Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 3): Câu chuyện của xoài Sơn La, bưởi Hà Tĩnh...
Đưa nông sản lên sàn - sáng kiến vượt khó Covid-19 (bài 3): Câu chuyện của xoài Sơn La, bưởi Hà Tĩnh...
Minh Ngọc
Thứ tư, ngày 18/08/2021 13:00 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, để tiếp cận đến người tiêu dùng nhanh nhất, nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc đưa nông sản lên sàn thương mai điện tử (TMĐT). Câu chuyện của xoài Sơn La, bưởi Hà Tĩnh là 1 ví dụ.
Tỉnh Sơn La hiện có trên 87.500ha cây ăn quả và cây sơn tra, trong đó, diện tích xoài trên 19.000ha, nhãn trên 19.200ha. Toàn tỉnh đã được cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 4.700ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu.
Bước vào đầu vụ thu hoạch xoài năm nay, tỉnh Sơn La đã tiến hành nhiều sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng để quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thiết lập các kênh tiêu thụ nông sản mang tính bền vững.
Trong đó, việc áp dụng công nghệ 4.0, mở rộng đưa các sản phẩm nông sản an toàn lên giao dịch tại các sàn TMĐT như Postmart, Sendo, Voso, Shopee… được đẩy mạnh.
"Tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, thiết lập các kênh tiêu thụ nông sản mang tính chiến lược, bền vững; áp dụng công nghệ 4.0 để đưa các sản phẩm nông sản an toàn lên giao dịch tại các sàn thương mại điện tử".
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La
Chia sẻ với phóng viên, anh Hà Văn Quan (ở xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La) vui vẻ nói: "Nhà tôi có 2ha xoài tượng da xanh, trong đó có hơn 1ha đã cho thu hoạch. Đợt này, gia đình tôi được lựa chọn để xuất bán cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và sàn TMĐT với giá 7.000 đồng/kg. Tuy giá có thấp hơn các năm trước, nhưng tôi thấy phấn khởi vì dịch Covid-19 phức tạp, nhiều nơi không bán được nông sản thì sản phẩm xoài của gia đình tôi và người dân trong xã vẫn được tiêu thụ tốt".
Còn ông Hà Văn Sơn - Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, chia sẻ: "Tất cả các sản phẩm xoài của HTX tiêu thụ tốt, bên cạnh xuất khẩu sang Trung Quốc thì còn được đưa lên sàn TMĐT".
Ông Hà Phương - Giám đốc kinh doanh khu vực miền Bắc của Shopee Việt Nam cho biết, với việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác có thể dễ dàng tìm mua sản phẩm mận hậu và xoài tròn Sơn La tại trang: https://shopee.vn/m/shopeefarm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, để quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương đến khắp mọi miền đất nước thông qua sàn TMĐT, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ HTX, người dân xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm.
Đồng thời, giúp các HTX, hộ sản xuất được tiếp cận, làm quen với cách bán hàng mới trên các sàn TMĐT, qua đó sẽ tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn, nhất là các khách hàng nước ngoài.
Bưởi đặc sản Phúc Trạch lần đầu lên sàn TMĐT
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống, tỉnh Hà Tĩnh đã mở rộng thêm kênh phân phối qua sàn TMĐT, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Khê cho biết, niên vụ năm 2021, trên địa bàn huyện có khoảng 2.700ha trồng cây bưởi Phúc Trạch, ước tính sản lượng đạt trên 20.000 tấn quả, dự kiến cuối tháng 8 này sẽ bước vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, ngoài tiêu thụ theo truyền thống cho thương lái, chợ đầu mối, siêu thị, bưởi Phúc Trạch sẽ có thêm kênh tiêu thụ mới là kết nối với các sàn giao dịch TMĐT.
Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên trang trại bưởi Phúc Trạch 2.400 gốc của gia đình ông Trần Đình Nghị (ở Tổ hợp tác trồng bưởi Anh Quân, xã Phúc Trạch, Hương Khê) dự kiến cho thu hoạch hơn 65 tấn.
Cùng với chăm sóc đảm bảo cho quả bưởi khi xuất ra thị trường đạt chất lượng tốt nhất, thời gian qua, ông Nghị còn bận rộn với tập huấn, đăng ký, cài đặt phần mềm chuyển đổi số để tham gia sàn TMĐT.
Theo đó, ông Nghị cùng các các hộ trồng bưởi được cấp một tài khoản số để đăng ký thông tin: Diện tích, sản lượng, năm trồng và số cây... Bằng việc quét mã truy xuất nguồn gốc gắn trên sản phẩm, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về nhà vườn, điều kiện canh tác, thông tin chi tiết của sản phẩm...
"Việc tham gia chuyển đổi số, ứng dụng phần mền quản lý truy xuất nguồn gốc sản xuất đến khâu tiêu thụ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người sản xuất. Đây là cách tốt nhất để loại bỏ khâu trung gian, giúp nông sản ổn định về giá, không bị thương lái thao túng" - ông Nghị cho biết.
Được biết, sàn TMĐT Postmart với hệ thống trên 13.000 bưu cục trên địa bàn cả nước cam kết sẽ tiêu thụ 500 tấn bưởi Phúc Trạch qua hệ thống bưu điện các tỉnh.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.