Ghé quán sâm có món nước uống không đụng hàng - sâm mai rùa

Hoàng Ba Đình Thứ bảy, ngày 12/03/2022 08:35 AM (GMT+7)
Một số khách hàng uống nước của quán sâm từ hồi nhỏ xíu cho đến tận lúc trưởng thành. Đến lúc già lại tiếp tục dẫn theo con cháu lủ khủ tiếp tục ủng hộ cửa tiệm.
Bình luận 0

Cứ vào sau Tết, Sài Gòn vào đợt cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt. Năm nay, bỗng dưng đang mùa mưa, tự dưng Sài Gòn gặp phải mấy cơn mưa to tầm tã.

Anh Quang Đạt (cử nhân ngành địa lý môi trường) giải thích hiện tượng trên như sau: Sau Tết ta, tức tầm tháng 3, tháng 4 dương lịch, chưa vào mùa gió mùa Tây Nam, gió mùa Đông Bắc không còn hoạt động nhiều ở phương Nam, thành thử Sài Gòn cứ như bị đứng gió. Lại thêm thời gian này là thời điểm mặt trời đi qua "thiên đỉnh" của khu vực TP.HCM. Các yếu tố đó khiến thời gian này vừa nóng vừa khô.

Ghé quán sâm có món nước uống không đụng hàng – sâm mai rùa - Ảnh 1.

Bảng tên nước bằng tiếng Hoa. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Từ tháng 5 trở đi, mặc dù trời vẫn nóng, nhưng rơi vào giai đoạn mùa mưa nên thời tiết có mát mẻ hơn một chút. Mặc dù vừa rồi cũng có vài trận mưa, nhưng đấy là mưa trái mùa, thể hiện tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nói chung, nóng lắm. Các bác ngoài Hà Nội, mỗi khi trời nóng quá, có thói quen tạt ngang một hàng chè chén, làm luôn mấy cốc bia hơi giải nhiệt. Nhưng trong Sài Gòn không có thói quen đấy, người Sài Gòn cũng thích uống nước ven đường, đứng giữa đường làm cái ực cho đã khát. Có điều, món uống ưa thích của họ là nước sâm.

Nước sâm, nước mía, rau má... Sài Gòn có rất nhiều, phố phường ngóc ngách nào cũng có thể dễ dàng tìm thấy với giá cả phải chăng. Với nước mía, rau má, đảm bảo nơi đâu cũng chất lượng như nhau.

Nhưng riêng món nước sâm, thì phải tìm đến khu vực của người Hoa sinh sống, bởi món nước này là đặc sản của người Hoa. Và trong nhiều loại nước sâm, có một loại nước sâm hết sức đặc biệt, đấy chính là "nước sâm mai rùa".

Ghé quán sâm có món nước uống không đụng hàng – sâm mai rùa - Ảnh 2.

Menu các loại nước uống, trong đó có món “nước mai rùa” trứ danh. Ảnh: H.B.Đ

Từ những thông tin của người viết, hiện tại ở TP.HCM chỉ có duy nhất một tiệm có bán món nước uống giải nhiệt đặc biệt này. Đó chính là tiệm Thanh Mã Sơn (840 Nguyễn Trãi, quận 5).

Một số khách hàng thân thuộc của tiệm cho biết, tiệm này vốn xuất phát từ một xe nước sâm bán rong đối diện bên đường; sau làm ăn được, từ xe nước bán dạo ban đầu đã trở thành cửa tiệm khang trang đàng hoàng. Tiệm nước hiện tại cũng ít nhiều mang dấu ấn lịch sử, khi phía sau bảng hiệu còn nguyên mấy lỗ đạn có từ thời chiến tranh.

Theo lời bổn tiệm, tiệm nước này có tuổi đời tầm 100-200 năm. Một số khách hàng uống nước của bổn tiệm từ hồi nhỏ xíu cho đến tận lúc trưởng thành. Đến lúc già lại tiếp tục dẫn theo con cháu lủ khủ tiếp tục ủng hộ cửa tiệm.

Ngoài nước sâm mai rùa như đề cập, còn có loại nước mát phổ biến khác như nước đắng, nhị thập tứ vị (nước sâm 24 vị), rong biển, la hán quả, bông cúc, mía lau... Và sở dĩ nước sâm này có tên "sâm mai rùa" vì trong thành phần có cả một ít bột mai rùa được mài ra.

Ghé quán sâm có món nước uống không đụng hàng – sâm mai rùa - Ảnh 3.

Quang cảnh quán sâm.

Theo Đông y, món bột mai rùa này là một vị thuốc, có tên "cao quy linh" hoặc "quy phục linh". Theo truyền thống, cao quy linh được làm từ hai thành phần chủ yếu là thổ phục linh trộn với bột của mai rùa phơi khô nghiền ra, gia giảm thêm cam thảo cùng một số thành phần khác. Cao quy linh được cho là có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn, tốt cho da; khi ăn thường được dùng với mật ong hoặc sữa để bớt vị đắng.

Tiến sĩ Hồ Tường, cũng từng chia sẻ: Trong một lần dẫn các bạn sinh viên đi điền dã tại xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM), có một bạn nửa đêm bị lên cơn sốt bất tử. Do nằm giữa đảo, lại thêm thuốc men thiếu thốn, nên người dân xã đảo đã tư vấn cho cách vào đền thờ cá voi trên đảo, xin một ít xương cá voi mài ra uống. Mấy đứa sinh viên làm thử, ai ngờ công hiệu, bạn kia hạ sốt ngay lập tức. Theo tôi thấy thì trong xương cá voi có canxi và canxi có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt.

Trong mai rùa, chắc chắn có canxi. Vậy biết đâu, chính thành phần canxi đấy đã giúp cho món nước uống này có tác dụng giải nhiệt? Tất nhiên, đặt câu hỏi này với chủ quán, cũng chỉ nhận được cái cười duyên từ chối. Dễ hiểu thôi, bí quyết làm ăn của bổn tiệm mà lị.

Tuy đặc biệt như vậy, nhưng phải cân nhắc kỹ trước khi thử. Bởi mùi vị món nước sâm mai rùa không dễ uống. Anh Hoàng Phúc (Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Các món nước ở đây ngon, uống mát. Còn với món nước sâm mai rùa, ai không uống đắng được thì xác định là bỏ nguyên chai. Không những đắng, mùi vị còn khó uống thế nào ấy. Nhưng một khi đã qua được giai đoạn đầu, uống lâu sẽ gây nghiện.

Còn chị Xuân Phương (quận 1), khách quen của tiệm nước này lại cho rằng: Nói chung, món nước này khó uống, mùi vị vừa đắng đắng vừa nhẫn nhẫn, khá là khó chịu. Ngoài tác dụng giải nhiệt như ai cũng biết, món nước sâm mai rùa còn có tác dụng dưỡng nhan, ngăn ngừa lão hóa. Thành thử các chị em vẫn tìm đến ầm ầm. Thuốc đắng dã tật mà.

Cứ vừa mát mà lại còn đẹp, thì hỏi sao cửa tiệm chẳng khi nào ngơi khách.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem