Trần Ngà (tổng hợp)
Thứ năm, ngày 22/04/2021 00:23 AM (GMT+7)
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, ngoài những tour nghỉ dưỡng thông thường, những điểm du lịch nổi tiếng quen thuộc trên cả nước thì xu hướng du lịch trải nghiệm tự túc được dự đoán sẽ "lên ngôi" trong dịp này. Và điểm đến thú vị để khám phá trải nghiệm thì Mộc Châu hứa hẹn là một lựa chọn vô cùng hấp dẫn.
Mộc Châu là một huyện của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội gần 200km và cách Sơn La khoảng 150km về phía tây bắc theo quốc lộ 6. Mảnh đất này được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp hoang sơ hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, con người thân thiện, chất phác.
Với nền văn hóa đặc sắc, nhiều năm trở lại đây Mộc Châu là sự lựa chọn của nhiều du khách ưa khám phá trải nghiệm, Đi du lịch Mộc Châu, du khách vừa có cơ hội hòa mình vào thiên nhiên vừa có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Theo kinh nghiệm khám phá Mộc Châu, trải nghiệm lội thác, săn mây, ở nhà sàn,…là những trải nghiệm thú vị mà du khách nên thử khi đến với mảnh đất này.
Thác Chiềng Khoa thuộc địa phận xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, cách trung tâm Mộc Châu tầm 12km. Để đến với thác Chiềng Khoa, các bạn chỉ cần đi dọc theo tuyến đường quốc lộ 6 tới huyện Mộc Châu, sau đó hỏi đường người dân địa phương hoặc dùng bản đồ định vị.
Dọc đường đi, bạn sẽ bắt gặp biển báo Bến Phà 36km, Tô Múa 14km, bạn rẽ vào đường Tô Múa, di chuyển khoảng 4km nữa là đến với dòng thác Chiềng Khoa.
Thác Chiềng Khoa còn có tên gọi khác là thác Mây có tất cả 7 tầng, mỗi tầng cao khoảng từ 7 đến 10 mét. Dưới chân mỗi tầng thác đều có khoảng rộng tạo thành hồ chứa, làm nơi để bạn thỏa sức bơi lội. Tương phản lại màu trắng tinh khiết của dòng thác là màu xanh ngọc của mặt nước hồ dưới chân thác. Cùng với phong cảnh hoang sơ chưa có nhiều dấu chân người khám phá, đây chính là lí do mà người ta gọi Chiềng Khoa là "Tuyệt Tình Cốc" ở Mộc Châu.
Chuyến đi du lịch Mộc Châu của bạn sẽ là hành trình thú vị khi bạn tạm rời xa những áp lực, ngột ngạt từ thị thành. Bạn đến với dòng thác để được ngắm nhìn vẻ đẹp thuần khiết, được ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh, hít thở bầu không khí trong lành của miền sơn quả thực là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Để có thể tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc và bầu không khí tuyệt vời của Chiềng Khoa, du khách cũng cần trang bị các kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản. Cần hết sức cẩn trọng khi bơi lội ở thác nước bởi ở đây hoàn toàn khác với ở bể bơi. Đá ngầm, xoáy nước hay dòng nước xiết là những thứ bạn không lường được. Sau khi đến thác nên nghỉ ngơi một chút cho cơ bắp thư giãn, khô bớt mồ hôi thay vì nhảy ngay xuống nước khi bạn vừa đến nơi. Giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan nơi đây.
Chi phí để vào tham quan thác vô cùng hợp lý: vé vào cổng: 10.000đ/người; vé trông xe: 10.000đ/xe; vé thuê lán trại ăn uống nghỉ ngơi: 50.000đ/người; thuê bè: 20.000đ/người. Chiềng Khoa là dòng thác còn khá hoang sơ, vẫn thuộc về tự nhiên, các dịch vụ như trên đều do người dân địa phương cung cấp, chính vì vậy khi đi tham quan địa điểm này, du khách nên tìm hiểu và có thể trao đổi thỏa thuận giá với người dân.
Đỉnh Pha Luông
Chuyến du lịch Mộc Châu của bạn cũng sẽ thú vị không kém khi bạn chọn đỉnh Pha Luông hay còn gọi là Bờ Lung thuộc xã Tân Xuân, Chiềng Xuân cách Mộc Châu khoảng 40 km. Đây là đỉnh núi tiếp giáp với biên giới Việt - Lào về phía đông của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Đỉnh núi Pha Luông nằm trên độ cao gần 200m so với mực nước biển, nơi đây được mệnh danh là "nóc nhà Mộc Châu". Đối với những người trẻ có đam mê khám phá thì đây được xem là một điểm đến hấp dẫn để chinh phục.
Thời điểm đẹp nhất để bạn leo Pha Luông đó là vào tháng 12 đến tháng 4, rơi vào mùa khô. Khí hậu lúc này lạnh nhưng ít mưa dễ săn được mây hơn.
Nếu muốn săn được mây bạn phải xuất phát thật sớm, lên đến đỉnh tầm khoảng 7 giờ sáng. Chuyến đi du lịch Mộc Châu của bạn sẽ cực kỳ thú vị mang tính chinh phục, khi bạn bắt đầu hành trình cuộc săn mây khi trời còn mờ sương, mây còn găng mắc phủ đầy cây rừng.
Bạn sẽ bắt đầu cuộc hành trình săn mây, hít thật căng bầu không khí trong lành, tinh khôi của buổi sớm và rồi, trên chặng đường hành trình chinh phục của bạn, bạn sẽ được chứng kiến khoảnh khắc có một không hai. Được ngắm mặt trời từ từ nhô lên bởi chân trời xa xa, cùng đó là cảnh núi rừng hùng vỹ dần dần hiện ra trước mắt bạn.
Bạn sẽ được chứng kiến mặt trời từ khi còn là quầng đỏ như lòng trứng gà cho tới khi những tia nắng của mặt trời xiên qua những tầng mây tạo thành ánh hào quang lấp lánh và rồi tiếp đến là ánh sáng nắng chói loà phủ đầy cây rừng.
Cung đường leo núi rất đa dạng qua sự thay đổi của thiên nhiên suốt dọc đường leo. Lúc thì rừng trúc rậm rạp, khi thì rừng lá phong cao vút, rồi có lúc phải leo trèo lên cây, bám vào rễ cây mới có thể qua được.
Sẽ mất khoảng 3, 4 tiếng để bạn đặt chân lên đỉnh Pha Luông. Giữa rừng núi mênh mông, mây vần mây, chuyển động cuồn cuộn kèo theo tiếng gió thổi rì rào. Ở đây không có cột mốc như những ngọn núi khác, chỉ có mỏm đá "sống ảo" mà các bạn trẻ vẫn hay ra đó ngồi để chụp hình. Đứng ở đây, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh đường biên giới Việt – Lào, mọi cảnh vật đều thu lại trong tầm mắt của bạn.
Một số lưu ý khi chinh phục đỉnh Pha Luông – du lịch Mộc Châu.
Vì đây là khu vực biên giới nhạy cảm, nên có một số thời gian đỉnh Pha Luông bị cấm leo. Nếu bạn muốn đi thì hãy gọi điện trước cho đồn biên phòng hoặc poster để xác nhận có được chinh phục địa điểm này hay không.
Nên thuê poster dẫn đường vì đi trong rừng rất dễ bị lạc sang vùng biên giới.
Sử dụng xe số để di chuyển, kiểm tra kỹ càng xe trước khi đi.
Tất cả thành viên trong đoàn đều phải mang theo chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân để làm thủ tục leo.
Mang theo áo gió, giày leo núi hoặc giày có độ bám tốt, gậy leo núi, đồ ăn nhẹ.
Đỉnh Pha Luông, một ngọn núi không quá khó để ta có thể đặt chân đến. Hãy tạm gác mọi bộn bề của cuộc sống, xách balo lên và đi thôi nào. Đi để chìm đắm vào mây, vào cây cỏ, vào cảnh sắc thiên nhiên hoang dã.
Rừng thông bản Áng
Rừng thông Bản Áng nằm ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Đây là một điểm du lịch Mộc Châu vô cùng nổi tiếng. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp hoang sơ nổi tiếng. Rừng thông chỉ cách trung tâm thị trấn Mộc Châu khoảng 2 km theo hướng quốc lộ 43. Hiện nay, đường đến rừng thông đã được làm mới nên khá dễ đi. Để đến được đây, du khách xuất phát từ trung tâm thị trấn và men theo con đường Phan Đình Giót chừng 2 km về phía Nam để đến khu du lịch bản Áng.
Sau đó, tiếp tục đi thẳng đến ngã tư sẽ thấy một bảng hướng dẫn với 3 hướng rẽ. Nếu đi thẳng sẽ dẫn đến khu làng bản Áng, rẽ trái là khu vực hồ tự nhiên của rừng thông và rẽ trái là khu vườn hoa nhiệt đới, hoa cải.
Rừng thông bản Áng một ngày như bao trùm cả tiết trời 4 mùa. Buổi sáng nơi đây bị "bủa vây" với sương mù giăng khắp lối. Đến trưa ánh nắng vàng rực với nhiệt độ khá cao. Buổi chiều bầu trời lại trong xanh yên ả. Bóng thông chiếu xuống mặt hồ phẳng lặng,một không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng. Tối đến, nhiệt độ hạ thấp, bạn dường như có thể cảm thấy mùa đông đang về.
Chính bởi vậy khi đến đây du lịch, bạn nhớ mang đủ quần áo 4 mùa. Đặc biệt nhớ phải mang theo kem chống nắng và kem chống muỗi, côn trùng. Một lưu ý dành cho bạn là khi đi rừng thông bản Áng bạn sẽ mất phí vé vào. Tuy nhiên vé vào rừng thông bản Áng rất rẻ, chỉ 20.000 đồng/ người. Và đặc biệt bạn nên thuê xe đạp với giá 50.000 đồng/ xe để có thể thăm thú và sống ảo nhé.
Vẻ đẹp của bản Áng chính là vẻ đẹp đại diện cho nét đẹp của Mộc Châu. Du khách tới đây sẽ hoàn toàn cảm nhận được trọn vẹn bầu không khí trong lành, thoáng đạt. Sự thuần khiết của thiên nhiên hòa quyện với cảnh vật núi rừng khiến con người ta có cảm giác tận hưởng đúng nghĩa.
Du lịch Mộc Châu: Tinh hoa văn hóa Tây Bắc kết tinh trong những nếp nhà sàn, ẩm thực dân tộc đặc sắc
Nhà sàn bản Áng
Nếu như cảnh đẹp sẽ làm bạn mê mẩn thì văn hoá ẩm thực sẽ khiến chuyến đi du lịch Mộc Châu của bạn thú vị và độc đáo, bởi người Thái là dân tộc sống lâu đời nhất ở vùng núi Tây Bắc, họ đã cùng các dân tộc khác kiến tạo nên nền văn hóa vật chất cổ truyền độc đáo: "Ăn cơm nếp, uống rượu cần, mặc Xửa Cỏm, ở nhà sàn".
Nhà sàn hay còn gọi là nhà gác được xem là một nét văn hóa mang đậm bản sắc tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái. Kiến trúc nhà sàn là sự kết tinh hội tụ của thiên nhiên đất trời và vàn vật trong hàng nghìn năm, cho đến nay bản sắc riêng của người Thái vẫn được giữ gìn, phát triển không ngừng.
Nếu bạn sinh ra và lớn lên tại thành phố thì đi du lịch Mộc Châu, đến với nhà sàn bản Áng sẽ có cơ hội để bạn trải nghiệm cảm giác mới lạ. Ngủ nhà sàn, đốt lửa trại, ngân nga những câu hát của người dân tộc Thái thật sự đem đến cảm giác gần gũi gắn kết với người dân bản địa. Một nơi nghỉ dưỡng bình yên và thư thái.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp được biết đến là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món ăn được làm từ phần thịt bắp của trâu hoặc bò được thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Để làm được thịt trâu gác bếp, người ta lọc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, hun bằng khói của than củi.
Những miếng thịt trâu thành phẩm vẫn còn nguyên mùi khói song không hề gây khó chịu, chính cái mùi khói ấy mới làm nên hương vị thơm ngon độc đáo của món ăn. Ngoài ra, người làm dùng các loại gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén (hạt tiêu rừng) của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc để khiến miếng thịt có hương vị đậm đà, hấp dẫn hơn.
Du lịch Mộc Châu: Truyền thuyết về món cá nướng của người miền cao
Khác với món cá nướng miền xuôi, cá nướng Mộc Châu có mùi thơm đặc trưng từ mắc khén. Theo người dân kể lại, bà con dân tộc Thái có quan niệm khi đứa trẻ được sinh ra đã được người mẹ lấy đũa gắp miếng cá nướng chấm vào miệng đứa bé để chúng được hưởng miếng cá mà lớn khôn.
Để chế biến món Pa Pỉnh Tộp, người ta cho ướp cá với khá nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng, đặc biệt không thể thiếu mắc khén – loại hạt tiêu đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi chừng vài lạng là có thể chế biến được, đem mổ dọc sống lưng, để nguyên nội tạng, nhưng bỏ mật. Sau đó nhồi vào bụng cá các loại gia vị đã tẩm ướp vào cho ngấm đều rồi mới gập đôi lại, cho vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi.
Nướng cá cũng không hề đơn giản, người nướng phải làm thật khéo léo để cá chín, không ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá. Cá nướng không bị quá cháy cũng như quá khô, thịt cá dai mềm. Nhìn miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay của mắc khén mới hấp dẫn làm sao
Cơm Lam
Trong những món đặc sản vùng cao tại Sơn La, cơm lam là món ăn gây ăn tượng mạnh với du khách, món ăn dân dã vừa thơm vừa bùi, thấm đẫm hương vị đồng quê. Cơm lam muốn ngon phải được chế biến từ gạo nương, nếu chọn được gạo cẩm và nếp cái hoa vàng sau khi thu hoạch thì cơm lam sẽ ngon nhất. Khi chế biến, người ta cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm vào gạo, đãi sạch rồi đổ vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, cho lên bếp lửa đốt.
Khi thưởng thức, chỉ cần khéo léo, nhẹ nhàng tách từng phần tre bó chặt vào từng cây cơm trắng nõn. Mùi thơm của gạo nếp nương mới hòa quyện cùng chút hương vị của tre, của khói bếp khiến cho món ăn này mang đậm hương vị của núi rừng. Có lẽ chính hương vị ấy khiến cho cơm lam trở nên khác biệt so với các loại cơm nếp thông thường khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.