Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng 24/9, Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2020 chính thức khai mạc tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ (quận 11, TP.HCM). Hội nghị diễn ra ngay khi làn sóng Covid-19 lần thứ hai trong nước dần được kiểm soát.
Vực dậy sau dịch
Tại khuôn viên nhà thi đấu, gian hàng giới thiệu hàng hoá, sản phẩm của các tỉnh thành mang đậm dấu ấn địa phương từ hình thức đến đặc sản quảng bá, chào hàng. Đơn cử, toàn bộ gian hàng của tỉnh Bến Tre được trang trí bằng lá dừa hay Đồng Tháp là hình ảnh biểu tượng "Bé Sen".
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động thương mại, dịch vụ nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn chủ động chuẩn bị các phương án để vực dậy sau dịch.
Theo ông Vũ, minh chứng lớn nhất cho điều này chính là hơn 1.000 doanh nghiệp đã mang theo sản phẩm, đề án kinh doanh đến chương trình kết nối cung cầu hàng hoá năm nay, ngay khi dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát.
Qua 5 năm triển khai, chương trình kết nối cung cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các tỉnh thành liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và là cầu nối giao thương, cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường khu vực, cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ năm 2012 đến nay, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức định kỳ Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cập nhật lũy kế đến nay có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm.
Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, bày tỏ niềm vui khi TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt thị trường sản xuất nông sản, bởi trước đó, địa phương đã nhiều lần khuyến khích nông dân trồng trọt, canh tác theo quy chuẩn nhưng kết quả vẫn chưa thấy rõ.
Nhờ yêu cầu từ thị trường TP.HCM đưa ra các tiêu chuẩn như bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về bao bì đã tác động nhanh chóng nhận thức và hành vi của người sản xuất theo hướng tích cực hơn.
Tiếp tục nâng chuẩn cho hàng Việt
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, từ kết quả đạt được các năm qua, sắp tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng miền.
Đồng thời, xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm chi phí trung gian.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá năm nay có sự tham gia của 9 hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM là Saigon Co.op, Satra, Lotte, Big C, Aeon Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh…
Các doanh nghiệp có nhu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ kết nối với các doanh nghiệp này ngay tại hội nghị. Các nhà bán lẻ sẽ trực tiếp lựa chọn nhà cung ứng tiềm năng, đàm phán và tiến đến ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng thực hiện.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị Kết nối cung cầu năm 2020 có 41 tỉnh, thành cùng 598 nhà cung ứng, phân phối, xuất khẩu… tham dự. Chương trình diễn ra trong 4 ngày (24-27/9) với gần 2.000 mặt hàng là nông sản, đặc sản, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến… giới thiệu đến người tiêu dùng.