Ngày 12.6.1972, một bức ảnh được đăng ở trang nhất của nhiều nhật báo lớn ở Mỹ đã khiến dư luận thế giới phẫn nộ. Bức ảnh ấy mô tả cảnh tượng hãi hùng: Một bé gái 9 tuổi trần truồng, nạn nhân của bom napalm, đang chạy trên con đường nhựa ở gần Trảng Bàng. Nó đã góp phần làm dâng cao hơn làn sóng phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Tác giả bức ảnh là Huỳnh Công Út, phóng viên của AP – khi ấy mới 21 tuổi nhưng đã có 5 năm là phóng viên chiến trường.
|
Nick Út luôn quan tâm đến trẻ em nhiễm chất độc da cam. |
Phóng viên… 16 tuổi
Huỳnh Công Út sinh năm 1951 tại xã Bình Quới, huyện Châu Thành, một vùng đất thuần nông của tỉnh Long An. Sống ở quê tới 12 tuổi thì ông được anh ruột là Huỳnh Thanh Mỹ - phóng viên chiến trường của Hãng thông tấn Associated Press (AP) đưa về Sài Gòn đi học.
Cuối năm 1965, tại kênh Thị Đội Ô Môn (Cần Thơ), nhà báo Huỳnh Thanh Mỹ tử nạn trong bom đạn mịt mù giữa hai chiến tuyến ở tuổi 27 tràn đầy sinh lực. Lúc này, Huỳnh Công Út mới 15 tuổi.
Vài tháng sau, khi đã nguôi ngoai nỗi đau mất anh, Út tìm gặp nhà báo Horst Faas - Trưởng đại diện AP tại Sài Gòn xin việc, chủ yếu kiếm tiền tiếp tục việc học. “Cậu không được làm phóng viên. Anh Mỹ đã mất và chúng tôi không muốn có thêm mất mát nào nữa” – ông Horst Faas quả quyết.
Dù bị từ chối nhưng máu chụp ảnh trong cậu vẫn không ngừng chảy. Một lần, Út chụp cảnh em bé đang đánh giày cho nhóm lính Mỹ, không ngờ được chọn đăng trang nhất trên báo. Ít lâu sau, Văn phòng AP Sài Gòn nhận tin có vụ ni sư tự thiêu gần chùa Ấn Quang ngay nội đô Sài Gòn. Kể từ 1963, khi hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chiến tranh, đến 1966 đã có thêm gần 20 vụ tự thiêu khác.
Lúc này, các phóng viên đều đã đi tác nghiệp xa nên Út chộp ngay máy ảnh phóng đến hiện trường. Cảnh thi thể cháy đen của vị sư nữ nằm giữa đường, xung quanh là nhiều người kêu khóc ám ảnh Út. Sau khi bức ảnh được các chi nhánh AP khắp thế giới sử dụng, Nick Út tiếp tục có nhiều ảnh tốt, đủ sức thuyết phục AP nhận anh làm phóng viên ảnh khi mới 16 tuổi.
Nhiều tấm ảnh của “nhà báo nhí” Nick Út (Nick là cái tên do những đồng nghiệp AP đặt cho anh) chụp tại các chiến trường Việt Nam, Campuchia được đánh giá xuất sắc và được truyền đi khắp thế giới.
Người đoạt giải Pulitzer trẻ nhất thế giới
Những ngày đầu tháng 6.1972, giao tranh ác liệt xảy ra ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngày 8.6, máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời. Có 4 tiếng nổ lớn của bom napan vang lên, mặt đất rung chuyển và lửa bùng lên cao. Từ trong khói lửa là cảnh một phụ nữ bồng trên tay đứa bé đã chết, từng lớp da bong ra. Một nhóm 5 đứa trẻ vừa chạy vừa kêu khóc. Một bé gái bị bỏng nặng, da trên vai bị bỏng sâu rời ra từng mảng vừa chạy vừa dang 2 tay kêu cứu. Có mặt tại hiện trường, Nick đưa máy lên chụp lại cảnh tượng hãi hùng này. Chụp ảnh xong, Nick đã đưa em bé đến bệnh viện rồi vội vã đến văn phòng AP tại Sài Gòn tráng rửa ảnh.
Bức ảnh bé Kim Phúc bỏng vì napalm đã mang về cho Huỳnh Công Út một giải Pulitzer ngay trong năm 1972 và anh trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới với tên gọi quen thuộc là Nick Út. Anh cũng là người trẻ nhất thế giới hiện nay đoạt giải Pulitzer (Pulitzer được xem là giải thưởng danh giá nhất về lĩnh vực báo chí).
Chiến tranh ở bất cứ đâu đều khốc liệt như nhau nên tôi chỉ ước ao không ai phải “nối nghiệp” mình, không phải chụp ảnh mất mát đau thương do chiến tranh mang lại” .
Nick Út
Bức ảnh sau đó tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng danh giá và được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. “Đây là bức ảnh thay đổi cuộc đời tôi, và cũng thay đổi cuộc đời Kim Phúc. Nhờ có bức ảnh này, Kim Phúc được các bác sĩ giỏi nhất Sài Gòn lúc ấy chạy chữa. Tôi thật mừng vì đến giờ vẫn giữ liên lạc với Kim Phúc. Cô ấy đang là Đại sứ hoà bình của Liên Hợp Quốc, đã có gia đình cùng 2 người con và đang định cư ở Canada” – Nick Út kể.
Cho đến nay, Nick Út đã có 46 năm làm việc cho AP. Dù đã “qua tuổi hưu” nhưng ông vẫn là phóng viên ảnh chủ lực của AP, Chi nhánh Los Angeles tại Mỹ.
Nick Út hiện đang có một gia đình nhỏ hạnh phúc tại Mỹ. Vợ ông đã nghỉ hưu, con trai và con gái của ông đều có khiếu chụp ảnh nhưng ông không cho các con nối nghiệp mình. “Những phóng viên chiến trường thế hệ chúng tôi luôn bị các tác phẩm của chính mình ám ảnh. Chiến tranh ở bất cứ đâu đều khốc liệt như nhau nên tôi chỉ ước ao không ai phải “nối nghiệp” mình, không phải chụp ảnh mất mát đau thương do chiến tranh mang lại” – Nick Út trăn trở. Hỏi bao giờ “nghỉ hưu”, Nick Út cười to: “Mỗi ngày tôi vẫn luyện cơ bắp để đủ sức khoẻ phục vụ AP cho đủ 50 năm. Sau đó, tôi muốn về Việt Nam và đi cho bằng hết quê hương xứ sở của mình”.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.