Gần 127.000 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được tiêm vaccine Covid-19

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 22/04/2022 06:08 AM (GMT+7)
Sau 1 tuần khởi động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, cả nước đã tiêm mũi 1 cho gần 127.000 trẻ và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm nào.
Bình luận 0

Bộ Y tế cho biết, sau 1 tuần triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi (từ ngày 14/4), đến chiều ngày 21/4, đã có 126.829 liều vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này tại 28 tỉnh, thành phố.

Theo Bộ Y tế, đến nay ghi nhận một số trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi... Không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. 

Sơ bộ ban đầu tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi tình đến giờ thấp hơn thông báo của nhà sản xuất.

Gần 127.000 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được tiêm vaccine Covid-19, chủ yếu sốt, sưng đau sau tiêm - Ảnh 1.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại TP.HCM. Ảnh HCDC

Theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm vaccine Covid-19 thế nào? 

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cha mẹ khi chuẩn bị cho con đi tiêm cần theo dõi sức khỏe của con, đảm bảo con khỏe mạnh mới đưa đi tiêm. 

Nếu con không khỏe có thể trì hoãn tiêm và đưa con đi tiêm trong các đợt sau. Vì chiến dịch cũng sẽ tổ chức nhiều đợt tiêm và tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm.

Đối với những trẻ có các bệnh mãn tính thì cha mẹ nên khai báo y tế với cán bộ y tế để được khám sàng lọc và chuyển tiêm chủng ở các bệnh viện để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đặc biệt, sau khi tiêm mũi 1 hoặc xác định trẻ có phản ứng phản vệ với các thành phần vaccine Covid-19 thì sẽ chống chỉ định tiêm vaccine cùng loại.

"Cha mẹ cần nắm rõ tiền sử bệnh của con và khai báo chi tiết để quá trình khám sàng lọc và chỉ định tiêm được an toàn, tránh gây những tác dụng phụ đáng tiếc sau tiêm, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ", PGS Hồng cho biết.

Theo PGS Hồng, trẻ em đang mắc các bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển thì cha mẹ không nên vội vàng. Cần điều trị khỏi bệnh hoặc ổn định bệnh cho trẻ mới nên đi tiêm vaccine Covid-19. Những trẻ có các biểu hiện ho, sốt, hắt hơi sổ mũi nghi mắc Covid-19 cũng nên trì hoãn tiêm…

Gần 127.000 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được tiêm vaccine Covid-19, chủ yếu sốt, sưng đau sau tiêm - Ảnh 2.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ lớp 6 tại Hà Nội. Ảnh SYT Hà Nội

Ngoài ra, cần thận trọng khi tiêm với những trẻ có tiền sử dị ứng với bất cứ dị nguyên nào có trong vaccine; Trẻ bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.

Trẻ từng mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm trong 3 tháng từ ngày phát bệnh.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine Covid-19. 

Trong số đó, ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 sẽ được tiêm trong đợt đầu. Những trẻ mắc Covid-19 sau 3 tháng sẽ được tiêm vào các đợt tiếp theo. 

Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022... 

Cập nhật đến ngày 20/4, cả nước đã tiêm được hơn 210,1 triệu liều vaccine Covid-19. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là 52,9%; tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,8%.

Số vaccine Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên 192.523.174 liều: Mũi 1: 71.414.390 liều; Mũi 2: 70.042.589 liều; Mũi bổ sung: 15.072.843 liều; Mũi 3: 35.993.352 liều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem