Du học sinh Việt sang Australia không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm

Thứ hai, ngày 25/01/2021 19:50 PM (GMT+7)
Sang Úc du học, chúng ta hãy cởi mở để tiếp thu kiến thức và nền văn hóa mới. Nếu có điều kiện du học sinh hãy đi du lịch, làm thêm nhưng đừng quá đắm chìm.
Bình luận 0

Đó là kinh nghiệm được diễn giả chia sẻ trong khuôn khổ Ngày hội du học Úc 2021, do Tổng hội Du học sinh Việt Nam tại bang New South Wales (UAVS-NSW) tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 24/1.

Sự kiện Ngày hội du học Úc diễn ra với mong muốn hỗ trợ các cho các học sinh, sinh viên Việt Nam đang tìm hiểu về du học Úc có được sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình học tập, cũng như kết nối với những du học sinh đã và đang học tập tại Úc.

Các bạn học sinh, sinh viên đã nhận được những lời khuyên, kinh nghiệm thực tế từ các diễn giả khách mời.

Du học sinh Việt sang Úc không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm - Ảnh 1.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm sống và học tập tại Úc trong khuôn khổ ngày hội.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình học tập tại Úc, diễn giả Trần Văn Huy - tốt nghiệp tiến sĩ trường ĐH Công nghệ Sydney cho rằng, du học sinh không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm.

Du học sinh Việt sang Úc không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm - Ảnh 2.

Diễn giả Trần Văn Huy cho rằng du học sinh không nên đắm chìm vào việc làm thêm.

"Chúng ta hãy cởi mở để tiếp thu kiến thức và nền văn hóa mới. Nếu có điều kiện hãy đi du lịch, làm thêm nhưng đừng quá đắm chìm. Tôi đã gặp nhiều bạn do thiếu kinh phí học tập nên đã đi làm thêm rất nhiều, việc đó rất mệt, những kiến thức học trên lớp mình không có thời gian để ôn tập và ứng dụng, bài tập làm không tốt. Chúng ta cần xác định rõ mục đích của việc du học, đồng thời các phụ huynh nên cố gắng thu xếp kinh phí học tập cho sinh viên".

Anh Huy cũng nhấn mạnh khó khăn về ngôn ngữ đối với sinh viên khi du học tại Úc.

"Trước khi sang Úc tôi rất tự tin với chứng chỉ IELTS 7.0, nhưng đã bất ngờ ngay buổi học đầu tiên khi tôi không hiểu giảng viên nói gì. Quay sang hỏi các bạn khác thì họ cũng không hiểu mình nói gì.

Vì tiếng Anh của người Úc rất khó nghe, nhất là giọng của những giảng viên lớn tuổi. Để khắc phục thì chúng ta nên giao tiếp nhiều hơn với người bản xứ để quen với ngữ điệu của họ.

Việc tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là một điểm cộng cho các du học sinh khi xin việc làm tại Úc".

Diễn giả Đặng Thanh Vân - Tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính tại trường ĐH Sydney, Australia; sáng lập và điều hành một công ty chuyên kinh doanh các dịch vụ liên quan đến phát triển phần mềm chỉ ra những điểm khác biệt giữa môi trường học tập tại Úc và Việt Nam.

Du học sinh Việt sang Úc không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm - Ảnh 3.

Diễn giả Đặng Thanh Vân chỉ ra những khác biệt giữa môi trường học tập tại Úc và Việt Nam.

"Khác biệt thứ nhất là về hệ thống câu hỏi và đề thi. Ở Việt Nam, đề thi 90 phút thì một sinh viên giỏi chỉ cần làm trong 20 phút có thể xong. Còn ở Úc phải làm hết thời gian mới có cơ hội được điểm tốt, toàn bộ tài liệu có thể mang vào phòng thi nhưng phải có tư duy logic rất sâu, nếu không sẽ không tìm thấy bất kì tài liệu nào để chép.

Khác biệt nữa là nội dung chương trình học tập được cập nhật và thực tiễn. Hầu như tất cả các trường đại học đều hợp tác với các doanh nghiệp rất sâu và chuyên nghiệp. Vì vậy, 99% sinh viên đều có cơ hội làm việc trong khi còn đi học".

"Khó khăn lớn nhất với tôi khi sang Úc học là tính tự ti, tiếng Anh lại kém. Tôi thường trốn tránh việc thuyết trình trên lớp, như vậy tôi đã đánh mất nhiều cơ hội. Sau một kì học, tôi quyết đinh đi làm thêm, không phải vì tiền mà để tự tin giao tiếp hơn và dần dần tôi đã cải thiện khả năng giao tiếp của mình", chị Thanh Vân kể thêm.

Chị Vân cho rằng, du học sinh nên cởi mở để tự tin tiếp nhận kiến thức mới, phá vỡ các rào cản vô hình như sự tự ti, định kiến. Cần tôn trọng sự khác biệt khi tiếp xúc với những người đến từ nhiều nền văn hóa. Nên tìm ra con đường riêng cho mình, không nên theo bóng của một ai khác.

Ngoài ra, diễn giả Trần Văn Huy cho biết chương trình học tập ở Úc rất cập nhật. Các thí nghiệm đều được ứng dụng thực tiễn. Nhà trường kết hợp với các công ty bên ngoài, giảng viên làm việc với đội nghiên cứu của các công ty đó, lấy kiến thức thu lượm được trong các quá trình nghiên cứu đem vào giảng dạy luôn trong chương trình.

Trả lời câu hỏi của sinh viên "Làm thế nào để nhanh hòa nhập với môi trường sống và học tập tại Úc?", anh Huy khuyên du học sinh nên tham gia các hội nhóm của sinh viên Việt Nam tại Úc.

Các bạn có thể tham gia các hội chợ nhỏ thường xuyên được tổ chức trong khu vực, cộng tác ở những hoạt động cộng đồng. Người bản xứ rất đón nhận các bạn tham gia giúp đỡ họ.

Anh Huy nhấn mạnh rằng du học sinh không phải buộc mình định cư tại Úc sau khi tốt nghiệp. Thế giới đã "phẳng", Việt Nam cũng có nhiều môi trường tốt để các bạn quay về nước.

Du học sinh Việt sang Úc không nên "đắm chìm" vào việc làm thêm - Ảnh 4.

Phụ huynh và học sinh nghe tư vấn của đại diện các trường đại học hàng đầu tại Úc.

Ngày hội Du học Úc 2021 cũng hội tụ đại diện của gần 20 trường đại học hàng đầu tại Úc để giao lưu và chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm sinh sống và học tập tại Úc. Đồng thời cung cấp thông tin về học bổng du học Úc và hướng dẫn đăng ký ngay tại sự kiện.

Quang Trường (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem