"Vỡ ngực" vì ung thư vú vẫn "nhịn" không đi điều trị

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 17/12/2021 06:19 AM (GMT+7)
Dù bị ung thư vú đã lâu, khối u lớn nhưng bệnh nhân nhất định không đi khám và điều trị. Chỉ đến khi khối u căng nứt, vỡ chảy dịch hôi thối mới vội vã đến bệnh viện.
Bình luận 0

Nguy kịch vì không chịu đi điều trị ung thư vú

Tin từ Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện vừa điều trị cho một ca ung thư vú giai đoạn muộn với khối u đã vỡ, sùi loét.

Bệnh nhân nữ 44 tuổi ở Quảng Yên, Quảng Ninh phát hiện có khối u ở vú phải từ lâu nhưng chưa đi khám và điều trị gì. Khi khối u vỡ ra, lở loét, chảy máu, chảy mủ, bốc mùi hôi thối khó chịu, người bệnh mới vội vàng tới viện.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng suy kiệt, mệt mỏi nhiều, thiếu máu nặng, khối u vú phải căng to, đã vỡ, sùi loét, chảy máu.

Các bác sĩ Khoa Phẫu trị - Xạ trị và Y học hạt nhân cho biết, bệnh nhân đã bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú phải, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật triệt căn.  

Khối u vú sùi loét, bốc mùi hôi thối vì không chịu đi khám - Ảnh 1.

Dù bị ung thư vú nhưng người bệnh vẫn không đi khám, chỉ đi viện khi khối u vú sưng phồng, lở loét, chảy mủ hôi thối. (Ảnh BV Uông Bí Thụy Điển)

Người bệnh được chỉ định và tiến hành điều trị hóa chất nhiều đợt. Tuy nhiên khối u đã lan rộng, nên đáp ứng kém, khối u còn tiếp tục lan rộng hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Kíp phẫu thuật đã cắt bỏ khối u và tái tạo vú bằng vạt da cơ ngang bụng (vạt TRAM) cho người bệnh. Khối u được cắt bỏ có kích thước 20x20x10cm.

Đến nay sau hơn 2 tuần điều trị, hiện sức khỏe người bệnh ổn định, vết mổ khô, phần vạt da cơ được nuôi dưỡng tốt.

Theo các bác sĩ, do khối u của bệnh nhân đã tổn thương lan rộng, thâm nhiễm toàn bộ vú phải và thành ngực nên không còn khả năng điều trị khỏi. Tuy nhiên phẫu thuật giúp cho bệnh nhân kéo dài thời gian, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đây là trường hợp đáng tiếc vì nếu đến viện sớm, ung thư vú có tỷ lệ điều trị khỏi gần như hoàn toàn.

"Vỡ ngực" vì ung thư vú vẫn nhịn không đi điều trị - Ảnh 2.

Tầm soát, phát hiện ung thư vú sớm thì tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn có thể lên đến 90% (Tầm soát ung thư vú tại sự kiện Quỹ Ngày mai tươi sáng thực hiện trước khi có dịch Covid-19. Ảnh BYT)

Ung thư vú có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Tại Việt Nam, bệnh ngày càng trẻ hoá. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Ở giai đoạn 1-2 có thể chữa ổn định tới hơn 90%; ở giai đoạn 3 tỉ lệ sẽ là 60% và đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. 

Vì vậy nên việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

"Việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỉ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp", Thứ trưởng Thuấn nhận định.

Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực (Bệnh viện Bạch Mai) cũng nhận định, ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người bệnh.

Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và có những giải pháp điều trị phù hợp thì sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Những người có nguy cơ mắc ung thư vú

Theo bác sĩ Vũ Anh Tuấn, những người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm: Tiền sử gia đình: phụ nữ có mẹ, con gái, chị/em gái bị ung thư vú, có đột biến gen BRCA1 và BRCA2; Tuổi cao: phụ nữ ≥ 40 tuổi;

Phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực; Phụ nữ có tiền sử bị ung thư trước đó: đã bị ung thư một bên vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng…

Phụ nữ có hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi); Phụ nữ mang thai muộn (> 30 tuổi), không mang thai, không cho con bú; Phụ nữ béo phì, hút thuốc lá;

"Vỡ ngực" vì ung thư vú vẫn nhịn không đi điều trị - Ảnh 3.

Dấu hiệu nhận biết ung thư vú (Ảnh Bệnh viện Bạch Mai)

Bác sĩ Tuấn cho biết, hiện có 3 phương pháp điều trị ung thư vú là phẫu thuật bảo tồn vú, chỉ cắt một phần tuyến vú, vét hạch nách. Phương pháp này phù hợp với khối u có kích thước < 2 cm,  chỉ có một ổ tổn thương và chưa có di căn xa;

Hai là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, vét hạch nách cải biên. Kỹ thuật này chỉ định cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn II hoặc giai đoạn muộn đã điều trị tân bổ trợ.

Ba là phẫu thuật tạo hình sau phẫu thuật ung thư vú. Phương pháp này có 2 hình thức: Đặt túi độn ngực (Implant) và Tạo thể tích cho vú đã cắt bỏ bằng vạt da tự thân.

Thống kê năm 2020 cho thấy mỗi năm, ở nước ta có 182.563 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 21.555 ca (chiếm tỷ lệ 11,8 %). Đây là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem