Dù nghèo, người Mông ở đây vẫn hiến đất, chinh phục 6km đường "thần thánh"
Dù nghèo, người Mông ở đây vẫn hiến đất, chinh phục 6km đường "thần thánh"
Chiến Hoàng
Thứ hai, ngày 05/10/2020 07:00 AM (GMT+7)
Đến Nam Mẫu, vào Khâu Qua phải vượt dốc đèo hun hút, đường núi chênh vênh… Vậy nên người Mông ở Khâu Qua (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) bảo nhau, có con đường bê tông như dưới huyện thì thôn mình mới khá lên được, phải góp công, góp của, hiến đất làm đường thôi.
Chúng tôi lên Khâu Qua - thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống, đúng ngày mưa. Lúc xuất phát, Lý A Thán - Bí thư Chi bộ thôn còn đang tập huấn dưới huyện, ấy mà chẳng mấy chốc đã kịp cắt rừng lên ngã ba Quán Gió đợi đón chúng tôi.
Mới đây, gia đình Lý A Thán là một trong những "Hộ gia đình văn hóa" tiêu biểu, được khen thưởng trong Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện Ba Bể (giai đoạn 2000 - 2020).
Anh Thán được tặng giấy khen cá nhân có mô hình tiêu biểu trong phong trào "Dân vận khéo" giai đoạn 2018 - 2020.
Cung đường Cốc Tộc - Quán Gió mà Lý A Thán vừa qua vốn là cung đường chỉ dành cho những dân leo núi chuyên nghiệp chứ đừng nói là đi môtô như Thán.
Từ ngã ba Quán Gió vào Khâu Qua chỉ chừng 6km, nhưng cung đường "thần thánh" này không phải khách đường xa nào cũng đủ can đảm vượt qua, nhất là vào những ngày mưa gió.
Sau khi nhấp ngụm trà, Lý A Thán lặng lẽ ra xe, nhấn ga vượt dốc, chúng tôi nín thở rì rì bám theo. Mưa còn chưa dứt, gió nhè nhẹ lùa sương như chốn bồng lai, ấy mà chỉ sơ sểnh chút thôi là có thể lộn nhào xuống vực, tâm trí đâu mà thưởng ngoạn.
Nhà Thán nằm ngay lưng chừng núi, phía dưới là con đường bê tông liên thôn, con đường mà bà con Khâu Qua trước đó vẫn hằng ao ước. Lý A Thán bảo, khi anh chưa làm Trưởng thôn đã nghĩ đến con đường này rồi, bà con cũng vậy.
"Năm 2016, được Đảng, Nhà nước quan tâm cho chúng tôi con đường, chúng tôi phấn khởi lắm. Tôi đã tự nguyện hiến đất trước để làm gương, sau đó cùng Ban Mặt trận thôn đến các nhà dân vận động. Ở đây, bà con đi làm cả ngay, ít khi có người ở nhà, phải tối muộn hoặc sáng sớm mới gặp được, có hộ thì chúng tôi đến 3 - 4 lần mới gặp. Vất vả nhưng vui khi nghĩ chỉ cần bà con quyết chí đồng lòng, thuận tình hiến đất thì Khâu Qua chúng tôi về sau sẽ không còn khổ nữa"- Lý A Thán tươi cười.
"Qua vận động, tuyên truyền, đã có hơn 3.000m2 đất được hiến để làm đường, mỗi hộ cũng góp thêm hơn 1 triệu đồng hỗ trợ tiền dầu cho máy xúc phá tuyến. Hằng ngày, thôn luôn duy trì khoảng 5 - 15 người phụ giúp. Chỉ 2 tháng, 3km đường bê tông nông thôn mới đã được hoàn thiện" - anh Thán kể.
Bí thư Thán dân vận khéo
Khi chúng tôi có mặt ở Khâu Qua thì cũng đã 12 giờ trưa, người trong thôn đi rừng vẫn chưa ai về. May mắn có nhà chị Dương Thị Hành mở cửa. Chị Hành cùng gia đình có nghề làm khăn áo nên không lên rừng mà ở nhà khâu vá.
Chị Hành cho biết: "Con đường này cũng đi qua đất nhà tôi, được Bí thư Thán vận động, gia đình đã đồng thuận hiến cho thôn 12m chiều dài dọc tuyến. Giờ có đường rồi, đi lại thuận tiện lắm. Trước chưa có đường, muốn mang hàng đi bán không đi nổi đâu, chỉ các ông chồng mới đi được thôi".
Nhờ dân vận khéo, Bí thư Thán còn vận động được hộ gia đình ông Thào Văn Dẩư hiến hơn 3.400m2 đất để làm sân chơi thể thao và làm đường.
Chia sẻ với phóng viên, ông Dẩư cho biết, thấy việc mở đường, làm sân thể thao rất có ích, lại được Bí thư Chi bộ thôn vận động, gia đình đã nhất trí hiến đất cho thôn. Con cháu có con đường này đi lại sẽ dễ dàng hơn, người dân có gì bán, hay xuống chợ cũng tiện nữa.
"Muốn cuộc sống đỡ vất vả thì cùng nhau làm thôi"- ông Dẩư cười.
6km của cung đường "thần thánh" ngày nào giờ như chú ngựa hoang bị sự nhất trí, đồng lòng của đồng bào Mông ở Khâu Qua, Nặm Dài khuất phục, mà người ghì cương, bẻ lái lại là một Bí thư Chi bộ thôn với vóc dáng bé nhỏ.
Xuôi đèo về lại ngã ba Quán Gió, từ Quán Gió còn 16km nữa mới đến trung tâm huyện, bên tai chúng tôi lúc này còn nghe văng vẳng lời Lý A Thán, giờ đồng bào Mông ở Khâu Qua, Nặm Dài… không còn lo nghĩ về đường nữa rồi, chỉ tập trung làm kinh tế thôi…
Ông Lưu Quốc Trung - Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều tấm gương điển hình trong việc vận động hiến và hiến đất, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, cùng nhau xoá đói giảm nghèo, làm kinh tế. Với đồng bào Mông, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Qua - Lý A Thán là một gương điển hình tiêu biểu tại địa phương.
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo
Tin cùng chủ đề: Truyền thông về giảm nghèo năm 2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.