá lăng giá 85.000 đồng/kg, anh Kiểm có thêm thu nhập hơn 12 triệu đồng. Những mẻ cá lăng tiếp theo hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận lớn, bởi lượng cá lăng trong hộc bờ bao lửng còn rất nhiều.

Nuôi cá đồng trong ruộng lúa-sinh kế bền vững của nông dân Đồng Tháp

Là huyện đầu nguồn nên hằng năm mùa lũ đến huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) sớm hơn so với các địa phương khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững mô hình 2 lúa 1 cá. 

Thay vì ruộng đất bỏ không ngập nước trong mùa lũ, nay nông dân tham gia mô hình sinh kế mùa lũ có thể tận dụng mùa nước nuôi cá đồng để có thêm thu nhập đáng kể từ mô hình này.

“Mô hình trữ cá tự nhiên, nuôi cá đồng so với cá nuôi bình thường thì hiệu quả kinh tế cao hơn, giá bán cao hơn và chủ động thời gian để bán, không bị đụng chợ. Trữ cá đồng qua mùa hạn như thế này để bán thì giá bán cá đồng cao hơn, lợi nhuận hơn”, ông Nguyễn Kỳ Phùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết.

Qua so sánh tính hiệu quả của mô hình 2 lúa 1 cá đồng, cá tự nhiên với canh tác lúa truyền thống, cả hai vụ lúa sản xuất trong mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn từ 1,6 triệu đến 2,3 triệu đồng/ha. 

Ngoài ra, nông dân còn có thêm nguồn thu nhập khá từ cá đồng, cá tự nhiên. Ngoài hiệu quả thấy rõ từ nguồn thu nhập đến từ lúa và cá đồng, mô hình sinh kế 2 lúa 1 cá của Tiểu Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” còn giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất ở các vụ sau.

Bởi nuôi cá đồng trong ruộng lúa giúp diện tích đất trong mô hình được bồi đắp phù sa, các loại sinh vật gây hại cũng được cá ăn bớt nên chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ giảm xuống, lúa làm ra cũng sạch hơn.

Tân Hợp (Báo Đồng Tháp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem