Đường lớn đã mở, đi tới tương lai…

Thế Anh - Ngọc Hải Thứ hai, ngày 23/01/2023 06:00 AM (GMT+7)
Khi không khí mùa xuân Quý Mão 2023 đã rộn ràng khắp mọi miền đất nước, trên đại công trình dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (tổng chiều dài 654km với 11 dự án thành phần, trải dài trên 13 tỉnh, thành) vẫn đang rộn rã tiếng máy móc, công nhân hối hả thi công để đưa dự án về đích đúng hẹn.
Bình luận 0

Những ngày cuối năm 2022 vắt sang năm mới 2023, khi người lao động cả nước háo hức chuẩn bị về quê đón tết vui xuân Quý Mão, trên công trường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động... vẫn đang tập trung thi công để đẩy nhanh tiến độ cán đích theo mục tiêu của Chính phủ, Bộ GTVT. Với những nỗ lực của họ, đường lớn đã mở, đường băng đang dần nên hình hài… mang lại những vận hội cho phát triển đất nước.

Đón Tết Nguyên đán trên công trường

Khi không khí mùa xuân Quý Mão 2023 đã rộn ràng khắp mọi miền đất nước, trên đại công trình dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (tổng chiều dài 654km với 11 dự án thành phần, trải dài trên 13 tỉnh, thành) vẫn đang rộn rã tiếng máy móc, công nhân hối hả thi công để đưa dự án về đích đúng hẹn.

Tại 6 dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các nhà thầu đang huy động tối đa lực lượng, máy móc thi công. Tương tự, 2 dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu có mốc tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023 cũng đang được gấp rút thi công.

Với mục tiêu đưa 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành thông tuyến cơ bản trước ngày 31/12/2022, lực lượng kỹ sư, công nhân... tích cực làm việc bất chấp nắng mưa.

xuan/Đường lớn đã mở, đi tới tương lai…  - Ảnh 1.

Giây phút mìn nổ phá đá tạo mặt bằng làm đường cao tốc. Ảnh: T.A

"Chúng tôi quen với những bữa cơm "chan mồ hồi lẫn bụi bặm" rồi. Ăn uống tại công trường đã trở thành thói quen của những người công nhân nơi đất đỏ".

Công nhân Trần Văn Tiến (sân bay Long Thành)

Có mặt trên công trường dự án Dầu Giây - Phan Thiết thuộc địa bàn xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, không gian chìm trong nắng và bụi mù mịt, hàng đoàn xe tải tấp nập ra vào… chúng tôi cảm nhận được cái nắng ít gió và hơi nóng hầm hập của mảnh đất Nam Trung Bộ khiến ai nấy ngột ngạt, khó chịu. Đi vòng ra phía sau núi, bắt gặp hình ảnh những công nhân miệt mài khoan phá đá, tiếng máy móc ầm ầm, bụi quyện thành từng đám bay theo những làn gió cuốn… Công trường thi công gói thầu số 2 của dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết do nhà thầu Phương Thành thi công đang lộ rõ hình hài một tuyến cao tốc hiện đại.

Chúng tôi men theo con đường mòn phía dưới là đá lởm chởm với góc cạnh sắc bén, để tới khu vực đang cài mìn. Cẩn thận bước xuống từ chiếc máy khoan đá, mặt mày lấm lem bụi đất, tháo nhẹ chiếc khẩu trang, anh Vũ Văn Dũng - Đội trưởng thi công nổ mìn phá đá thuộc nhà thầu Phương Thành vừa thở phì phào vừa nói: "Phóng viên có đến đây mới thấu được sự vất vả, mệt nhọc của anh em công nhân công trình giao thông chúng tôi đấy".

xuan/Đường lớn đã mở, đi tới tương lai…  - Ảnh 3.

Làm mặt bằng sân bay Long Thành. Ảnh: N.H

Dẫn chúng tôi đi vào những khu vực khó khăn nhất của gói thầu, chỉ tay lên trên núi, anh Dũng nói: "Đây là gói thầu khó thi công nhất trong 4 gói thầu thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Địa chất ở đây toàn bộ là đá granite có màu xanh rất cứng, chúng tôi phải dùng những mũi khoan lớn nhất và cứng nhất để khoan vào đá. Máy móc hỏng liên tục. Xe chở đá chỉ 1 - 2 tháng là phải làm lại thùng, do đá to và cứng. Hôm nào máy hỏng nhiều, anh em phải sửa chữa thông trưa, ăn cơm tại đó luôn".

"Chuẩn bị đến giờ nổ mìn rồi! Anh em đi về vị trí an toàn thôi" - anh Dũng nói to, rồi bám vào mỏm đá trèo lên phía trên và đưa tay về phía chúng tôi để hỗ trợ từng người đi tới nơi trú ẩn an toàn. Tại điểm trú ẩn, chúng tôi bắt trọn khoảnh khắc những người công nhân cài mìn và kích nổ để tạo ra hình hài cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Anh Dũng nói: "Anh em sẵn sàng máy quay, máy ảnh nhé, bây giờ nổ mìn đấy!". Ít phút sau chúng tôi nghe thấy: "Anh em chú ý! Về vị trí an toàn... Máy bắt đầu tích điện, trên công trường chuẩn bị có mìn nổ, 3... 2...1...". Đoàng, đoàng, tiếng mìn vừa dứt, nền đất rung lên, khói bụi bốc lên cao hàng chục mét kèm những mảnh đá nhỏ bắn tung toé ra các hướng, mùi khét của thuốc nổ bủa vây khắp công trường. Đó là một khoảnh khắc ấn tượng với nhóm phóng viên chúng tôi, những là những gì thường diễn ra tại gói thầu số 2, một trong những hạng mục "khó nhằn" nhất thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

xuan/Đường lớn đã mở, đi tới tương lai…  - Ảnh 5.

Chỉ huy công trường ra ký hiệu cài mìn nổ phá đá ở dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Ảnh: Thế Anh

Ông Võ Thanh Phong cho hay các nhà thầu sẽ quyết tâm thi công đạt tổng sản lượng trên 12 triệu m3 đào đắp, trung bình hơn 260.000m3/ngày.

Tại công trường, đội ngũ kỹ sư, công nhân đều chia ra thành 3 ca kíp để thay nhau thi công, ăn ngủ luôn tại công trường. "Mình là cấp chỉ huy, nhiều khi sốt ruột lắm về tiến độ. Một ngày đi bộ đảo qua đảo lại liên tục trên công trường cả chục km để giám sát, đốc thúc làm việc và luôn nhắc nhở anh em phải hết sức cẩn thận, an toàn" - anh Dũng bộc bạch.

Nhìn xuống chân anh Dũng: Đôi giày rách mũi, đế giày bị choẹt ra… Chúng tôi thắc mắc: Đá cứng khó phá, với mốc dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết phải thông xe ngày 30/4/2022, với tiến độ như hiện nay có kịp? Anh Dũng tự tin: "Với lực lượng và 3 kịp chia ca như thế này sẽ kịp, chúng tôi sẵn sàng đón Tết Nguyên đán trên công trường". Anh Ngọc Hai - công nhân tại dự án với 2 tay đầy dầu mỡ, mặt bám lớp bụi dày, nhưng mắt rạng rỡ niềm vui, cho hay: "Hôm nay đã ra dáng con đường cao tốc rồi. Nhớ những ngày đầu tôi mới vào đây, thấy chẳng khác gì đi khai hoang làm kinh tế mới. Chỉ 1 tuần nữa là cốt nền đi qua núi được hạ theo tiêu chuẩn...".

xuan/Đường lớn đã mở, đi tới tương lai…  - Ảnh 7.

xuan/Đường lớn đã mở, đi tới tương lai…  - Ảnh 8.

Đi dọc sâu vào công trường, tiếp xúc với những kỹ sư, công nhân nơi đây - mà điểm chung là những khuôn mặt da cháy sạm, tay chai sạn, lưng áo đẫm mồ hôi, mới thấy được những "kỳ tích" từ công sức của họ. Một tuyến cao tốc hiện đại, chạy xuyên qua giữa núi rừng - thành quả ấy không chỉ là mồ hôi, sức lực mà có cả những sự đánh đổi ít người hay biết: Xa gia đình, xa vợ con, bố mẹ ốm cũng không thể về chăm sóc...

Những gì thấy được ở "mặt sau" của một tuyến cao tốc - mở ra bao cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, là sự cống hiến thầm lặng của ngàn vạn người làm giao thông. Mai đây, khi phóng xe trên đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết kết nối tới sân bay Long Thành (Đồng Nai), mấy ai sẽ nhớ tới công sức của những kỹ sư, công nhân đã ngàn ngày "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên công trường…

Choáng ngợp công trường dự án sân bay Long Thành

Rời dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, phóng viên Báo NTNN di chuyển hơn 2 giờ để tới một vùng đất đỏ bazan của tỉnh Đồng Nai - nơi đang xây dựng dự án sân bay Long Thành rộng lớn 5.000ha với tổng mức đầu tư 109.111 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025. Giữa nắng nóng gay gắt, gió hoà quyện với bụi đất đỏ, chúng tôi "mục sở thị" việc thi công gói thầu 3.4. Lần đầu đến đây, hẳn ai cũng sẽ choáng ngợp giữa đại dự án rộng mênh mông, bát ngát này, thậm chí còn mất phương hướng. Bốn bên, xung quanh đều là các đường mòn có những vệt bánh xe ...

"Choáng ngợp" - thực sự là vậy, giữa không gian rộng lớn, tấp nập các phương tiện di chuyển ra vào từ mọi hướng để chở đất, chở thiết bị, nguyên vật liệu thi công dự án. Đi theo hương lộ 10, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, đi xuyên vào giữa dự án, bụi đỏ mù mịt khiến chúng tôi bị khuất tầm nhìn, buộc phải giảm tốc độ và di chuyển chậm rì mới đến được trụ sở Ban quản lý dự án.

Tại đây, anh Hải - cán bộ Ban quản lý dự án bắt tay và nói ngay rất gấp gáp: "Những người ít vào dự án, hoặc chỉ 1 tuần không vào là thấy bỡ ngỡ, thậm chí không biết đường, vì dự án thay đổi theo từng giờ, từng ngày".

Anh Hải dẫn chúng tôi đi vào các vị trí trọng yếu đang triển khai thi công. Đó là những quãng đường sình lầy, cả những đoạn đường bụi mù mà tầm nhìn chỉ còn khoảng 5m, nếu không cẩn thận hoặc không thạo đường là rất dễ xảy ra va chạm. Đến được vị trí nơi các công nhân đang lái máy ủi san nền, xe lu đang đầm nền tạo mặt bằng, anh Điền Minh Hòa - thợ lái xe lu của nhà thầu Vinaconex lau vội những giọt mồ hôi trên trán và cười: "Công nhân giao thông là vậy đấy! Hôm qua có mưa nên thời tiết hôm nay đỡ gay gắt hơn, đỡ bụi hơn. Bình thường, gió bụi các em không đứng được ở ngoài trời lâu đâu" - anh Hòa uống vội miếng nước và nói vậy.

Anh Hòa nhảy xuống xe, nước da đen sạm, áo ướt đẫm, kể vội: "Những ngày đầu đến nay, cả một vùng mênh mông, hoang vu, có lúc nghĩ không biết mình có bám trụ nổi ở đây".

Cũng với chiếc áo ướt đẫm mồ hôi loang lổ màu đỏ của đất, anh Trần Văn Tiến - thợ máy của nhà thầu Vinaconex cầm chai nước lấm lem bụi đất đưa lên uống: "Chúng tôi chia nhau ra 3 ca thay nhau làm và tranh thủ ăn tại công trường luôn. Dự án rộng lớn vậy, nếu di chuyển ra được nơi ăn uống rồi quay lại thì mất thời gian, ăn ngủ tại công trường làm việc hiệu quả hơn. Đi ra ngoài còn sợ bị lạc đường...".

Chỉ những hộp cơm, anh Tiến nói với giọng trầm ấm: "Chúng tôi quen với những bữa cơm "chan mồ hồi lẫn bụi bặm" rồi. Ăn uống tại công trường đã trở thành thói quen, không còn lạ lẫm với công nhân nơi vùng đất đỏ".

Khu vực thi công của nhà thầu Vinaconex đang gặp rất nhiều khó khăn do còn hàng trăm hộ gia đình chưa di dời nhà cửa, nhà thầu vừa thi công vừa phải tránh khu vực nhà dân. Biết phóng viên đến thăm công trường, bước xuống từ chiếc xe lu, ông Võ Thanh Phong - Giám đốc ban điều hành gói thầu 3.4 cho hay: "Những gì anh em nhìn thấy chỉ là một phần khó khăn với chúng tôi mà thôi". Chỉ tay về phía công nhân đang cắm tấm biển giữa làn bụi cuộn bay, ông Phong nói: "Chúng tôi phải đánh dấu bằng những ký hiệu riêng để phân biệt được khu vực của các nhà thầu và khu vực nào đang thi công. Công trường rộng, khó bao quát, chúng tôi cũng phải sử dụng flycam để tìm các vị trí đang thi công".

"Hiện nay, khó khăn lớn nhất với chúng tôi là mặt bằng, vẫn còn 100ha và 100 hộ dân chưa di dời khiến cho việc san gạt nền bị ảnh hướng tiến độ" - theo ông Phong, đến hết tháng 12/2022 sẽ có đủ mặt bằng để khởi công gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành. "Đơn vị của tôi xác định toàn bộ cán bộ, kỹ sư, công nhân sẽ đón Tết Nguyên đán trên công trường để sớm đưa dự án về đích" - ông Phong nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem