Đầu tháng 3, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm, dự báo chưa hết "nóng”

Huyền Anh Thứ ba, ngày 01/03/2022 12:02 PM (GMT+7)
Thống kê của Dân Việt đầu tháng 3 cho thấy, hiện có 4 ngân hàng (SCB, Techcombank, ACB và MSB) niêm yết lãi suất cao nhất từ 7%/năm trở lên, trong đó lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 3 ở mức 7,6%/năm.
Bình luận 0

Tháng 3, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm

Khảo sát của phóng viên Dân Việt ngày 1/3, SCB là nhà băng đang niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 7,6%/năm tại quầy.

Để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Đối với hình thức tiết kiệm online, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,35%/năm.

Theo biểu lãi suất áp dụng từ 23/2 của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), khách hàng khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng này được hưởng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 7,1%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng đối với những khoản tiền gửi khoảng 100 tỷ trở lên kỳ hạn 13 tháng.

Cùng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất, đối tượng khách hàng có thể nhận được mức lãi suất cao nhất 7,1% tại Techcombank là những khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và cam kết không được tất toán trước hạn.

Đầu tháng 3: Lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm, dự báo “chưa hết nóng” - Ảnh 1.

Đầu tháng 3, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm. (Ảnh: LT)

Thay đổi biểu lãi suất từ 26/2, MSB là nhà băng còn lại góp mặt trong danh sách ngân hàng có biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất từ 7% trở lên, sau SCB, ACB và Techcombank.

Đứng ở TOP sau, những ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất dưới 7%, LienVietpostbank là nhà băng đứng đầu bảng của TOP này với lãi suất tiết kiệm cao nhất niêm yết ở mức 6,99%/năm. Tiếp theo là MB và VietABank với cùng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất (6,9%/năm).

3 ngân hàng thương mại cổ phần có biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất "khiêm tốn" là EIB (6%/năm); TPB (6%/năm) và OCB (6,15%/năm).

Vpbank – ngân hàng thường có lãi suất tiết kiệm "bét bảng" xếp hạng trong thời gian trước, tại ngày 1/3 lãi suất tiết kiệm cao nhất của VPBank đứng ở mức 6,4%/năm – theo biểu lãi suất áp dụng từ 9/2/2022.

Mới đây, VPBank tung ra giải pháp tiền gửi toàn diện không chỉ giúp khách có khoản dự phòng mà còn "Tích tiểu thành đại" để có vốn đầu tư.

Theo đó, lãi suất khách hàng nhận được không chỉ "siêu" cạnh tranh mà còn nhân 1,2 lần tháng đầu tiên, lên tới 6,96%/năm, khi mở tài khoản Prime Savings qua ứng dụng VPBank

Không những vậy, nếu cần tiền gấp khách hàng có thể cầm cố bởi chính sổ tiết kiệm này (để giữ nguyên được phần lãi suất cuối kỳ được hưởng) với lãi suất vay chỉ cao hơn 1,33% so với lãi suất gửi, đặc biệt chỉ tính lãi trên số ngày và số tiền thực tế rút ra sử dụng.

Đầu tháng 3: Lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm, dự báo “chưa hết nóng” - Ảnh 2.

Dự báo lãi suất tiết kiệm chưa hết nóng trong năm 2022. (Ảnh: VPB)

Tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất "án binh bất động"

Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất 5,5%/năm, áp dụng tại Vietcombank, BIDV, và Agribank. Riêng tại VietinBank, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,6%/năm áp dụng đối với các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Như vậy, cho tới hiện tại 4 "ông lớn" quốc doanh tiếp tục là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất hệ thống.

Dự đoán đường đi của lãi suất tiết kiệm

Bản tin tiền tệ vừa phát đi của Chứng khoán SSI, các chuyên gia dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy cung tiền M2 và huy động vốn năm 2021 đều có cải thiện đáng kể so với con số sơ bộ đưa ra vào cuối năm ngoái.

Cụ thể, tăng trưởng M2 đạt 10,7% so với đầu năm (so với mức 8,93%, tính đến ngày 24/12/2021), trong khi tăng trưởng huy động vốn ghi nhận ở mức 9,24% (so với 8,44% tính đến ngày 24/12).

Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tốt khi tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% (từ mức trung bình khoảng 10,8% trước dịch Covid).

Theo các chuyên gia SSI, điều trên phản ánh thực tế môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh.

Sang năm 2022, SSI kỳ vọng tỷ lệ này sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm với mức tăng khoảng 20-25 điểm cơ bản dành cho lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.

Đầu tháng 3: Lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,6%/năm, dự báo “chưa hết nóng” - Ảnh 3.

Môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh. (Ảnh: TN)

Chia sẻ quan điểm với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam ngày càng lớn, đến từ lạm phát nhập khẩu.

"Lạm phát thế giới tăng cao, vừa rồi lạm phát Mỹ lên tới 7,5% cao nhất 40 năm qua. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các quốc gia Phương tây. Điều này sẽ đẩy lạm phát của việt Nam, cộng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ có một lượng tiền được bơm vào thông, theo dự báo của tôi lạm phát của Việt Nam năm nay khó giữ được ở mức dưới 4%", TS Hiếu nhận định.

Dù chủ trương của ngành ngân hàng là giữ lãi suất cho vay thấp, để làm được thì các ngân hàng phải giữ được lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, với áp lực kể trên lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem