Facebook quyết làm căng với Úc để "dằn mặt" các chính phủ khác

Minh Nhật Thứ sáu, ngày 19/02/2021 16:02 PM (GMT+7)
Facebook đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các chủ báo, nhà xuất bản và chính trị gia sau khi chặn nguồn cấp dữ liệu tin tức ở Úc vì tranh chấp với chính phủ Úc về việc chia sẻ doanh thu từ tin tức.
Bình luận 0
Facebook quyết làm căng với Úc để "dằn mặt" các chính phủ khác - Ảnh 1.

Tranh chấp giữa Facebook và Úc bắt nguồn từ một dự luật của Úc yêu cầu Facebook và  Google phải đạt được các thỏa thuận trả tiền cho các hãng tin tức có nội dung chia sẻ trên 2 nền tảng này. 

Trong khi Google bất ngờ đồng ý trả tiền cho tin tức tại Úc thì Facebook kiên quyết từ chối. Ngay sau đó, Facebook thông báo người dùng tại Úc không thể xem và chia sẻ tin tức của các hãng thông tấn địa phương lẫn quốc tế trên mạng xã hội này. Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Úc.

Động thái đã khiến Thủ tướng Úc Morrison nổi giận. Ông cáo buộc hành động của Facebook là "ngạo mạn và đáng thất vọng" đồng thời sẽ chỉ “xác nhận mối quan ngại của nhiều quốc gia về hành vi của các gã khổng lồ công nghệ - những người cho rằng họ lớn hơn chính phủ và các quy tắc không nên áp dụng cho họ”.

Làn sóng giận dữ với Facebook cũng tăng cao ở Úc. Các phong trào kêu gọi “Xóa Facebook”; "Tẩy chay Zuckerberg” hay “Facebook: Chúng ta cần nói chuyện" nhanh chóng thịnh hành trên Twitter.

Trước áp lực của dư luận, một phát ngôn viên của Facebook cho biết, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã có “một cuộc gọi mang tính xây dựng" với Bộ trưởng Ngân khố Úc, Josh Frydenberg và một lần nữa bày tỏ sự thất vọng về dự luật được đề xuất”.

Phát ngôn viên này cho biết, Facebook sẽ tiếp tục đàm phán với các chính phủ để sửa đổi luật.

Bình luận về tranh chấp giữa Facebook và Úc, người đứng đầu ủy ban giám sát ngành truyền thông của Quốc hội Anh, ông Julian Knight những gì Facebook đang làm nhằm gửi một thông điệp vượt ra khỏi nước Úc. Theo ông Knight, Facebook đang muốn thông qua Úc để "dằn mặt" các chính phủ khác cũng đang cân nhắc đưa ra các dự luật yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ phải chia sẻ lợi nhuận với các hãng truyền thông. Tuy nhiên, ông Knight, động thái của Facebook sẽ phản tác dụng.

“Hành động này - hành động bắt nạt - mà họ thực hiện ở Úc, tôi cho rằng sẽ chỉ kích thích các nhà lập pháp trên toàn thế giới tiến xa hơn”, ông Knight nói với Reuters.

 “Tôi nghĩ họ (Facebook) gần như đang sử dụng Úc như một phép thử sức mạnh của các nền dân chủ trên toàn cầu đang muốn áp đặt các hạn chế đối với cách thức kinh doanh của họ (Facebook). Vì vậy, theo quan điểm của tôi, tất cả chúng tôi đều ủng hộ Úc”, ông Knight nói thêm.

Các nhà xuất bản tin tức cũng coi chiến thuật của Facebook là bằng chứng cho thấy gã khổng lồ công nghệ này (cũng sở hữu Instagram và WhatsApp) không thể được tin cậy như người "gác cổng" cho ngành truyền thông.

Henry Faure Walker, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Anh bình luận, việc Facebook chặn xem và chia sẻ tin tức trong thời kỳ đại dịch toàn cầu là “một ví dụ kinh điển về việc một thế lực độc quyền trở thành kẻ bắt nạt, cố gắng bảo vệ vị trí thống trị của mình mà không quan tâm đến công dân và khách hàng của họ".

Người đứng đầu Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức BDZV của Đức, Dietmar Wolff tuyên bố: “Đã đến lúc các chính phủ trên toàn thế giới cần hạn chế sức mạnh thị trường của các nền tảng gác cổng”. 

Cổ phiếu Facebook đã giảm 2% vào thứ Năm 18/2 liên quan đến tranh chấp với Úc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem